Những nhà toán học của Napoleon

Một phần của tài liệu CÂU CHUYỆN HẤP DẪN VỀ BÀI TOÁN FERMAT (Trang 35)

Vị Hoàng đế của nước Pháp rất quý các nhà toán học mặc dù chính ông không phải là người làm toán. Hai người đặc biệt gần gũi với ông là Gaspard Monge (1746-1818) và Joseph Fourier (1768- 1830). Năm 1798 Napoleon đã đem hai nhà toán học này cùng đi với mình đến Ai Cập để giúp ông "khai hóa văn minh" cho đất nước già cỗi đó.

Fourier sinh ra ở Auxene, Pháp vào ngày 21 tháng 3 năm 1768, nhưng khi lên tám tuổi ông đã mồ côi cha mẹ và ngài giám mục địa phương đã giúp ông vào được trường học quân đội. Ngay khi mới mười hai tuổi Fourier đã bộc lộ nhiều hứa hẹn, đã viết những bài thuyết giáo cho các vị chức sắc nhà thờ ở Paris và sau đó những bài viết rất được hâm mộ. Cách mạng Pháp năm 1789 đã cứu chàng trai trẻ Fourier thoát khỏi cuộc sống của một thầy tu. Thay vì là một thầy tu, ông đã trở thành một giáo sư toán học và một người nhiệt tình ủng hộ cách mạng. Khi cuộc cách mạng buộc phải lùi bước trước sức mạnh khủng bố, Fourier cũng bị tấn công bởi sự tàn bạo của nó. Ông sử dụng tài hùng biện của mình đã từng được rèn luyện trong những năm viết các bản thuyết giáo cho nhà thờ để diễn thuyết chống lại các hành động bạo lực lan tràn khắp nơi. Fourier cũng đã sử dụng kỹ năng diễn thuyết trước đám đông của mình vào việc dạy toán trong các trường đại học hàng đầu ở Paris.

Fourier cũng quan tâm đến kỹ thuật, toán học ứng dụng và vật lý. Tại Trường Đại học Bách khoa, ông đã thực hiện những nghiên cứu quan trọng trong các lĩnh vực này. Nhiều bài báo của ông được trình bày tại Viện Hàn lâm khoa học. Danh tiếng của ông đã làm cho Napoleon chú ý đến và năm 1798 Hoàng đế yêu cầu Fourier đi theo mình trên tàu đô đốc cùng với Hạm đội Pháp gồm năm trăm chiếc tàu tiến đến Ai Cập. Fourier trực thuộc Quân đoàn Văn hóa. Nhiệm vụ của Quân đoàn này là phải "truyền bá cho dân chúng Ai Cập tất cả lợi ích của nền văn minh châu Âu". Người ta đã cố mang nền văn minh đến cho những người dân đang bị một hạm đội đến xâm lược đất nước họ. Ở Ai Cập, hai nhà toán học (Gaspard Monge và Joseph Fourier) đã thành lập Viện Ai Cập. Fourier đã ở lại đó đến năm 1802 rồi trở về Pháp làm quận trưởng một vùng gần Grenoble. Ở đây ông đã đảm trách nhiều công việc xã hội quan trọng như giải quyết việc tiêu nước các vùng đầm lầy và thanh toán bệnh sốt rét. Cùng với tất cả các công việc đó, Fourier, "một nhà toán học chuyển sang làm nhà quản lý hành chính", đã khéo thu xếp để có thời gian thực hiện ý tưởng toán học có giá trị nhất của mình. Kiệt tác của Fourier là Lý thuyết toán học về nhiệt học nhằm trả lời câu hỏi quan trọng: Quá trình dẫn nhiệt diễn ra như thế nào? Với công trình này, năm 1812 ông đã giành được giải thưởng đặc biệt của Viện Hàn lâm khoa học. Một phần công trình của ông dựa trên các thí nghiệm mà ông đã thực hiện trên các vùng sa mạc của Ai Cập trong những năm ông ở đó. Vài người bạn của ông cho rằng các thí nghiệm này, kể cả việc chính ông phải chịu hơi nóng tạo ra trong các phòng kín, đã làm ông mất sớm ở tuổi 62. Fourier dành những năm cuối đời để viết truyện kể về Napoleon và mối quan hệ gần gũi giữa Napoleon với ông cả khi ở Ai Cập cũng như sau khi Napoleon trốn thoát khỏi Elba. Tuy nhiên công trình nghiên cứu nhiệt của Fourier mới chính là yếu tố làm cho ông trở thành bất hủ vì ông đã phát triển một lý thuyết quan trọng - Lý thuyết các hàm số tuần hoàn. Một chuỗi các hàm tuần hoàn như thế, khi được sử dụng một cách đặc biệt để đánh giá hàm số khác, được gọi là chuỗi Fourier.

Một phần của tài liệu CÂU CHUYỆN HẤP DẪN VỀ BÀI TOÁN FERMAT (Trang 35)