Nguyên nhân thiếu máu

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm thiếu máu của phụ nữ có thai đến khám tại bệnh viện phụ sản hà nội năm 2012- 2013 (Trang 30 - 32)

2. 11 Xử lý số liệu 32

1.3.5.Nguyên nhân thiếu máu

Nguyên nhân thiếu máu ở phụ nữ có thai thường gặp là do thiếu sắt và acid folic. Đó là thể thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay [16], [27].

1.3.5.1. Thiếu máu do thiếu sắt.

Bình thường, hàm lượng sắt trong huyết thanh là 11-22 µmol/lit hoặc 140 ± 54g/100ml máu [23]. Thiếu máu thiếu sắt là khi bệnh nhân có thiếu máu và hàm lượng sắt trong huyết thanh giảm dưới ngưỡng trên.

Thiếu sắt được định nghĩa là khi có thiếu dự trữ sắt, xảy ra khi lượng sắt hấp thu thấp hơn lượng sắt tiêu thụ [16].

Thiếu máu thiếu sắt ở PNCT khi nồng độ Hb< 110g/l và Ferritin huyết thanh < 30 microgam/l thì được xác định là thiếu máu thiếu sắt [16].

Khi không có thai, người phụ nữ mất khoảng 25mg sắt trong chu kì kinh nguyệt, mất qua da 15mg, tổng lượng sắt bị mất là 40mg/ tháng. Như vậy, hấp thu sắt qua thức ăn phải đủ 40mg/ tháng [28].

Nếu sắt được hấp thu không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể do lượng sắt trong khẩu phần ăn giảm, do có thai nhu cầu sắt tăng lên hay do mất máu sẽ xảy ra tình trạng thiếu sắt kéo dài gây thiếu máu. Tổng lượng sắt cần cho thời kì có thai là 1000mg, trong đó 300 - 500mg để tổng hợp Hemoglobin, 250- 300mg giúp thai phát triển, 30-100mg cần cho máu thai và bánh rau [2].

Chảy máu khi sổ rau bình thường khoảng 300ml cũng gây mất 150mg sắt. Như vậy, khi có thai cơ thể mẹ cần ít nhất khoảng 700mg sắt và cơ thể phải hấp thu được 2,5mg/ngày. Nhu cầu sắt tăng theo tuổi thai, 3 tháng đầu cần 1mg/ngày, 3 tháng cuối cần 6mg/ngày [17].

Với chế độ ăn uống đầy đủ, mỗi ngày cũng chỉ cấp cho cơ thể khoảng 1,5mg sắt, số thiếu hụt phải lấy ở nơi dự trữ, vì vậy nếu người mẹ ngay từ đầu có dự trữ sắt ít hoặc không có sẽ xảy ra tình trạng thiếu sắt trầm trọng. Qua nghiên cứu, người ta thấy 30% phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ không có dự trữ sắt. Dự trữ sắt thiếu ở 50% PNCT lần đầu [16].

Thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở PNCT trẻ tuổi hoặc lớn tuổi, đẻ nhiều lần, hoặc mắc một số bệnh mạn tính. Thiếu máu thiếu sắt làm cho hồng cầu sẽ nhỏ không đều, nhược sắc [2], [23].

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, xảy ra cùng một lúc với tình trạng thiếu sắt và thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt có thể kết hợp với thiếu axit folic, thiếu vitamin B12.

1.3.5.2. Thiếu máu do thiếu acid folic.

Các dẫn xuất của acid folic tham gia vào cơ chế chuyển hóa một số acid amin cần thiết cho sự tổng hợp protein của cơ thể. Thiếu acid folic, quá trình phân chia tế bào bị giảm sút vì acid folic tham gia tổng hợp purin và pyrimidin của acid nucleic [28].

Acid folic không được dự trữ trong cơ thể. Trong khi có thai, cơ thể phát triển mạnh, quá trình phân bào đòi hỏi nhu cầu acid folic cao. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn, thiếu acid folic sẽ là nguyên nhân thiếu máu ở người mẹ.

Nguyên nhân chính của thiếu máu hồng cầu to ở PNCT là do nhu cầu acid folic tăng lên một cách đáng kể. Tình trạng thiếu acid folic trong khẩu phần ăn không phải là nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu hồng cầu to, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như nôn nghén kéo dài, viêm dạ dày ruột kéo dài, kém hấp thu, chế độ ăn kiêng… [16].

Ở châu Âu, tỉ lệ thiếu máu hồng cầu to ở PNCT là khoảng 2%. Ở những nước kinh tế đang phát triển, tỉ lệ mắc có cao hơn, thường phối hợp nhiều nguyên nhân: thiếu chất, kém hấp thu do các bệnh đường ruột [17].

- Thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12: Bệnh hiếm gặp, hiếm xảy ra trong thời kì có thai. Nguyên nhân có thể do rối loạn tiêu hóa, do cắt dạ dày… gây mất yếu tố nội nên không hấp thu được vitamin B12 [29].

- Thiếu máu do suy tủy xương không rõ nguyên nhân ở phụ nữ có thai. Suy tủy hết sau khi đẻ và tái phát ở lần có thai sau [17].

- Thiếu máu do mất máu cấp: do sẩy thai, rau bong non, rau tiền đạo, thai trứng [30].

- Thiếu máu do di truyền: Thalassemina, thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu máu tan máu do di truyền [12].

1.4. Tình hình thiếu máu của phụ nữ có thai trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu nghiên cứu đặc điểm thiếu máu của phụ nữ có thai đến khám tại bệnh viện phụ sản hà nội năm 2012- 2013 (Trang 30 - 32)