nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn
3.2.2.1. Chuẩn bị nguồn vốn đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Huy động từ nguồn tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân
Với mục tiêu đáp ứng tốt chức năng là trung gian tín dụng, là cầu nối giữa người thừa vốn và người thiếu vốn, các NHTM cần nhanh chóng nắm bắt thị trường, tạo thuận lợi cho người gửi tiền, mở rộng nhiều hình thức huy động vốn, cải tiến công nghệ nhằm đưa ra nhiều sản phẩm có tiện ích cao cho khách hàng, đổi mới phong cách và thái độ phục vụ theo hướng chuẩn quốc tế. Mở rộng mạng lưới hiện đại hóa giúp khách hàng có thể gửi, rút tiền tại mọi nơi thuộc hệ thống. Chủ động huy động theo phương châm: “Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Thu hút khách hàng gửi tiền thông qua các gói sản phẩm theo dịp lễ, tết trong năm, chẳng hạn như ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Noen, tết Nguyên đán… bằng các chính sách lãi suất ưu đãi, phương thức rút tiền thuận tiện, giải thưởng phong phú, hấp dẫn.
- Phát hành trái phiếu ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi
Tiếp tục phát hành trái phiếu ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi. Đây là sản phẩm có thời hạn dài sẽ tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân hàng. Mặt khác, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất hấp dẫn nên được nhiều người dân ưa thích. Bên cạnh đó trái phiếu có đặc thù là được mua ở một nơi nhưng có thể được thanh toán ở nhiều nơi thông qua việc chiết khấu.
- Tranh thủ nguồn vốn nhận tài trợ, ủy thác (nguồn vốn lãi suất thấp) từ các định chế tài chính trong nước và quốc tế
Tranh thủ các nguồn vốn vay từ các định chế tài chính quốc tế với lãi suất thấp trong và ngoài nước để tập trung cho vay các chương trình, dự án theo định hướng phát triển kinh tế của vùng nhằm nền tảng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các DNNVV, tạo điều kiện mở rộng tín dụng trung và dài hạn có hiệu quả. Cụ thể các nguồn có thể tranh thủ: (i) Vốn tài trợ từ Dự án tài chính nông thôn của Worldbank; (ii) Vốn từ nguồn vốn ODA dự án
SMEFP III (cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Nguồn từ tổ chức JICA Nhật Bản); (iii) Nguồn vốn nhận ủy thác từ các tổ chức trong nước.
- Nguồn vốn vay từ NHNN
Tiếp cận các nguồn vốn từ phía NHNN thông qua các hoạt động như: (i) Vay NHNN bằng chiết khấu, tái chiết khấu trái phiếu chính phủ qua thị trường OMO; (ii) Vay bằng cầm cố trái phiếu chính phủ (vay thấu chi); (iii) Vốn vay từ NHNN để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của NHNN.
- Xử lý kịp thời nợ quá hạn
Rủi ro tín dụng là điều không tránh khỏi vào bất kỳ thời điểm nào của nền kinh tế, tiến hành thu hồi những khoản nợ, đọng vốn thật nhanh góp phần tăng thêm nguồn vốn cho các NHTM tăng trưởng tín dụng. Các NHTM cần tiến hành đánh giá khả năng thu hồi toàn bộ các khoản nợ đã ra hạn, điều chỉnh kì hạn nợ và nợ quá hạn. Sau đó tiến hành phân loại theo khả năng thu hồi. Tập trung đội ngũ cán bộ để thu nợ, không để nợ quá hạn mới phát sinh do nguyên nhân chủ quan. Có những chế tài xử phạt, khen thưởng cho các cá nhân, chi nhánh trong việc giải quyết nợ xấu. Chẳng hạn, dừng mọi hoạt động khen thưởng, nâng lương cho các cá nhân, chi nhánh không hoàn thành việc xử lí nợ xấu đúng hạn; cán bộ tín dụng để xảy ra nợ xấu chỉ được nhận 50% lương cho đến khi hoàn thành việc thu hồi khoản nợ quá hạn…
3.2.2.2. Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xây dựng và triển khai tốt chính sách tín dụng đối với DNNVV sẽ tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và DNNVV, giúp ngân hàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng vay vốn. Đồng thời, giúp ngân hàng chủ động có những biện pháp thích ứng kịp thời, phát hiện và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sử dụng vốn vay của khách hàng nhằm hạn chế những rủi ro không lường trước được, nâng cao chất lượng tín dụng đối với DNNVV, đẩy mạnh doanh thu cho ngân hàng từ các sản phẩm, dịch vụ từ đối tượng này.
Để đảm bảo thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với DNNVV, các NHTM cần thực hiện:
Xây dựng chính sách tín dụng thuộc chính sách khách hàng đối với DNNVV tại các địa bàn giao dịch cụ thể thông qua việc phân tích ngành và định hướng khách hàng theo từng vùng miền, từ đó có thể đẩy mạnh công tác tiếp thị dịch vụ ngân hàng tới DNNVV của từng chi nhánh theo đúng định hướng và có hiệu quả.
Đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng dành cho DNNVV. DNNVV tại từng địa bàn có những đặc điểm, tiềm năng khai thác khác nhau nên các hình thức
tín dụng và các dịch vụ đi kèm phải được thiết kế phù hợp với đối tượng DNNVV. + Thông qua kết quả nghiên cứu, khảo sát nhu cầu tín dụng và nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của DNNVV tại địa bàn của ngân hàng đó, các NHTM cần phát triển thêm những sản phẩm dựa trên thực tế nhu cầu khảo sát tại từng địa bàn, từng chi nhánh và chỉnh sửa các sản phẩm đã có theo hướng dễ áp dụng, có tính cạnh tranh cao, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, thu hút được những khách hàng DNNVV tốt đến với ngân hàng. Một số hướng có thể áp dụng như sau: (i) Miền Bắc: tập trung vào các DNNVV trong ngành phân phối, công nghệ thông tin và viễn thông dược và y tế, khai thác than và khoáng sản, xăng dầu dầu khí, bao bì, giấy, hoá chất, inox...; (ii) Miền Trung: tập trung vào các DNNVV có hoạt động xuất nhập khẩu đồ gỗ, thủ công mĩ nghệ, dệt may, điện...; (iii) Miền Nam: tập trung vào các DNNVV trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông, phân phối, xuất nhập khẩu nông thuỷ sản, innox, dược và y tế...
+ Tài trợ trọn gói cho DNNVV từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ đầu ra nếu các doanh nghiệp trong chu trình sản xuất này cùng có quan hệ với ngân hàng. Sản phẩm tín dụng có thể cung cấp: cho vay ngắn hạn theo món hoặc theo hạn mức (với cả doanh nghiệp bán hàng và mua hàng); bao thanh toán (với doanh nghiệp bán hàng); thấu chi tài khoản thanh toán (với doanh nghiệp bán hàng và mua hàng)... Dịch vụ đi kèm: thu hộ, chi hộ, quản lý danh mục công nợ...
+ Thành lập công ty cho thuê tài chính được xem là hướng đi thực sự hiệu quả cho các DNNVV trong điều kiện yếu kém về năng lực tài chính và công nghệ. Với dịch vụ cho thuê tài chính, DNNVV có cơ hội tăng năng lực sản xuất kinh doanh trong điều kiện hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Cho thuê tài chính giúp cho doanh nghiệp không bị ứ đọng vốn vào tài sản cố định thông qua các nghiệp vu bán – tái cho thuê, các DNNVV có thể chuyển dịch nguồn tài sản cố định thành vốn lưu động sử dụng vào nhiều mục đích kinh doanh khác nhau. Để mở rộng và nâng cao khả năng hoạt động cho thuê tài chính cần: (i) Thiết lập kênh phân phối hợp lý, bên cạnh kênh truyền thống trực tiếp, các công ty cho thuê tài chính cần phát triển kênh phân phối điện tử để đáp ứng nhu cầu thuê của DNNVV; (ii) Đa dạng hóa các hình thức cho thuê, từng bước triển khai thuê vận hành. Cải tiến quy trình theo hướng đơn giản, đáp ứng yêu cầu của DNNVV từ khâu thẩm định dự án đến khâu thanh tóan tiền thuê và thanh lý hợp đồng; (iii) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ: tư vấn chọn lựa công nghệ, lựa chọn nhà cung cấp và tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng.
Nghiên cứu và ban hành biểu phí và lãi suất cạnh tranh, thay đổi theo từng thời kì. DNNVV hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có thế mạnh và hạn chế riêng, dẫn đến nhu cầu hay quan niệm về nguồn vốn cũng khác nhau. Do đó, những đánh giá chính xác về khách hàng và khoản tín dụng cấp nhằm xây dựng một biểu phí lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng ngành nghề. Tùy vào từng thời kỳ hay từng đối tượng mà chính sách lãi suất có những ưu tiên khác nhau:
+ Đối với những DNNVV có quan hệ lâu năm với ngân hàng, vay trả sòng phẳng, có tín nhiệm thì ngân hàng có thể cho vay với lãi suất ưu đãi hơn, hoặc thời gian trả nợ không hạn chế, có thể phụ thuộc vào thời gian thu hồi vốn. Những ưu tiên này sẽ thúc đẩy các DNNVV sử dụng vốn có hiệu quả, đảm bảo chất lượng trong quan hệ tín dụng để mối quan hệ tiếp tục được mở rộng.
+ Với những DNNVV mới vay vốn lần đầu, nếu dự án là khả thi thì ngân hàng có thể tạo điều kiện để việc giải ngân được nhanh chóng với những ưu đãi về lãi suất nhỏ hơn và vốn vay lớn hơn các món vay thông thường.
Ngoài ra, không chỉ ưu đãi về lãi suất vay vốn, các NHTM nên tăng cường các dịch vụ và không thu phí cho các DNNVV như: chuyển tiền, thanh toán bù trừ… Việc này tạo tâm lý cho khách hàng là luôn được hưởng thiện chí chăm sóc từ phía ngân hàng, từ đó khuyến khích các DNNVV đặt quan hệ với ngân hàng.
Lựa chọn các sản phẩm và hình thức tài sản bảo đảm phù hợp với đặc điểm ngành nghề của DNNVV từng vùng miền như nhận thế chấp bất động sản, tài sản cố định của doanh nghiệp; nhận thế chấp hàng tồn kho hoặc khoản phải thu luân chuyển và không luân chuyển...
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên các phương tiện đại chúng tại địa phương nhằm mang đến thông tin về sản phẩm, tiện ích khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng tới các khách hàng nói chung và DNNVV nói riêng.
Thời gian giao dịch và độ chính xác trong quá trình cung ứng dịch vụ: đây là một yếu tố quan trọng trong ngành dịch vụ ngân hàng. DNNVV mặc dù có quy mô nhỏ, dư nợ không lớn nhưng với số lượng khách hàng tương đối lớn nên thường xuyên phát sinh nhu cầu giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, thời gian giao dịch cũng như độ chuẩn xác trong quá trình giao dịch là yếu tố cạnh tranh lớn của các NHTM để thu hút được những DNNVV có nhu cầu, có chất lượng tốt và giữ được những DNNVV truyền thống, có uy tín với ngân hàng.
Thường xuyên cập nhật sự biến động của thị trường. Nhằm có những cảnh báo sớm, những nhận định chính xác trong từng thời kì cho hoạt động tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và với DNNVV nói riêng, các NHTM phải đánh giá đúng tình hình kinh tế, những biến động bất thường có thể xảy ra nhằm duy trì được danh mục khách hàng có uy tín, giảm được dư nợ xấu của những đối tượng hoặc ngành nghề có rủi ro tín dụng cao, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng đối với DNNVV cũng như với toàn bộ khách hàng của ngân hàng. Để làm tốt vấn đề này và đưa ra được các phương hướng giải quyết kịp thời, các NHTM có thể thuê các chuyên gia kinh tế, các tổ chức tư vấn hàng đầu trong và ngoài nước đánh giá biến động của thị trường theo tháng, theo quý... Không những vậy, việc lựa chọn những cá nhân có thâm niên kinh nghiệm về tài chính ngân hàng vào các vị trí chủ chốt cũng là lựa chọn đáng lưu ý cho các NHTM Việt Nam.
3.2.2.3. Xây dựng quy trình tín dụng chuẩn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quy trình tín dụng là trình tự các bước mà ngân hàng thực hiện khi tài trợ cho khách hàng. Nó phản ánh các nguyên tắc tín dụng, trình tự giải quyết công việc, thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan. Mục tiêu của việc xác định quy trình tín dụng là để có được quyết định tài trợ đúng đắn, đảm bảo an toàn vốn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho ngân hàng.
Hiện nay các NHTM đều đã xây dựng và áp dụng một quy trình tín dụng thống nhất trên toàn hệ thống. Là một đối tượng vay vốn của ngân hàng, hoạt động tín dụng đối với DNNVV cũng phải tuân theo quy trình chung này. Tuy nhiên, trong từng bước của quy trình, việc áp dụng cho DNNVV cũng đang đặt ra những yêu cầu riêng, đòi hỏi các NHTM phải xây dựng một quy trình tín dụng chuẩn cho DNNVV, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đối tượng khách hàng này để có thể thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và làm thoả mãn tốt nhất mọi nhu cầu của DNNVV. Các bước cơ bản của quy trình này bao gồm:
Bước 1: Hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ tín dụng, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Khi DNNVV có nhu cầu vay vốn, Nhân viên Quan hệ khách hàng phải tiếp xúc và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn. Hồ sơ tín dụng do khách hàng lập và cung cấp cho ngân hàng thường bao gồm: hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ tài sản bảo đảm, hồ sơ phương án vay vốn và các hồ sơ khác có liên quan. Đối với DNNVV, do quy mô và cách thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp thường không chuyên nghiệp, có nhiều đơn vị không có các phương án kinh doanh cụ thể
theo đúng yêu cầu của Ngân hàng hoặc thiếu các văn bản pháp lý sử dụng cho mục đích vay vốn. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cho bộ phận kinh doanh trong việc hướng dẫn khách hàng thu thập đủ hồ sơ tín dụng một cách dễ hiểu, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Bước 2: Thẩm định
Sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ cần thiết, bộ phận kinh doanh phải tiến hành thẩm định toàn bộ những nội dung theo đúng các bộ phận cấu thành nên hồ sơ tín dụng nhằm phân tích một cách toàn diện nhất, chính xác nhất về khách hàng để ra quyết định cho vay ở bước tiếp theo.
Đối với việc thẩm định DNNVV, ngoài cách thức thẩm định tài sản bảo đảm và phương án vay vốn theo đúng hướng dẫn của quy trình tín dụng, bộ phận kinh doanh phải phân tích kĩ về năng lực pháp lý, năng lực quản lý và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khả năng quản lý của Ban lãnh đạo DNNVV thường không được đánh giá cao. Đặc biệt, hồ sơ tài chính của đơn vị thường xuyên ở tình trạng không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến những phân tích thiếu chính xác của bộ phận kinh doanh. Đây là đặc điểm riêng có của DNNVV mà ngân hàng phải đối mặt và tìm biện pháp để nắm bắt vấn đề một cách sát thực nhất.
Bước 3: Trình duyệt hồ sơ vay vốn, ra quyết định cho vay
Trên cơ sở tờ trình tín dụng đã lập, nhân viên Quan hệ khách hàng đưa ra kết luận độc lập của mình về quyết định cho vay và trình báo cáo lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu vượt phạm vi thẩm quyền phán quyết của người lãnh đạo trực tiếp, hồ sơ vay vốn và tờ trình sẽ được đưa lên trình lãnh đạo cấp cao hơn. Đối với DNNVV, thông thường giá trị và tính chất phức tạp của các khoản vay ở mức trung bình và thấp. Vì vậy, các khoản vay nên được ra quyết định tại cấp chi nhánh của ngân hàng nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, làm giảm thời gian chờ đợi kết quả của doanh nghiệp.
Bước 4: Lập đàm phán, ký kết hợp đồng
Sau khi quyết định tài trợ cho khoản vay, bộ phận Hỗ trợ Quan hệ khách hàng phải chuẩn bị các hợp đồng và văn bản liên quan trình lãnh đạo ký, bao gồm: hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng cầm cố hoặc thế chấp cùng các văn