Nói đến cơ sở pháp lý của hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư ở Việt Nam là nói đến những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội, chế định trợ giúp pháp lý từng bước hoàn thiện thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Ngay sau khi giành được độc lập, cùng với sự ra đời của các sắc lệnh liên quan đến tư pháp như sắc lệnh số 46/ SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể Luật sư. Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức các tòa án vác các ngạch Thẩm phán. Sắc lệnh số 163/SL ngày 23/03/1946 về tổ chức các Tòa án binh thì những hoạt động về trợ giúp pháp lý đã manh nha hình thành với hình thức “tư pháp bảo trợ”.
Năm 1982, Việt Nam tham gia 2 Công ước lớn: Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Việc tham gia các Công ước này đòi hỏi Nhà nước ta phải đổi mới tư duy về quyền được tiếp cận Luật sư, người có kiến thức pháp luật của mọi công dân. Đây chính là tiền đề để Pháp lệnh Luật sư ra đời năm 1987. Tuy có manh nha các quy đinh về trợ giúp pháp lý, tuy nhiên, nhìn chung trong giai đoạn này chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về trách nhiệm và vai trò trợ giúp pháp lý của Luật sư. Hoạt động này chủ yếu do Luật sư bào chữa viên nhân dân thực hiện trong các vụ án hình sự
Ngày 18 tháng 12 năm 1987, Pháp lệnh tổ chức Luật sư ra đời tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam. Theo pháp lệnh, Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác có giảm chi phí hoặc miễn thù lao cho một số đối tượng trong những trường hợp cụ thể. Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là căn cứ pháp lý cho sự ra đời, phát triển của hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý.
Năm 2001, Pháp lệnh Luật sư được thông qua, Pháp lệnh đã thiết lập cơ chế pháp chế khuyến khích, huy động đội ngũ Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Ngày 05 tháng 08 năm 2002, Bộ trưởng Bộ tư pháp ban hành quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề Luật sư kèm theo quyết định số 356/2002/QĐ- BTP. Theo quy chế này, việc thực hiện trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ cao cả của các Luật sư. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, Luật sư phải tận tâm, tích cực thực hiện như đối với các vụ việc có thù lao.
Đến năm 2006, Luật luật sư ra đời. Đây là văn bản pháp lý được thể chế hóa thành luật và quy định đối tượng đặc thù cần được trợ giúp pháp lý. Thể hiện sự nhận thức đúng đắn, sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý cho một nhóm đối tượng cụ thể, đánh dấu bước chuyển hóa về chất và đưa công tác trợ giúp pháp lý lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn đất nước.
Để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện, một số văn bản nổi bật như sau:
- Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015;
- Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025;
- Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC- VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý hoạt động tố tụng; - Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước;
- Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý (được sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính tại Thông tư số 19/2011/TT- BTP ngày 31/10/2011 của Bộ Tư pháp);
- Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước...
Như vậy, với các văn bản trên, có thể nói pháp luật về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã điều chỉnh một cách khá toàn diện và có hệ thống về các vấn đề về trợ giúp pháp lý của Luật sư, bao gồm các khía cạnh cơ bản như: chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý là Luật sư; đối tượng được Luật sư trợ giúp pháp lý là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn…đây là những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội; các lĩnh vực Luật sư trợ giúp pháp lý bao gồm: dân sự, hình sự, lao động, hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, hôn nhân gia đình…Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức và phương thức khác nhau như: tham gia bào chữa tại phiên Tòa, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật, hòa giải, hướng dẫn thủ tục hành chính…Những hoạt động này Luật sư có thể tiến hành tại trụ sở của các tổ chức trợ
giúp pháp lý, trụ sở của tổ chức hành nghề Luật sư hoặc thông qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động và kinh phí cho các Luật sư trong trợ giúp pháp lý là hoàn toàn miễn phí.