Thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 69 - 73)

kiện kinh tế vĩ mô bất ổn

Hệ thống DNNVV của Việt Nam chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 50% lực lượng lao động, đóng góp tới 47% tổng sản phẩm quốc nội, 40% tổng thu ngân sách Nhà nước… Mặc dù các DNNVV đã có môi trường đầu tư tương đối thuận lợi và đạt được những kết quả nhất định nhưng kết quả đạt được lại chưa tương xứng với vai trò của DNNVV. Một trong những nguyên nhân căn bản của vấn đề là hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn của DNNVV. Bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn từ giai đoạn năm 2008 trở lại đây đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV.

Nguồn vốn của DNNVV Việt Nam bao gồm vốn chiếm dụng từ đối tác, khách hàng; vốn vay ngân hàng; vốn huy động từ phát hành trái phiếu và cổ phiếu; lợi nhuận để lại của doanh nghiệp… Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ, tín dụng đảo chiều liên tục, các doanh nghiệp không tìm được nguồn vốn tài trợ mang tính ổn định và bền vững, buộc phải dựa chủ yếu vào lợi nhuận để lại. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh giảm sút, thậm chí thua lỗ khiến cho các DNNVV không thể tích lũy đủ lợi nhuận để lại và rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Đặc điểm cũng như những khó khăn khi tiếp cận và huy động từ các nguồn vốn của DNNVV được trình bày như sau:

Thứ nhất, nguồn vốn chiếm dụng từ đối tác, khách hàng, nợ thuế… tại các DNNVV chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Nhiều DNNVV chiếm dụng vốn của đối tác với nhận định rằng lượng vốn chiếm dụng này là miễn phí nhưng lại không nhận ra và tính toán được chi phí thực của nguồn vốn này. Khi tính toán chi phí nguồn vốn chiếm dụng của đối tác từ số tiền phải trả nếu thanh toán ngay và số tiền trả chậm, chi phí của nguồn vốn này cao hơn nhiều so với lãi vay ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh lời. Hơn nữa, nguồn vốn này không có tính lâu dài, dễ biến động do người bán hàng có thể dừng cấp tín dụng đối với doanh nghiệp, người mua có quyền đòi lại tiền đã ứng trước hay ảnh hưởng tới tâm lý và hiệu quả làm việc của người lao động.

Thứ hai, nguồn vốn đi vay, đặc biệt là đi vay từ hệ thống ngân hàng, rất khó tiếp cận đối với các DNNVV. Hệ thống ngân hàng mới chỉ đáp ứng được phần vốn rất nhỏ so với nhu cầu vay của bộ phận doanh nghiệp này. Số liệu điều tra cho thấy nhu cầu vay vốn ngân hàng của các DNNVV mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu

cầu vốn. Theo tính toán từ các cuộc điều tra DNNVV thì tỷ trọng DNNVV tư nhân được các ngân hàng cho vay vốn chỉ chiếm 62.5% tổng số DNNVV khối tư nhân. Về nguồn vốn từ hình thức tín dụng thuê tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn này của DNNVV cũng là khá hạn chế. Ngoài nguyên nhân về sự thiếu chuyên nghiệp của các tổ chức thuê mua tài chính ở Việt Nam thì thực trạng này xuất phát còn xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về hình thức này của bản thân các doanh nghiệp.

Các DNNVV không dễ để đáp ứng được các tiêu chuẩn vay vốn của ngân hàng về giá trị tài sản thấp chấp cho khoản vay, mức độ minh bạch của báo cáo tài chính và các thông tin khác về doanh nghiệp. Trình độ của doanh nghiệp về lập phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế khiến cho hồ sơ vay vốn mang tính đối phó, không rõ ràng khiến cho quá trình làm thủ tục vay vốn kéo dài. Một số DNNVV đã hạ mức doanh thu, tăng chi phí để giảm mức lợi nhuận xuống, nhằm tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nên các chỉ số tài chính không đạt yêu cầu của ngân hàng.

Về phía ngân hàng, các thủ tục vay vốn khá phức tạp khiến cho các chi phí giao dịch tăng cao, thời gian kéo dài. Điều này cũng khiến cho các ngân hàng không muốn cho các DNNVV vay vì dưới góc độ ngân hàng, thủ tục cho vay các khoản vay vốn nhỏ có phần phức tạp hơn so với các khoản vay vốn lớn trong khi chi phí quản lý cao, lợi ích mang lại thấp. Việc áp dụng tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm khiến cho nhiều doanh nghiệp mặc dù có tình hình tài chính tốt, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả không thể tiếp cận được hoặc gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các tài sản có thể bảo đảm cho khoản vay như khoản phải thu, hàng tồn kho hay máy móc, thiết bị đa phần không được các ngân hàng chấp nhận do chi phí quản lý và tính khả mại của các loại tài sản bảo đàm này thường kém hoặc do bản thân ngân hàng không định giá được chính xác giá trị. Không chỉ có vậy, nhiều DNNVV chỉ được cho vay tối đa đến 50-70% giá trị tài sản bảo đảm khiến cho lượng vốn vay được từ phía ngân hàng thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn thực sự của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan điểm coi tài sản bảo đảm là cơ sở để quyết định cho vay, trong khi còn các yếu tố khác không được chú trọng đúng mức trở thành nguyên nhân làm phát sinh nợ xấu nợ quá hạn khi khách hàng không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng tín dụng, mặc dù tài sản bảo đảm đạt tiêu chuẩn của ngân hàng. Bên cạnh đó, mặc dù nhu cầu tín dụng của DNNVV rất cao, nhưng các rào cản tín dụng chưa được cải thiện nhiều, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng. Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc

(Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) cho biết ngoài các lý do khiến các DNNVV không được hưởng các hỗ trợ tài chính tín dụng (như do không có tài sản bảo đảm, không có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, hồ sơ vay vốn không hợp lệ...) thì có tới 48% số DNNVV bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do. Điều này cho thấy sự thiếu minh bạch và không thống nhất trong thủ tục, quyết định cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp này.

Kết quả điều tra của CIEM (2012) [3] cho thấy, có tới 70.6% DNNVV không nộp hồ sơ vay chính thức và trong số các doanh nghiệp 29.5% còn lại, thì có tới 72.2% doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc có được khoản vay. Trong số 70.6% DNNVV không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng thì 57% doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, còn lại là các lý do như không có tài sản thế chấp, không muốn mặc nợ, thủ tục cho vay khó khăn, lãi suất cho vay quá cao và do tỷ lệ nợ đã ở mức cao. Có gần 90% doanh nghiệp được hỏi đều cho biết họ tiếp cận các khoản vay phi chính thức là do không thể tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các ngân hàng. Đặc biệt, tín dụng đen ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với các DNNVV trong giai đoạn ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng. Lãi suất tín dụng đên thường rất cao nhưng đứng trước thực tế hoặc phải vay hoặc phải giải tán công ty, nhiều chủ doanh nghiệp đã tiếp cận hình thức tín dụng này. Nguồn vốn huy động từ nguồn này ít mang tính bền vững và ổn định, vì vậy khó đáp ứng được nhu cầu về vốn lớn của doanh nghiệp mà thường chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, cấp bách.

Thứ ba, tỷ trọng nguồn vốn phát hành trái phiếu và cổ phiếu của DNNVV trong tổng nguồn vốn gần như rất thấp.Dù cho việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu có những lợi thế nhất định so với các nguồn vốn khác nhưng đối với DNNVV, tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn. Có nhiều lý do cho sự hạn chế trong huy động vốn trên thị trường vốn của DNNVV từ cả phía môi trường vĩ mô và từ phía doanh nghiệp.

Về phía môi trường vĩ mô. Một là: thị trường trái phiếu, cổ phiếu tại Việt Nam còn rất nhỏ bé về cả số lượng và giá trị. Mặc dù thị trường vốn đã có những bước phát triển mạnh mẽ từ năm 2006 trở lại đây nhưng tại thời điểm cao nhất giá trị toàn bộ thị trường trái phiếu, cổ phiếu mới chỉ chiếm tới 36.08% GDP vào năm 2009, sau đó giảm xuống chỉ còn 29.1% vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đã tăng tới 135.8% vào năm 2010 và 120.9% vào năm 2011, cao hơn nhiều lần so với thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Không chỉ có vậy, trong tỷ

trọng 29.1% GDP thì tỷ trọng trái phiếu chính phủ chiếm tới 12.52%, vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm tới 14.92%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 1.65%. Nguyên nhân của vấn đề này có thể giải thích là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế dựa vào tín dụng (bank based market) nên sẽ phụ thuộc vào vốn tín dụng hơn là nền kinh tế dựa vào thị trường vốn (market based market). Tuy nhiên, so với các quốc gia tương đồng trong cùng khu vực, các tỷ lệ này của thị trường Việt Nam so với GDP là rất thấp. Ngoài ra, sau thời gian phát triển bùng nổ thì thị trường cổ phiếu liên tục sụt giảm khiến cho việc giá trị thặng dư thu được khi phát hành cổ phiếu rất thấp. Trong khi đó, các yêu cầu mà doanh nghiệp phải đáp ứng như thủ tục phát hành, niêm yết, minh bạch thông tin, giám sát… khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà với kênh huy động này. Ba là: lạm phát và lãi suất của Việt Nam thời gian vừa qua biến động rất mạnh khiến cho giá trị trái phiếu liên tục biến động. Rủi ro tăng lên trong khi mức sinh lời chưa bù đắp được, làm giảm đi mức độ hấp dẫn của nguồn vốn này.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một là: Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, có kế hoạch và chiến lược kinh doanh rõ ràng, dài hạn, có uy tín, thương hiệu trên thị trường, hoạt động công khai và minh bạch. Giá trị 2.03 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp là từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn trong khi các DNNVV gần như rất khó khăn trong việc phát hành trái phiếu do hạn chế về các tiêu chí mà các nhà đầu tư trái phiếu đòi hỏi. Như vậy, lượng vốn huy động được từ thị trường niêm yết cũng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không đáng kể. Hai là: Chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là một cá nhân hoặc một vài cá nhân nên khả năng huy động thêm nguồn vốn từ các chủ thể này cho nguồn vốn của doanh nghiệp là khá hạn chế.

Thứ tư, lợi nhuận để lại chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của DNNVV. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô với nhiều khó khăn vào năm 2011 và 2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi so với các năm trước, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc và số lượng lao động. Theo Hiệp hội DNVVN Việt Nam, tính đến khoảng giữa năm 2011, có 80% doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn. Trong đó, 20% doanh nghiệp thành viên của hiệp hội khó có thể tiếp tục hoạt động, 60% doanh nghiệp còn đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế. 20% doanh nghiệp còn lại ít chịu ảnh hưởng và vẫn trụ vững

trong khó khăn do được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt và trước nay ít phải nhờ đến nguồn vốn vay. Vì vậy, nguồn lợi nhuận để lại không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của DNNVV, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế và môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, huy động vốn của DNNVV tại Việt Nam trong thời gian qua có rất nhiều tồn tại. Các kênh huy động vốn chưa tạo ra nguồn vốn có tính ổn định và bền vững đáp ứng như cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, cấu trúc vốn của DNNVV cũng cho thấy sự thiếu hợp lý, khiến cho doanh nghiệp không tận dụng được những lợi ích của vay nợ để làm tăng giá trị doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ kinh tế : Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn (Trang 69 - 73)