doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV chịu ảnh hưởng tổng hòa của ba nhóm nhân tố: (i) Các nhân tố bắt nguồn từ phía ngân hàng, (ii) Các nhân tố bắt nguồn từ phía DNNVV, (iii) Các nhân tố thuộc về bối cảnh kinh tế, pháp lý và xã hội ảnh hưởng đến hoạt động của cả ngân hàng và doanh nghiệp.
1.2.3.1. Các nhân tố bắt nguồn từ phía ngân hàng
Những nhân tố thuộc về nội tại của từng ngân hàng có ý nghĩa quyết định tới sự tới tăng trưởng tín dụng nói chung và tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV nói riêng.
* Chính sách tín dụng của ngân hàng
Chính sách tín dụng của ngân hàng là một hệ thống các biện pháp liên quan đến việc khuyếch trương tín dụng hoặc hạn chế tín dụng để đạt mục tiêu đã được hoạch định, bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng của ngân hàng. Chính sách tín dụng đúng đắn đối với từng loại khách hàng sẽ thu hút được các khách hàng mục tiêu, đảm bảo khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội. Trong đó, muốn tăng trưởng tín dụng cho DNNVV thì chính sách của ngân hàng cần phải được thiết lập sao cho phù hợp với những nhu cầu đặc thù của đối tượng này.
* Năng lực huy động vốn
Huy động vốn là quá trình NHTM nhận tiền gửi của tổ chức và cá nhân dưới các hình thức nhận tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá…, tiền vay của NHNN và các NHTM khác. Năng lực huy động vốn của một NHTM là khả năng tạo lập và phát triển nguồn vốn nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng vốn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong đó chủ yếu là hoạt động tín dụng. Do vậy năng lực huy động vốn của ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng, sự phù hợp giữa các kì hạn huy động vốn với các kì hạn cho vay, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
* Nhân tố con người
Trong mọi nguồn lực, nguồn nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của hoạt động kinh doanh. Năng lực, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý và CBTD quyết định rất lớn tới sự thành công trong hoạtb động tín dụng của NHTM đặc biệt là đối với các DNNVV, bởi nhu cầu của nhóm khách hàng này thường nhỏ nhưng đa dạng, đòi hỏi các CBTD phải nắm chắc nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, thị trường, kĩ năng giao tiếp tốt, có khả năng tổng hợp thông tin và đánh giá khách hàng, từ đó thẩm định khách hàng chính xác sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro về tín dụng.
* Thông tin tín dụng
Thông tin tín dụng giúp cho người quản lý đưa ra những quyết định cần thiết có liên quan đến cho vay, theo dõi và quản lý tài khoản cho vay. Thông tin càng đầy đủ, nhanh nhạy, chính xác và toàn diện thì khả năng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng càng cao giúp nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, đây lại là một trở ngại cần khắc phục khi tăng trưởng tín dụng cho DNNVV bởi những doanh nghiệp này thường thiếu minh bạch về thông tin tài chính và hoạt động.
* Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng bao gồm các bước tiến hành tương ứng với bốn giai đoạn của quá trình cho vay: quy trình xét duyệt cho vay; quy trình phát tiền vay; quy trình kiểm tra sử dụng vốn vay và quy trình thu hồi nợ vay. Một quy trình tín dụng khoa học, cụ thể, dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng, dễ kiểm tra kiểm soát chính là một trong những điều kiện quan trọng giúp ngân hàng
quản lý được các khoản vay đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng, đặc biệt là DNNVV tiếp cận tín dụng được thuận lợi, dễ dàng hơn.
* Năng lực quản trị rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng phát sinh trong trường hợp ngân hàng không thu được đầy đủ cả gốc lẫn lãi của khoản cho vay, hoặc là việc thanh toán nợ gốc và lãi không đúng kỳ hạn. Rủi ro tín dụng không chỉ giới hạn ở hoạt động cho vay, mà còn bao gồm nhiều hoạt động mang tính chất tín dụng khác của ngân hàng như bảo lãnh, cam kết, chấp thuận tài trợ thương mại, đồng tài trợ… Rủi ro tín dụng xảy ra sẽ làm giảm chất lượng tín dụng của Ngân hàng.Khi chủ trương tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV, năng lực quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng càng cần được đề cao bởi thông tin tài chính và hoạt động của đối tượng DNNVV chưa minh bạch, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát hiệu quả tín dụng.
1.2.3.2. Các nhân tố thuộc về bối cảnh kinh tế, pháp lý và xã hội
* Nhân tố kinh tế
Nền kinh tế vĩ mô bất ổn có tác động đến hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh của các đối tượng khách hàng. Khi nền kinh tế vĩ mô bất ổn thì hoạt động tín dụng ngân hàng có độ rủi ro cao.
Chủ trương đường lối phát triển kinh tế của Chính phủ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới định hướng và mục tiêu kinh doanh của NHTM cũng như các đối tượng khách hàng. Chính sách kinh tế của Chính phủ đối với các đối tượng khách hàng cũng như các chính sách ưu đãi hay hạn chế sự phát triển của một ngành, một lĩnh vực, một đối tượng của nền kinh tế cũng có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng.
Chính sách tiền tệ mở rộng hoặc thắt chặt trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn từ phía ngân hàng trung ương sẽ dẫn đến tăng cường hoặc hạn chế hoạt động huy động vốn của các NHTM. Trong khi đó, hoạt động huy động vốn luôn song hành cùng hoạt động tín dụng. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng tới việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng của các NHTM cho DNNVV.
Xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra sôi động trên thế giới. Vì thế sự biến động tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong nước theo sự biến động của thế giới có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng. Trong thời kỳ nền kinh tế khu vực bị suy
thoái và khủng hoảng, khả năng chống đỡ khó khăn của DNNVV không lớn, hệ quả sẽ là tỷ lệ nợ xấu cao, chất lượng cho vay giảm sút…
* Nhân tố xã hội
Đạo đức xã hội có liên quan tới rủi ro và tăng trưởng tín dụng trên một số khía cạnh như trình độ dân trí, thói quen tập quán, ý thức xã hội... Tăng trưởng tín dụng có thể bị giảm sút khi bản thân DNNVV chưa hiểu biết đúng đắn bản chất hoạt động ngân hàng nói chung cũng như hoạt động tín dụng nói riêng, chưa có thói quen tốt trong việc nhận tín dụng và hoàn trả vốn vay, không phát huy hiệu quả các chức năng, các phương tiện tín dụng...
* Nhân tố pháp lý
Nhân tố pháp lý bao gồm tính đồng bộ, khoa học của hệ thống pháp luật, tính đầy đủ thống nhất của các văn bản dưới luật đồng thời gắn liền với quá trình chấp hành và thực thi pháp luật. Pháp luật là bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Chỉ có trong điều kiện các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh thì quan hệ tín dụng mới đem lại lợi ích cho cả hai, và chất lượng tín dụng mới được đảm bảo.
1.2.3.3. Các nhân tố bắt nguồn từ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các nhân tố bắt nguồn từ DNNVV ảnh hưởng tới việc tăng trưởng tín dụng đối với các doanh nghiệp này bao gồm:
* Năng lực tài chính của doanh nghiệp
Năng lực tài chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất tác động đến quyết định cho vay của ngân hàng. Muốn vay được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được mình có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng sử dụng vốn hiệu quả và hoàn trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, đây là khó khăn đối với các DNNVV bởi những doanh nghiệp này thường không cung cấp được thông tin tài chính có thể xác minh hoặc báo cáo tài chính không phản ảnh chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến khả năng bị từ chối khoản vay cao.
* Năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp
Năng lực quản trị điều hành của chủ doanh nghiệp cũng tác động đến khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Khả năng điều hành tốt, xây dựng được dự án kinh doanh hoặc kế hoạch phát triển bài bản sẽ tạo niềm tin cho ngân hàng khi quyết định cho vay. Hơn nữa, năng lực quản trị tốt cũng quyết định việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hay không. Tuy nhiên trên thực tế, DNNVV khó có thể
thuyết phục được ngân hàng giải ngân cho dự án, kế hoạch kinh doanh của mình do không chứng minh được tính khả thi và khả năng sinh lời.
* Chiến lược phát triển của doanh nghiệp
Chiến lược phát triển của doanh nghiệp cho biết trong kỳ kinh doanh sắp tới doanh nghiệp sẽ mở rộng, duy trì hay thu hẹp quy mô hoạt động; từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu đối với tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp.
* Kiến thức và thông tin của doanh nghiệp về tín dụng ngân hàng
Đối với các doanh nghiệp lớn, đây không phải là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng; nhưng yếu tố này lại là một trong những hạn chế đáng kể của DNNVV bởi những doanh nghiệp này thường thiếu kiến thức và thông tin về hoạt động tín dụng ngân hàng, kể cả các sản phẩm dành riêng cho đối tượng DNNVV. Do vậy, việc tăng cường công tác tư vấn, tiếp cận khách hàng cũng là biện pháp các ngân hàng cần thực hiện để thúc đẩy tín dụng đối với những doanh nghiệp này.