Tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 26 - 31)

1.1.2.1. Khái niệm

Trong phạm vi của luận án, ngân hàng được hiểu là tổ chức tín dụng có thể thực hiện các hoạt động như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, đầu tư tài chính và cung cấp các dịch vụ thanh toán. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.

Trong các hoạt động ngân hàng, cấp tín dụng là giao dịch tài sản giữa ngân hàng với bên đi vay (tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế), trong đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán. Tài sản giao dịch trong hình thức cấp tín dụng chủ yếu dưới dạng tiền tệ. Trong một số hình thức tín dụng như cho thuê tài chính thì tài sản trong giao dịch có thể là tài sản khác như tài sản cố định.

Theo Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 29/6/2010, hoạt động cấp tín dụng được thực hiện thông qua các nghiệp vụ: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.(mục 14, Điều 4, Chương 1).

Như vậy, tín dụng ngân hàng đối với DNNVV có thể được hiểu là việc thỏa thuận giữa ngân hàng và DNNVV, theo đó ngân hàng chuyển giao tài sản cho DNNVV sử dụng theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Nguồn tiền dùng để ngân hàng cấp tín dụng cho DNNVV đến từ hai nguồn gồm: vốn tự có của ngân hàng và nhận tiền gửi của khách hàng. Cụ thể:

-Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của NHNN Việt Nam

-Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

1.1.2.2. Các phương thức tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Căn cứ vào hình thức cấp tín dụng

a. Cho vay:

Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó ngân hàng giao hoặc cam kết giao cho DNNVV một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi.

Các hình thức thường thấy trong hoạt động cho vay của ngân hàng đối với DNNVV bao gồm:

Cho vay trực tiếp từng lần: là hình thức cho vay phục vụ những khách hàng là DNNVV có nhu cầu không thường xuyên, phát sinh từng lần riêng lẻ. Mỗi khoản

vay được lưu trữ thành các hồ sơ độc lập với sự kiểm soát tách biệt từng hồ sơ.

Cho vay theo hạn mức: là hình thức cho vay theo đó ngân hàng kí một hợp đồng hạn mức tín dụng với DNNVV trong đó quy định những điều kiện cho vay cơ bản như số tiền hạn mức, doanh số cho vay, lãi suất, thời gian cho vay tối đa cho từng lần giải ngân, thời gian duy trì hạn mức... DNNVV chỉ cần trình phương án sử dụng tiền vay, cung cấp các chứng từ chứng minh phù hợp để đề nghị được ngân hàng giải ngân.

Cho vay thấu chi: là hình thức cho vay theo đó ngân hàng cho phép người vay chi vượt quá số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của mình đến một giới hạn nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định (hạn mức thấu chi).

Cho vay gián tiếp: là hình thức cho vay thông qua các tổ chức trung gian. Các tổ chức này có thể nhận vài khâu của hoạt động cho vay từ ngân hàng hoặc đứng ra bảo lãnh cho các thành viên vay vốn. Hình thức cho vay này thường áp dụng với những món vay nhỏ, người vay phân tán hoặc cách xa ngân hàng.

b. Chiết khấu:

Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

c. Tái chiết khấu:

Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

d. Bảo lãnh ngân hàng:

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó ngân hàng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng theo thỏa thuận.

e. Bao thanh toán:

Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng của ngân hàng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo theo hợp đồng mua, bán bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

f. Cho thuê tài chính:

Là việc ngân hàng xuất tiền mua tài sản để cho khách hàng thuê theo những thỏa thuận của hợp đồng cho thuê. Sau thời gian nhất định, khách hàng phải trả đủ

gốc và lãi cho ngân hàng. Đây là phương thức vay tài sản thông qua hợp đồng cho thuê, kèm theo lời hứa đơn phương bán cho người thuê một giá nhất định sau thời hạn cho thuê (có tính đến số tiền thuê đã trả).

- Căn cứ vào thời hạn tín dụng

a. Tín dụng ngắn hạn (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tín dụng ngắn hạn là các khoản cho vay có thời hạn không quá 12 tháng nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn ngắn hạn như bổ sung ngân quỹ, đảm bảo yêu cầu thanh toán đến hạn, bổ sung nhu cầu vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Căn cứ vào tính chất của việc cấp vốn và phương pháp cho vay của ngân hàng, các hình thức cụ thể của cho vay ngắn hạn bao gồm: chiết khấu chứng từ có giá, cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, thấu chi, bao thanh toán…

b. Tín dụng trung và dài hạn

Tín dụng trung - dài hạn có thời hạn cho trên 12 tháng, tín dụng trung hạn có thời hạn từ trên 12 tháng đến 60 tháng, tín dụng dài hạn có thời hạn trên 60 tháng. Tín dụng trung - dài hạn cho doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho việc thực hiện các dự án đổi mới, mở rộng sản xuất - kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản mới. Vì thời hạn dài nên loại tín dụng này chứa đựng mức rủi ro cao, kể cả rủi ro cá biệt và rủi ro hệ thống. Các hình thức cho vay trung - dài hạn bao gồm: cho vay theo dự án đầu tư, cho vay hợp vốn, cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng, cho thuê tài chính…

- Căn cứ vào đảm bảo tín dụng

Căn cứ vào đảm bảo tín dụng, các khoản vay của DNNVV bao gồm: tín dụng có đảm bảo và tín dụng không có đảm bảo.

a. Cho vay có đảm bảo

Là việc khách hàng dùng tài sản bảo đảm của mình hoặc bên thứ ba làm bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn ở ngân hàng. Cho vay có đảm bảo gồm các hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba.

Đối với các DNNVV, cầm cố - thế chấp là các hình thức tương đối dễ áp dụng trên thực tế và được các DNNVV sử dụng thường xuyên. Đây cũng là giải pháp đầu tiên của DNNVV đề cập tới khi nhu cầu về vốn nảy sinh.

b. Cho vay không có bảo đảm

Ngân hàng có thể chuyển một vài khâu của hoạt động cho vay sang các tổ chức trung gian như thu nợ, phát tiền vay… Tổ chức trung gian cũng có thể đứng ra tín chấp cho các thành viên vay, hoặc các thành viên trong nhóm bảo lãnh cho thành

viên vay, nhất là trong trường hợp không có hoặc không đủ tài sản thế chấp (Tô Ngọc Hưng & Nguyễn Kim Anh, 2011) [13].

1.1.2.3. Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất

Vai trò quan trọng nhất của tín dụng ngân hàng là cung ứng vốn một cách kịp thời cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh của các DNNVV. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, một doanh nghiệp duy trì được hoạt động liên tục đòi hỏi vốn của doanh nghiệp phải đồng thời ở cả ba giai đoạn: dự trữ, sản xuất và lưu thông. Hiện tượng thừa, thiếu vốn tạm thời luôn xảy ra ở các doanh nghiệp, khi đó tín dụng đã góp phần điều tiết các nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không bị gián đoạn. Nhờ đó mà các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất cũng như tốc độ tiêu thụ sản phẩm.

- Giúp DNNVV nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng đòi hỏi DNNVV phải xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, đem lại lợi nhuận để thực hiện tốt các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, đảm bảo hoàn trả gốc và lãi đúng hạn. Do vậy, tín dụng ngân hàng thúc đẩy doanh nghiệp phải tìm cách sử dụng vốn có hiệu quả, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận phải lớn hơn lãi suất ngân hàng thì mới trả được nợ và kinh doanh có lãi. Trong quá trình cho vay ngân hàng thực hiện kiểm soát trước, trong và sau khi giải ngân buộc doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

- Tín dụng ngân hàng giúp hình thành cơ cấu vốn tối ưu cho DNNVV

Nguồn vốn vay chính là công cụ đòn bẩy để doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về vốn nên việc sử dụng vốn tự có để sản xuất là khó khăn vì nguồn vốn hạn chế. Nếu chỉ sử dụng nguồn vốn này thì giá vốn sẽ cao, sản phẩm khó được thị trường chấp nhận, hơn nữa khó có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, để có một cơ cấu vốn hiệu quả, kết cấu hợp lý là nguồn vốn tự có và vốn vay nhằm tối đa hoá lợi nhuận tại mức giá vốn bình quân rẻ nhất.

- Tín dụng ngân hàng góp phần tập trung vốn sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV

Cạnh tranh là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại và đứng vững đòi hỏi các doanh nghiệp phải chiến thắng trong cạnh tranh. Đặc biệt đối với các DNNVV, do có một số hạn chế nhất định, việc chiếm lĩnh ưu thế trong cạnh

tranh trước các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài là một vấn đề khó khăn. Xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp này là tăng cường liên doanh, liên kết, tập trung vốn đầu tư và mở rộng sản xuất, trang bị kỹ thuật hiện đại để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên để có một lượng vốn đủ lớn đầu tư cho sự phát triển trong khi vốn tự có lại hạn hẹp, khả năng tích luỹ thấp thì phải mất nhiều năm mới thực hiện được. Và khi đó cơ hội đầu tư phát triển không còn nữa. Như vậy để có thể đáp ứng kịp thời, tìm đến nguồn tín dụng ngân hàng là một điều phù hợp.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 26 - 31)