DÃY SỐ THỜI GIAN
6.3.1. Phương pháp mở rộng khoảng cách thời gian
Phương pháp này được áp dụng khi dãy số thời kỳ có nhiều mức độ và các khoảng cách thời gian giữa các mức độ ngắn, đồng thời chưa thấy rõ xu hướng phát triển cơ bản của hiện tượng. Trên cơ sở dãy số đó, có thể xây dựng một dãy số mới với các khoảng cách thời gian dài hơn, khi đó sẽ rút bớt được số lượng các mức độ trong dãy số. Bằng phương pháp mở rộng khoảng cách thời gian như biến đổi mức độ hàng ngày thành mức độ hàng tháng, từ tháng thành quý, từ quý thành năm…
Ví dụ: Có tài liệu về giá trị sản xuất hàng tháng trong năm của một doanh nghiệp như sau:
Bảng 6.6: Dãy số thời gian về giá trị sản xuất
Tháng Giá trị sản xuất GO (Tỷ.đ) Tháng Giá trị sản xuất GO (Tỷ.đ) 1 50 7 53 2 52 8 55 3 48 9 52 4 51 10 58 5 49 11 54 6 56 12 60
Dãy số trên cho thấy: giá trị sản xuất của doanh nghiệp (GO) qua các tháng khi tăng khi giảm, không phản ánh rõ xu hướng biến động. Ta có thể mở rộng khoảng cách thời gian từ tháng sang quý. Kết quả sẽ được dãy số thời gian mới với khoảng cách thời gian theo quý như sau:
Bảng 6.7:
Quý Giá trị sản xuất GO (tỷ.đ)
I 150
II 156
III 160
IV 172
Do khoảng cách thời gian được mở rộng, nên trong mỗi mức độ của dãy số mới thì sự tác động của các nhân tố ngẫu nhiên phần nào được bù trừ, triệt tiêu và qua đó thấy rõ hơn xu hướng biến động của hiện tượng. Theo kết quả bảng (6.7) thì giá trị sản xuất của doanh nghiệp tăng dần qua các quý ở trong năm nghiên cứu.