Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 36 - 43)

điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

1.2.2.1. Khái niệm tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

Do đặc điểm và vai trò quan trọng của DNNVV đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, các ngân hàng đang dần coi DNNVV là đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho DNNVV về doanh số, dư nợ và sản phẩm tín dụng cũng được các ngân hàng tại mỗi quốc gia đặc biệt quan tâm.

Từ cơ sở lý luận về DNNVV và tín dụng ngân hàng được làm rõ ở phần 1.1, tác giả đưa ra khái niệm về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV được dùng trong luận án như sau:

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV là những hoạt động gia tăng tín dụng của ngân hàng dành cho các DNNVV nhằm thỏa mãn hơn nữa những nhu cầu của đối tượng khách hàng này.

Kết hợp với phần cơ sở lý luận về bất ổn kinh tế vĩ mô được trình bày ở phần 1.2.1., khái niệm tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn trong luận án được hiểu như sau:

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn là những hoạt động gia tăng tín dụng của ngân hàng dành cho các DNNVV nhằm thỏa mãn hơn nữa những nhu cầu của đối tượng khách hàng này trong thời kỳ kinh tế xuất hiện các bất ổn về các yếu tố vĩ mô bao gồm: lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số tăng trưởng, nợ công.

1.2.2.2. Khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

Bất chấp tầm quan trọng được thừa nhận của khu vực DNNVV, theo Công ty tài chính quốc tế IFC (2009), nhiều bằng chứng cho thấy khu vực này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ tài chính nói chung và về tín dụng ngân hàng nói riêng, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Cụ thể, các cuộc khảo sát doanh nghiệp và các chương trình đánh giá môi trường đầu tư của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng tiếp cận tài chính là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực DNNVV và tỷ lệ các DNNVV ở bất kỳ quốc gia nào đánh giá các trở ngại vay vốn là một trở ngại phát triển chính cao hơn gần một phần ba so với các công ty lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu phải đương đầu với nhiều khó khăn sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008 (Hình 1.1).

Hình 1.1: Tỷ lệ trung bình các công ty coi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay là trở ngại chính đối với các hoạt động hiện tại

Nguồn: IFC, 2009 [7]

Nghiên cứu của Beck (2007) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô lớn sử dụng nguồn tín dụng ngân hàng cho các khoản đầu tư mới thường cao hơn 150% so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Sự khác biệt về việc tiếp cận tín dụng ngân hàng nói trên bắt nguồn từ phía cung (các ngân hàng) hay bắt nguồn từ phía cầu của các DNNVV. Trước hết, xét về phía cấu, theo IFC (2009) [7], khu vực DNNVV đặc biệt cần nguồn tín dụng ngân hàng vì họ thiếu luồng tiền mặt luân chuyển để thực hiện các khoản đầu tư lớn, họ không có nhiều phương thức tiếp cận tài chính như các doanh nghiệp quy mô lớn và thường thiếu nhân sự giỏi để thực

hiện các chức năng tài chính, đặc biệt là khi nền kinh tế rơi vào chu kỳ suy thoái. Trên thực tế, khi nền kinh tế của một quốc gia gặp khó khăn, các khoản nợ dài hạn của ngân hàng có thể giúp khu vực DNNVV đầu tư mở rộng sản xuất mà không mất đi quyền sở hữu. Ngoài ra, các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay vốn hoạt động giúp các DNNVV phát triển đều đặn. Không chỉ thế, bên cạnh tín dụng, các sản phẩm giao dịch và ký thác ngân hàng cũng sẽ giúp DNNVV hoạt động hiệu quả hơn và tạo điều kiện cho họ thuê thêm dịch vụ bên ngoài để thực hiện các chức năng tài chính. Rõ ràng, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc hỗ trợ tài chính qua ngân hàng là nguồn hỗ trợ bên ngoài quan trọng nhất. Như vậy, có thể nói sự khác biệt về tiếp cận tín dụng ngân hàng giữa doanh nghiệp lớn và DNNVV bắt nguồn phần nhiều từ phía nguồn cung (các ngân hàng).

Vậy lý do gì đã khiến các ngân hàng hạn chế trong việc cung cấp tín dụng cho DNNVV so với doanh nghiệp lớn khi kinh tế một quốc gia bị bất ổn? Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (2006), điều này bắt nguồn từ hồ sơ vay vốn tiềm ẩn rủi ro và sự bất cân xứng thông tin giữa DNNVV với ngân hàng. Sẽ rất khó cho các doanh nghiệp nhỏ thuyết phục ngân hàng ủng hộ kế hoạch kinh doanh của mình, đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi sự và cần một sự nỗ lực đáng kể để thiết lập uy tín với ngân hàng khi kinh tế khó khăn. Về phía ngân hàng, việc quản lý rủi ro đối với các khách hàng có quy mô nhỏ, với tần suất cao hơn và các giao dịch có giá trị thấp hơn sẽ tăng thêm mức độ phức tạp, dẫn đến hai vấn đề chính là rủi ro tín dụng và chí phí phục vụ khách hàng lớn.

Rủi ro tín dụng là rủi ro về doanh thu và tài sản bị mất do khách hàng trả nợ chậm hoặc không trả được các khoản vay hay các sản phẩm tín dụng khác. Đây là một vấn đề quan trọng vì DNNVV thường không có khả năng cung cấp thông tin tài chính có thể xác minh được. Do tình trạng thiếu thông tin, đa số các khoản vay ngân hàng đối với DNNVV đều yêu cầu có tài sản thế chấp, đặc biệt khi kinh tế trong giai đoạn suy thoái hoặc đình trệ. Nhưng các doanh nghiệp này thường không đáp ứng được yêu cầu này dẫn đến khả năng tiếp cận khoản vay bị hạn chế. Chi phí phục vụ khách hàng quá cao là do các ngân hàng không chắc chắn về mô hình hoạt động hiệu quả nhất để phục vụ khách hàng DNNVV. Mặc dù khách hàng doanh nghiệp được phân loại theo các giao dịch có giá trị cao và thấp, các DNNVV thường đòi hỏi nhiều giao dịch hơn ở mức giá trị thấp hơn. Tuy nhiên, khu vực này có thể yêu cầu mức độ giao tiếp khách hàng cao hơn so với dịch vụ ngân hàng bán

lẻ (khách hàng cá nhân) vì DNNVV có nhiều nhu cầu hơn và nhu cầu cũng đa dạng hơn. Việc chi phí phục vụ cao hơn sẽ dẫn đến doanh thu thấp hơn.

Như vậy, có thể thấy, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của khu vực DNNVV còn thấp do những đặc điểm vốn có về quy mô, phương thức hoạt động của những doanh nghiệp này, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV khi nền kinh tế gặp khó khăn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với ngân hàng, đồng thời có những chính sách hỗ trợ phù hợp từ phía chính phủ như các chương trình bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

1.2.2.3. Sự cần thiết tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

Với vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực DNNVV trong quá trình vận động và phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia, để các doanh nghiệp này phát triển một cách hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và ổn định kinh tế, cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng từ phía Nhà nước, Chính phủ. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã và đang dành nhiều ưu đãi cho khu vực DNNVV, cùng với đó là sự quan tâm nhiều hơn của hệ thống ngân hàng tới phân khúc khách hàng tiềm năng này. Theo đó, vấn đề tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV đang được đề cao, đặc biệt là khi nền kinh tế vĩ mô vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng như hiện nay.

Theo phần 1.2.1, kinh tế vĩ mô bất ổn được thể hiện qua chiều hướng xấu của các biến số cơ bản nhất đó là: lạm phát, chỉ số tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp, nợ công. Trong đó, khi tốc độ tăng trưởng giảm sút cùng với thất nghiệp gia tăng, các chính phủ thường nới rộng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng, dẫn đến tăng cường hoạt động huy động vốn của các NHTM, tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng ngân hàng của các NHTM đối với DNNVV.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng suy giảm đi kèm lạm phát ở mức cao, nguy hiểm, Chính phủ lúc này phải cân nhắc kĩ lưỡng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế với mục tiêu tăng trưởng. Các chính sách điều hành vĩ mô sẽ bị thắt chặt, lãi suất tăng, kìm hãm sự tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng cho DNNVV nói riêng.

Khi nền kinh tế trở nên bất ổn, khu vực DNNVV càng dễ bị tổn thương bởi những lý do sau: (i) DNNVV sẽ khó có thể giảm quy mô hoạt động khi những doanh nghiệp này vốn đã có quy mô nhỏ; (ii) DNNVV thiếu đa dạng trong các

hoạt động kinh tế; (iii) Cơ cấu tài chính yếu, quy mô vốn nhỏ; (iv) Không có hoặc xếp hạng tín nhiệm thấp; (v) Phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng; (vi) Ít lựa chọn về tài chính. Trong hoàn cảnh đó, tăng trưởng tín dụng lại bị kìm hãm, doanh nghiệp không duy trì được nguồn vốn hoạt động, dẫn đến nhiều DNNVV rơi vào tình trạng đình trệ, thua lỗ thậm chí phá sản. Ngoài ra, khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, những khoản vay ngân hàng trước đây không được hoàn trả đúng hạn, dẫn đến nợ xấu gia tăng, ngân hàng không chỉ sụt giảm lợi nhuận mà còn lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản, phải thực hiện thắt chặt tín dụng, chỉ cho vay những khoản vay có hiệu quả. Tất cả những yêu tố trên cùng với những trở ngại bắt nguồn từ đặc điểm của chính DNNVV như thiếu minh bạch về thông tin tài chính, thông tin hoạt động khiến DNNVV lại càng khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Rõ ràng, bất ổn vĩ mô gây ra hậu quả tiêu cực đối với tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. Để khắc phục khó khăn, buộc Chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau. Một mặt, chính phủ và ngân hàng đề ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp, như miễn-giảm-hoãn nộp thuế, gia hạn, cơ cấu lại nợ, hay ưu tiên cho những ngành sản xuất quan trọng; mặt khác, doanh nghiệp cũng phải chủ động, tích cực tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV ngày càng bị hạn chế do doanh nghiệp và ngân hàng đều phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, DNNVV đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế mỗi quốc gia. Do vậy, các biện pháp hỗ trợ DNNVV trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng ngân hàng (do mức độ phụ thuộc lớn). Trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV không chỉ là việc cứu các doanh nghiệp này thoát khỏi phá sản mà còn tạo được công ăn việc làm, đẩy mạnh hoạt động sản xuất giúp nền kinh tế đi vào ổn định.

Không những vậy, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn còn giúp các ngân hàng mở rộng được thị trường, thu được lợi nhuận. Bởi khi nền kinh tế dần đi vào tình trạng ổn định, tình hình của doanh nghiệp tốt lên thì với tỷ lệ nợ, đặc biệt là vay ngân hàng còn khá thấp, việc các DNNVV sẽ tiếp tục chuyển sang vay nợ ngân hàng để tận dụng hiệu quả đòn bẩy tài chính là hoàn toàn có khả năng. Đây chính là nhu cầu tín dụng đối với ngân hàng nhằm tạo ra tăng trưởng tín dụng và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng

trong tương lai. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, các DNNVV sau một thời kỳ sản xuất kinh doanh khó khăn, suy yếu về mặt tài chính, công tác tăng trưởng tín dụng không thể bỏ qua việc tăng cường chất lượng tín dụng, cụ thể là:

- Đối với DNNVV: Tín dụng được cấp phải phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng được nhu cầu về vốn cho các DNNVV với lãi suất, kỳ hạn hợp lý, thủ tục đơn giản thuận tiện, thu hút được nhiều DNNVV... nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tín dụng. Khoản tín dụng phải giúp cho DNNVV tạo ra lợi nhuận đủ để chi trả lãi cho khoản vay và tăng được giá trị tài sản cho doanh nghiệp.

- Đối với ngân hàng: Quy mô, mức độ và giới hạn tín dụng phải phù hợp với thực lực bản thân ngân hàng. Vốn vay ngân hàng không chỉ nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh mà còn đảm bảo sự an toàn trên nguyên tắc hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi khi đến hạn.

1.2.2.4. Các tiêu chí phản ánh việc tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

Việc tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV có thể được phản ánh qua một số tiêu chí sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

* Về quy mô dư nợ tín dụng đối với DNNVV: Thống kê tổng dư nợ tín dụng đối với DNNVV hàng năm sẽ giúp xác định được:

- Mức tăng dư nợ tín dụng đối với DNNVV

M(dn) = DN(t)– DN(t-1)

Trong đó: M(dn) là mức tăng dư nợ tín dụng đối với DNNVV DN(t) là dư nợ tín dụng đối với DNNVV năm t

DN(t-1) là dư nợ tín dụng đối với DNNVV năm t-1

Chỉ tiêu này đánh giá sự thay đổi quy mô tín dụng đối với DNNVV, chỉ tiêu này tăng thì quy mô tín dụng cho DNNVV của ngân hàng được mở rộng, còn ngược lại thì thu hẹp.

- Tốc độ tăng dư nợ tín dụng đối với DNNVV

T(dn) = [M(dn) / DN(t-1)] * 100%

Trong đó: T(dn) là tốc độ tăng dư nợ tín dụng đối với DNNVV M(dn) là mức tăng dư nợ tín dụng đối với DNNVV DN(t-1) là dư nợ tín dụng đối với DNNVV năm t-1

Chỉ tiêu này phản ánh tốc độ thay đổi dư nợ tín dụng đối với DNNVV năm nay so với năm trước là bao nhiêu. Tỉ lệ này tăng chứng tỏ ngân hàng có xu

hướng chú trọng vào tín dụng đối với DNNVV. Tỉ lệ này giảm những vẫn lớn hơn 0 thì tốc độ tăng của tử số thấp hơn tốc độ tăng của mẫu số. Điều này cho thấy có thể ngân hàng hạn chế tín dụng đối với DNNVV.

- Tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với DNNVV: TT(dn) = [DN(1) / DN] * 100%

Trong đó: TT(dn) là tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với DNNVV/Tổng dư nợ DN(1) : Dư nợ tín dụng đối với DNNVV

DN: Tổng dư nợ tín dụng

Chỉ tiêu này cho biết dư nợ tín dụng đối với DNNVV chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng dư nợ tín dụng. So sánh chỉ tiêu này của các thời kỳ khác nhau sẽ cho ta thấy sự thay đổi kết cấu tín dụng đối với DNNVV. Nếu chỉ tiêu này tăng, ngân hàng mở rộng về mặt tín dụng đối với DNNVV. Nếu tỉ trọng này giảm, ngân hàng thu hẹp cơ cấu tín dụng DNNVV. Tuy nhiên ngân hàng vẫn mở rộng tín dụng với DNNVV nếu như mức tăng dư nợ tín dụng lớn hơn 0.

- Mở rộng khách hàng DNNVV: Chỉ tiêu này cho biêt thay đổi trong số lượng khách hàng DNNVV sử dụng dịch vụ tín dụng của ngân hàng.

- Lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng đối với DNNVV: Chỉ tiêu này phản ánh lợi nhuận/tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động tín dụng cho các DNNVV trên tổng lợi nhuận thu được của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 36 - 43)