3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.6. Nghiên cứu về thành phần sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi
1.6.1 Tình hình sâu bệnh hại cây ăn quả có múi nói chung
Năm 2007 tỷ lệ hại của 2 loại bệnh Greening và Tristeza lên tới 60-65% ở hầu hết các vườn trồng cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía Bắc - Việt Nam như: Nghệ An, Hà Giang. Theo Hà Minh Trung (2000), bệnh làm giảm năng suất, chất lượng quả và tuổi thọ của cây một cách nghiêm trọng. Tại Nghệ An trong những năm 1960 tuổi thọ vườn cây đạt 17-18 năm, năng suất cam trung bình là 18-20 tấn/ha. Tuy nhiên trong những năm 80 các vườn cây bị nhiễm bệnh greening, nên tuổi thọ cây cũng rút xuống chỉ còn 6-7 năm, năng suất giảm chỉ còn 8-10 tấn/ha.
Bên cạnh hai đối tượng bệnh hại chính gây suy thoái nhanh các vườn cây ăn quả có múi ở Việt Nam có nhiều đối tượng khác ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, đặc biệt là trong giai đoạn kiến thiết và thời điểm cây ra hoa đậu quả. Hầu hết các loại bệnh và sâu thường tập trung phát triển và phá hại vào các đợt cây ra lộc non. Trong đó phải kể đến các bệnh như: chảy gôm, thối rễ, loét, sẹo... sâu vẽ bùa, các loại rệp, các loại nhện, sâu đục thân, sâu xanh bướm phượng...
Những sâu bệnh này thường hại mạnh nếu không phòng trừ kịp thời.
Theo điều tra mới nhất về sâu, bệnh hại trên cây có múi (2006-2010) đã phát hiện 77 loài sâu hại và 20 loại bệnh hại tại các vùng trồng cam; 13 loại bệnh hại, 47 loài sâu trên cả nước gồm có: 19 loại bệnh hại và 33 loài sâu hại trên cây cam; 4 loại bệnh hại và 17 loài sâu hại trên cây quýt tại Hòa Bình. Một số loài sâu bệnh hại trong đất nguy hiểm phải kể đến là bệnh chảy gôm (Phytophthora citrophthora và P. nicotianae), vàng lá thối rễ (Fusarium sp.), các loài rệp sáp (Planococcus spp., Pseudococcus spp.)
Trên cây ăn quả có múi bệnh vàng lá thối rễ thường có biểu hiện trên bộ phận lá và rễ của cây khi bị bệnh.
+ Ở lá khi bệnh mới xuất hiện, lá bị vàng cả gân và phiến lá. Trên cây có thể bị vàng toàn bộ hoặc biến vàng từng phần của tán cây. Các lá già chuyển vàng và rụng trước sau đó đến các lá non.
+ Trên bộ phận rễ, thường bị thối theo phía tán cây bị vàng lá. Bắt đầu bị thối từ các rễ nhỏ, sau đó vào rễ lớn. Rễ bị bệnh thường có mầu nâu, có vỏ bị tuột ra khỏi phần gỗ, ở bên trong có những vết sọc màu nâu sau đó lan vào rễ cái. Rễ bị bệnh làm giảm khả năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây, làm các cành bị chết khô. Cây bị nặng, toàn bộ các cành trên cây bị chết khô dẫn đến hiện tượng cây khô. Việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV hóa học không làm giảm sự gây hại của bệnh một cách đáng kể mà còn làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường nước, đất, gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Hiện tượng vàng lá thối rễ gây ra bởi sự kết hợp giữa tuyến trùng và nấm, trong đó tuyến trùng tạo ra các vết thương cơ giới tạo điều kiện cho nấm Fusarium xâm nhập. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để phòng trừ hiện tượng vàng lá thối rễ là trừ tuyến trùng. Việc dùng các chế phẩm sinh học được sản xuất từ nấm đối kháng Trichoderma bón vào đất để ngăn cản sự phát triển và xâm nhập nấm Fusarium.
1.6.2. Nghiên cứu về nấm Fusarium spp. hại cây ăn quả có múi:
Sự kết hợp giữa nấm Fusarium solani và tuyến trùng làm cho bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện ở nhiều cây ăn quả có múi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây ăn quả có múi và rất khó phòng trừ. Khi bệnh nặng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình trên lá như: là chuyển màu vàng, chổi ngắn, lá nhỏ rồi rụng dần. Tại bộ phận rễ cây, ở phía tán cây bị vàng các rễ non bị thối, sau
đó lan vào các rễ lớn hơn làm cho lớp vỏ rễ có thể bị tách ra khỏi lõi gỗ rất dễ dàng, lõi gỗ có các sọc màu nâu, khi bị nặng các rễ bị thối, ướt dẫn đến chết cây.
Khi Fusarium xâm nhiễm vào mô thực vật, chúng tiết ra fusarinic và các độc tố fumonisin B1 và fumonisin B2 làm kiềm hãm hoạt động hệ thống enzyme và hoạt động hô hấp, phá vỡ quá trình trao đổi chất và tính thấm của màng tế bào, đồng thời làm giảm sức đề kháng của cây (Lê Lương Tề và cs, 2007).
Khi cây đã bị xuất hiện hiện tượng vàng lá thối rễ, việc sử dụng kết hợp nấm đối kháng Trichoderma và thuốc hóa học là rất cần thiết để hạn chế tác hại của bệnh. Một số loại thuốc BVTV hóa học có thể dùng để trừ nấm Fusarium như: hợp chất Mancozeb + Metalaxyl-M (Ridomil Gold 68WG, Mancolaxyl 72WP, Tungsin- M 72WP)... (Nguyễn Minh Hiếu và cs, 2013).
Một số thuốc sinh học sản xuất từ vi khuẩn Streptomyces lydicus (Actinovate 1 SP, Actino-Iron 1.3 SP), nấm Trichoderma (TRICÔ-ĐHCT) có khả năng phòng trừ bệnh rất tốt và đã được sử dụng tại một số vùng trồng cây ăn quả có múi ở nước ta.