1.2. CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠ
1.2.4 Quản lý chất lượng tín dụng của NHTM
Quản lý chất lượng tín dụng là quản lý những hoạt động tín dụng nhằm đạt được và duy trì chất lượng sản phẩm, bao gồm kiểm tra loại trừ và phòng ngừa những yếu tố gây ra những khả năng không an toàn trong việc cung cấp tín dụng. Đảm bảo chất lượng là việc ngăn ngừa những trục trặc về mặt chất lượng bằng các hoạt động có kế hoạch và có hệ thống, bao gồm việc thiết lập một hệ thống quản lý thích hợp có khả năng kiểm tra, kiểm soát của cả hệ thống. Coi trọng và thực hiện nghiêm ngặt quy trình quy chế nghiệp vụ đã đề ra từ khâu thẩm định, kiểm tra, kiểm soát tiền vay. Kiểm tra việc sử dụng vốn vay để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Như vậy việc quản lý chất lượng tín dụng phải được tiến hành đồng bộ ở tất cả mọi khâu hoạt động của Ngân hàng như chính sách, quy chế công nghệ Ngân hàng, con người ... đặc biệt là các khâu nghiệp vụ tín dụng.
1.2.4.1 Mục đích yêu cầu quản lý chất lượng tín dụng
-Mục đích của quản lý chất lượng tín dụng: Tối đa hóa lợi nhuận một cách hợp lý trong điều kiện cho phép, lợi nhuận là mục tiêu kinh tế cao nhất và là điều kiện để tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp do đó một trong những mục tiêu chủ yếu của việc duy trì và cải tiến chất lượng tín dụng là khả năng mang lại lợi nhuận của khoản tín dụng. Lợi nhuận ngân hàng chính là sự dôi ra của thu nhập thu được từ những khoản cho vay so với chi phí có liên quan tới việc huy động và cho vay vốn như chi trả lãi tiền gửi chi phí nghiệp vụ, bù đắp các rủi ro của các khoản cho vay. Lợi nhuận là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh kết quả của quá trình kinh doanh về mặt lượng và chất của quá trình kinh doanh tức là phản ánh chất lượng tín dụng. Vì vậy chất lượng tín dụng lấy lợi nhuận làm mục tiêu nhưng phải luôn gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở mức lãi suất hợp lý.
-Yêu cầu của quản lý chất lượng tín dụng: An toàn trong kinh doanh là một yêu cầu không thể thiếu được đối với một ngân hàng. Mức độ an toàn trong kinh doanh còn tùy thuộc vào các nhân tố tác động đến khách hàng trong
quá trình cho vay, để phòng ngừa rủi ro tín dụng, do vậy các ngân hàng chỉ cấp tín dụng cho khách hàng với những điều kiện nhất định trên nguyên tắc phân tán rủi ro. Khả năng chiếm lĩnh thị trường cũng là một trong những yêu cầu quản lý chất lượng tín dụng, bởi vì cạnh tranh là quy luật phổ biến trong nền kinh tế thị trường, khả năng chiếm hữu thị trường thể hiện thế lực và sức mạnh của ngân hàng trong quá trình cạnh tranh. Yêu cầu đặt ra đối với chất lượng tín dụng là tính chất lành mạnh của các khoản tín dụng, có nghĩa là tín dụng phải phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế, không cấp tín dụng cho người vay làm ăn bất chính. Chất lượng tín dụng đòi hỏi hoạt động tín dụng thực hiện cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Để thực hiện được yêu cầu này, các Ngân hàng phải thực hiện lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, phải tuân thủ luật pháp và các quy chế hiện hành trên cơ sở cơ cấu vốn vững chắc với lãi suất hợp lý sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có.
1.2.4.2 Biện pháp quản lý chất lượng tin dụng
Quản lý chất lượng tín dụng luôn được các ngân hàng coi trọng hàng đầu. Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý phù hợp sẽ có tác dụng giúp các ngân hàng:
- Đánh giá năng lực thực tế của khách hàng để chọn đối tượng đầu tư. - Lựa chọn phương pháp quản lý phù hợp đảm bảo an toàn vốn đầu tư.
Các biện pháp quản lý chất lượng tín dụng được thể hiện:
+Phân loại tín dụng: Mục đích phân loại để giám sát những khoản nợ hiện có theo mức độ khác nhau, từ đó có chế độ quản lý thích hợp.
+Phân loại theo thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay là cho vay ngắn hạn, trung hạn và cho vay dài hạn. Tùy điều kiện quản lý mà cho vay thời hạn tín dụng khác nhau, nhưng thông thường tín dụng ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu bổ xung vốn lưu động, còn tín dụng trung dài hạn phục vụ cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất kinh doanh. Phân theo thời hạn tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện chính sách tín dụng và kế hoạch hóa nguồn vốn cho phù hợp.
+Phân loại theo kỳ hạn nợ:Các khoản nợ có thể chia làm 3 loại: nợ trong hạn, nợ đến hạn và nợ quá hạn.
Nợ trong hạn là nợ chưa đến thời hạn thanh toán, đối với loại này cán bộ tín dụng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động kinh tế của khách hàng, nếu phát hiện có vấn đề có khả năng mất vốn phải kịp thời sử lý trước khi đến hạn. Ví dụ thu hồi một phần hoặc toàn bộ số nợ trước hạn.
Nợ đến hạn là nợ đến hạn phải thanh toán, cán bộ tín dụng phải theo dõi sát sao để thu hồi nợ đúng hạn.
Nợ quá hạn là những khoản nợ vì lý do nào đó đến hạn chưa thanh toán được. Nợ quá hạn, đặc biệt là các khoản nợ quá hạn không có khả năng thanh toán càng lớn thì mức rủi ro càng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng. Đối với nợ quá hạn, Ngân hàng Thương mại áp dụng một trong các biện pháp: gia hạn nợ khi đến hạn, áp dụng lãi suất nợ quá hạn, phát mại tài sản thế chấp.
Mục tiêu của ngân hàng là thu nợ đúng hạn, thực hiện được mục tiêu này thì vốn tín dụng mới thực sự là đòn bẩy trong nền kinh tế, phân loại theo kỳ hạn nợ giúp cho cán bộ tín dụng có biện pháp theo dõi, quản lý thích hợp.
-Phân loại theo tính chất của khoản nợ
Nợ có đảm bảo: Đảm bảo bằng tài sản thế chấp hay được bảo lãnh, tái bảo lãnh. Mức độ rủi ro này tùy thuộc vào mức độ đảm bảo của tài sản thế chấp hay khả năng tài chính của bên nhận bảo lãnh.
Nợ không có đảm bảo: Mức độ rủi ro tùy thuộc vào khả năng sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của bên vay vì vậy đối với khoản nợ này cần quản lý chặt chẽ bằng các biện pháp nghiệp vụ thông qua nhiều nguồn thông tin.
- Phân loại theo mức độ rủi ro của các khoản nợ
Thông qua phân tích chất lượng tín dụng và tính toán dự phòng tổn thất cho vay để phân loại theo mức độ rủi ro để xem khả năng thu nợ, dựa vào
việc phân loại này giúp các ngân hàng có khả năng quản lý chặt chẽ các khoản nợ, phát hiện sớm các khoản nợ có vấn đề để xử lý kịp thời.
Tóm lại, để có được chất lượng tín dụng thì hoạt động tín dụng phải có hiệu quả, quan hệ tín dụng phải được thiết lập trên cơ sở sự tin cậy và uy tín. Hiểu đúng bản chất chất lượng tín dụng trên cơ sở phân tích và đánh giá đúng thực trạng hoạt động tín dụng hiện tại và xác định chính xác các nguyên nhân về những tồn tại của hoạt động tín dụng. Điều này sẽ giúp cho ngân hàng có biện pháp quản lý thích hợp để có thể đứng vững và vợt qua được cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế thị trường.
1.2.4.3 Nguyên tắc tín dụng và tiêu chuẩn quản lý tín dụng:
- Nguyên tắc tín dụng: Là những quy định đối với việc điều hành hoạt động tín dụng. Cán bộ tín dụng phải thực hiện đúng nguyên tắc tín dụng đã đề ra để hạn chế tới mức tối đa rủi ro tín dụng.
- Tiêu chuẩn quản lý tín dụng: Chất lượng tín dụng là kết quả của công tác quản lý của ngân hàng đối với tình hình khách hàng và hoạt động tín dụng của bản thân ngân hàng, vì vậy tiêu chuẩn quản lý tín dụng cần được xây dựng cụ thể đối với khách hàng và ngân hàng:
+ Đối với khách hàng
Người vay phải có đủ tư cách pháp nhân hoặc thể nhân, có uy tín trên thương trường, có năng lực quản lý, tuân thủ luật pháp, sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Về năng lực sản xuất - kinh doanh phải có khả năng phát triển, chiếm lĩnh thị trường cao, có trình độ quản lý.
Người vay phải có tài sản thế chấp để đảm bảo tiền vay, đảm bảo mức độ an toàn của vốn tín dụng, trường hợp tiền vay được bảo lãnh của bên thứ ba tư cách và khả năng tài chính cũng phải được theo dõi chặt chẽ để giảm bớt rủi ro khi người vay không trả được nợ.
Môi trường sản suất - kinh doanh của khách hàng (điều kiện sản xuất kinh doanh, quan hệ bạn hàng...) phải được ổn định và thường xuyên nhằm giảm rủi ro.
+ Đối với ngân hàng: tiêu chuẩn quản lý là tình hình chấp hành nguyên tắc tín dụng đã quy định, kết quả kinh doanh, khả năng thanh toán, vòng quay vốn tín dụng, mức độ phân tán rủi ro, tình hình chấp hành hạn mức tín dụng đã quy định, tỷ lệ nợ quá hạn. Quản lý hoạt động tín dụng theo các tiêu chuẩn trên giúp cho các cấp lãnh đạo ra các quyết định phù hợp nhằm củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của ngân hàng.