Bến Tre
Hiện nay Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ, phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản nhằm khai thác tiềm năng hải sản, cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng, xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Để thực hiện chương trình đó cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, mọi người và mọi thành phần kinh tế, trong đó có KTTN. Trong ngành thủy sản KTTN đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy cần phải phát triển KTTN trong ngành thủy sản cả nước nói chung và ở Bến Tre nói riêng.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long được hợp thành bởi 3 cù lao lớn và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ thành. Là một châu thổ nằm sát biển, Bến Tre có địa hình bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có những rừng chồi và những dãy rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông, Bến Tre có 65 km bờ biển nên rất thuận lợi trong phát triển thủy sản. Trong những năm qua, Bến Tre xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và có những chương trình về phát triển thủy sản nhằm huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển thủy sản và thời gian qua KTTN đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh nhà, do đó cần thiết phải phát triển KTTN trong ngành thủy sản ở Bến Tre vì:
Một là, xuất phát từ nhu cầu khách quan trong hoạt động sản xuất kinh
doanh ngành thủy sản ở Bến Tre.
Bến Tre là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp, điểm xuất phát thấp, tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu GDP của tỉnh chiếm
khá cao năm 2001 là 66,65%, năm 2005 là 57,58% và năm 2006 là 54,7%, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán do quy mô kinh tế hộ rất nhỏ, diện tích canh tác còn thấp nên hoạt động sản xuất kinh tế hộ ngành thủy sản quy mô còn nhỏ, nhiều hộ dân có đất nhưng hạn chế về vốn, về trình độ trong phương thức sản xuất kinh doanh: Trong nuôi trồng thủy sản năm 2000 diện tích nuôi thủy sản là 33.928 ha nhưng chỉ có 18 ha nuôi tôm sú công nghiệp, còn lại là nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Trong đánh bắt khai thác thủy sản ven bờ vẫn còn ở mức cao, việc sử dụng các công cụ cấm vẫn còn xảy ra và ngày càng tinh vi hơn, nên đòi hỏi phải có sự cải tiến về phương thức sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm, cá theo phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp mang lại năng suất cao (đạt 9,2 tấn/1 ha, đặc biệt vùng có độ mặn thấp nuôi tôm sú bán công nghiệp đạt 4,2 tấn/1 ha) đã được nhiều hộ gia đình áp dụng, nhưng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao, quản lý chặt chẽ, quy mô tập trung. Trong khi đó ở Bến Tre, đất đai hẹp và manh mún, nhiều hộ dân có đất nhưng không có kỹ thuật, vốn ít không đủ để đầu tư để nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đã dẫn đến tình trạng nuôi nhỏ lẻ, nếu không quản lý tốt môi trường nuôi khả năng phát sinh dịch bệnh dễ dàng xảy ra.
Trong đánh bắt, khai thác xa bờ được Chính phủ, các ngành chức năng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, cho vay vốn đóng tàu, mua sắm ngư cụ… đã tạo cho ngành thủy sản từng bước phát triển tuy nhiên trong hoạt động đánh bắt xa bờ cũng gặp khó khăn như thời gian đánh bắt kéo dài hơn đòi hỏi kỹ thuật trong sơ chế bảo quản sản phẩm phải tốt hơn… Vì vậy, phát triển mạnh ngành thủy sản ở Bến Tre đòi hỏi phải khuyến khích hình thức nuôi tôm, cá theo phương thức công nghiệp và phải hiện đại hoá công nghệ cho ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ. Muốn đạt được điều đó phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản để
phát huy năng lực trong nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, trong chế biến và hạn chế những thiệt hại rủi ro.
Phát triển KTTN trong ngành thủy sản là phù hợp với yêu cầu nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản ở Bến Tre, nhằm khai thác nguồn lực về vốn, về lao động cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất sản xuất, đưa ngành thủy sản phát triển. Phát triển KTTN trong ngành thủy sản là đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Hai là, phát triển KTTN trong ngành thủy sản nhằm khai thác lợi thế
của tỉnh có hiệu quả hơn, huy động được sức mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Phát triển KTTN trong ngành thủy sản khai thác được tiềm năng đất đai, sử dụng hiệu quả mặt nước cho nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vùng mặn, lợ, ngọt. Cụ thể diện tích nuôi thủy sản của KTTN năm 2004 là 36.329,5 ha đến năm 2006 là 37.088,6 ha. Mặt khác, phát triển KTTN còn huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập của người dân trong xã hội nói chung và trong ngành thủy sản nói riêng.
Ba là, phát triển KTTN trong ngành thủy sản là yêu cầu cần thiết của
quá trình sản xuất, kinh doanh từ khâu cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Kinh tế thủy sản càng phát triển cao thì nhu cầu dịch vụ cho quá trình sản xuất càng tăng cả quy mô lẫn chất lượng. Nhất là đối với việc phát triển hình thức khai thác đánh bắt xa bờ và nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp với yêu cầu sản xuất tập trung và quy mô sản xuất khoa học mới đạt hiệu quả cao. Do vậy, đòi hỏi phải phát triển KTTN trong ngành thủy sản vì đây là khu vực nắm giữ toàn bộ việc kinh doanh nguyên liệu thủy sản, cung cấp các dịch
vụ cần thiết cho phát triển thủy sản.
Trong khâu sản xuất tư liệu sản xuất phục vụ cho quá trình sản xuất của ngành thủy sản, KTTN cung cấp các dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa máy móc, tàu thuyền; dịch vụ cung ứng công cụ, ngư cụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt; dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm… đặc biệt đối với khai thác, đánh bắt xa bờ cần phải có những dịch vụ phục vụ như các thiết bị sơ chế và bảo quản trên tàu…Chính vì vậy, việc phát triển KTTN trong ngành thủy sản là yêu cầu khách quan cần thiết cho quá trình sản xuất kinh doanh nhằm khai thác mọi nguồn lực vào phát triển thủy sản và mang lại hiệu quả cao.