1.1. Một số vấn đề lý luận cơ bản về động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và bảo vệ
1.1.3. Phân loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam
Theo Nghị định số 32/ 2006/ NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì động vật rừng nguy cấp, quy hiếm được phân thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại
Nhóm 2: Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 32/ 2006/ NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 quy định về Tiêu chí phân loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như sau [5, tr1]: Nhóm IB là các loài động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao; Nhóm IIB gồm những loài động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, khi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ ra đời, có đến 69 loài động vật rừng trùng với Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, do vậy, chế độ quản lý đối với 69 loài động vật này được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013, tức là được áp dụng theo quy chế của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ [9, Điều 19]. Như vậy, trên thực tế, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân chia thành 3 nhóm: Nhóm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhóm IB và nhóm IIB theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, người ta không phân loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như ở Việt Nam mà phân loại ĐVHD theo mức độ nguy cấp tương ứng với các tiêu chí của IUCN. Theo tiêu chí đánh giá của IUCN cho Sách đỏ, các loài sinh vật thiên nhiên được xếp vào 9 bậc theo các tiêu chí về mức độ đe dọa tuyệt chủng như tốc độ suy thoái (rate of decline), kích thước quần thể (population size), phạm vi phân bố (area of geographic distribution), và mức độ phân tách quần thể và khu phân bố (degree of population and distribution fragmentation), cụ thể như sau [46]:
- Tuyệt chủng (Extinct, EX): Một loài bị coi là tuyệt chủng khi có những bằng chứng chắc chắn rằng cá thể cuối cùng đã chết.
- Tuyệt chủng trong tự nhiên (Extinct in the Wild, EW): Một loài bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên khi các cuộc khảo sát kỹ lưỡng ở sinh cảnh đã biết và hoặc sinh cảnh dự đoán, vào những thời gian thích hợp (theo ngày, mùa, năm) xuyên suốt vùng phân bố lịch sử của loài đều không ghi nhận được cá
thể nào. Các khảo sát nên vượt khung thời gian thích hợp cho vòng sống và dạng sống của đơn vị phân loại đó. Các cá thể của loài này chỉ còn được tìm thấy với số lượng rất ít trong sinh cảnh nhân tạo và phụ thuộc hoàn toàn vào chăm sóc của con người.
- Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered, CR): Một loài được coi là cực kỳ nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần, khi quần thể loài suy giảm đến 80% hoặc diện tích phân bố chỉ còn trên khoảng 100 km².
- Nguy cấp (Endangered, EN): Một loài bị coi là nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần nhưng kém hơn mức cực kỳ nguy cấp.
- Sắp nguy cấp (tiếng Anh: Vulnerable, viết tắt VU): Một loài bị đánh giá là sắp nguy cấp khi nó không nằm trong 2 bậc CR và Nguy cấp (EN) nhưng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa. Quần thể của chúng bị suy giảm 20% hoặc diện tích phân bố chỉ còn khoảng 20000km².
- Sắp bị đe dọa (Near Threatened): Một loài bị đánh giá là sắp bị đe dọa khi nó sắp phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa.
- Ít quan tâm (Least Concern) - Thiếu dữ liệu (Data Deficient)
- Không được đánh giá (Not Evaluated)
Có thể thấy, việc phân loại ĐVHD theo các tiêu chí của IUCN nêu trên giúp tạo lập một cơ chế đồng nhất để bảo vệ các loài ĐVHD, tránh sự chồng chéo về danh mục loài cũng như chồng chéo khi thực thi và áp dụng pháp luật.