7 TIÊU CHÍ GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA.
CHƯƠNG 4 ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG 4.1. Tổng quan về đánh giá chất lượng.
Bất kì một tổ chức nào cũng muốn đạt được mục tiêu hoạt động của mình.Đối với các doanh nghiệp, mục tiêu cơ bản cần đạt được là lợi nhuận.Để đạt được mục tiêu này, một vấn đề cần thiết và đặc biệt quan trọng là phải xây dựng được những tiêu chuẩn chính thức để đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với hệ thống quản lí chất lượng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được đánh giá thông qua các cuộc đánh giá. Đánh giá là xem xét một cách có hệ thống nhằm xác định xem hoạt động thực tế có tuân theo các yêu cầu đã đặt ra hay không.
Theo TCVN ISO 9000:2000 – Thuật ngữ và từ vựng: “Đánh giá chất lượng là sự xem xét độc lập và có hệ thống nhằm xác định xem các hoạt động và kết quả liên quan đến chất lượng có đáp ứng được các quy định đã đề ra và các quy định này có được thực hiện một cách hiệu quả và thích hợp để đạt được mục tiêu hay không”.
Như vậy, đánh giá chất lượng là nhằm tìm ra những điểm không phù hợp cả một hệ thống quản lý chất lượng. Điểm không phù hợp có thể là sự sai lệch hoặc thiếu một hay nhiều đặc tính chất lượng hoặc không phù hợp bởi các tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Chẳng hạn:
- Các tiêu chuẩn quốc tế: ISO 9000, ISO14000, SA8000…
- Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN
- Tiêu chuẩn ngành: TCN
- Tiêu chuẩn của doanh nghiệp
- Các tiêu chuẩn ghi trong hợp đồng
Các điểm không phù hợp thường được phân loại theo hai mức độ:
- Điểm không phù hợp lớn: là sự sai lệch có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả hệ thống
- Điểm không phù hợp nhỏ: là sự sai lệch gây ra hậu quả không đáng kể và có tính cá biệt.
Trong thực tế, đánh giá chất lượng có thể được tiến hành cho bất kỳ một sản phẩm, một quá trình hay một hệ thống nào đó. Cụ thể:
- Đánh giá chất lượng sản phẩm: Xem xét một cách kỹ lưỡng các đặc điểm của sản phẩm để xác định xem có đáp ứng các thông số kỹ thuật đặt ra hay không.
- Đánh giá chất lượng quá trình là xem xét sự vận hành hoặc một phương thức làm việc so với những tiêu chuẩn hoặc chỉ dẫn quy định để từ đó đánh giá mức độ phù hợp so với tiêu chuẩn đã định và mức độ hiệu lực của các chỉ dẫn.
- Đánh giá chất lượng hệ thống là đánh giá chương trình chất lượng hiện tại để xác định mức độ phù hợp của nó so với các chính sách, các cam kết và các quy định của doanh nghiệp.