1.3. Pháp luật bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
1.3.1. Khái niệm pháp luật bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Pháp luật là hệ thống những qui tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội pháp triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình [42]. Trong đó, pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là một lĩnh vực pháp luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Dựa vào định nghĩa trên, có thể thấy các quan hệ xã hội phát sinh thuộc phạm vi tác động của pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải gắn với việc bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể, pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm điều chỉnh những nhóm quan hệ xã hội sau:
Thứ nhất, các quan hệ giữa một bên là cá nhân, tổ chức với một bên là Nhà nước phát sinh từ hoạt động quản lý Nhà nước về động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Mối quan hệ này vừa có những đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính, vừa có
những đặc điểm của quan hệ pháp luật hình sự. Đặc trưng của quan hệ pháp luật hành chính thể hiện ở việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trong việc khiếu nại, tố cáo các hành vi của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Đặc trưng của quan hệ pháp luật hình sự thể hiện ở việc nhà nước sử dụng các biện pháp cưỡng chế để trừng phạt những đối tượng có hành vi vi phạm. Nhìn chung, trong mối quan hệ này các chủ thể tham gia không bình đ ng về địa vị pháp lý và không thể thỏa thuận trong việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hành chính mà được xác lập dựa trên các quy định của pháp luật.
Thứ hai, quan hệ phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức với nhau do thỏa thuận ý chí của các bên. Các chủ thể tham gia có sự bình đ ng với nhau về địa vị pháp lý, mỗi chủ thể đều đặt ra những mục đích với những động cơ nhất định trong mối quan hệ này. Yếu tố chính định hướng hành vi chủ thể không phải là chế tài, hình phạt mà là các lợi ích của mỗi bên.
Chủ thể của quan hệ pháp luật bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm rất đa dạng. Do động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái và hệ sinh thái là một hệ thống nhất không thể tách rời, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian nên những chủ thể tham gia vào lĩnh vực này có thể nằm trong phạm vi một khu dân cư, một địa phương, hoặc nhiều địa phương, trong phạm vi khu vực và quốc tế, có thể phát sinh giữa bất cứ chủ thể nào, không phụ thuộc vào cá nhân, hộ gia đình hay các tổ chức, pháp nhân, công quyền hay dân quyền, người trong nước hay người nước ngoài, quốc gia phát triển hay đang phát triển, giữa họ có hay không có quan hệ ngoại giao…
Chủ thể cá nhân là những con người cụ thể và đang sống, bao gồm: công dân, người nước ngoài và người không có quốc tịch.
Chủ thể hộ gia đình có thể hiểu là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và cùng đóng góp công sức khi tham gia vào lĩnh vực được pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm điều chỉnh.
Các tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật bảo vệ động rừng nguy cấp, quý, hiếm bao gồm các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước, gồm có: các cơ
quan nhà nước, nhà nước nói chung, các tổ chức kinh tế, các tổ chức liên quốc gia, và các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà nước là một chủ thể đặc biệt của quan hệ này trong việc hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Các quốc gia bằng việc cùng nhau ký kết, gia nhập các điều ước song phương và đa phương thiết lập một cơ chế pháp lý quốc tế chung điều chỉnh lĩnh vực bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm giữa các nước ký kết, xây dựng những quy tắc chuẩn mực cho pháp luật của các nước thành viên. Còn các cơ quan nhà nước với tư cách là các pháp nhân công quyền, thay mặt nhà nước tham gia quản lý bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Các tổ chức kinh tế bao gồm các tổ chức kinh tế Việt Nam và các tổ chức kinh tế quốc tế như doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; các tổ chức kinh tế thành lập theo luật đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này có thể đóng các vai trò như tham gia vào hoạt động bảo tồn, bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; khai thác, sử dụng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; hoặc là bên vi phạm đối với hoạt động bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tổ chức liên quốc gia là một tổ chức bao gồm chủ yếu là các quốc gia có chủ quyền (các nước thành viên) hay các tổ chức liên chính phủ khác, được thành lập dựa trên các hiệp định (đóng vai trò hiến chương) hình thành khi các các nước thành viên thông qua quá trình phê chuẩn hiệp định. Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự tham gia của chủ thể là các tổ chức phi lợi nhuận. Các tổ chức phi lợi nhuận, có thể thiết lập dưới hình thức các hợp tác xã tiêu dùng, hoặc dưới hình thức các tổ chức (hiệp hội) công hoặc tổ chức (hiệp hội) tôn giáo, dưới hình thức các thiết chế từ thiện và các quỹ khác, và cũng như các hình thức khác do pháp luật quy định. Các tổ chức phi lợi nhuận chỉ tham gia các hoạt động kinh doanh tới mức độ giúp các tổ chức này đạt được mục đích hoạt động của mình, dưới tên gọi mà theo đó tổ chức đó được thành lập, và dưới hình thức phù hợp với mục đích hoạt động của tổ chức. Trong thời gian qua, các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước đã hợp tác với chính phủ trong các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên động
vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam qua việc tài trợ và thực hiện các chương trình hoạt động tại các địa phương trên khắp cả nước.
Sự phát triển của pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm gắn liền với sự phát triển của pháp luật về môi trường, về từng yếu tố môi trường và pháp luật về ĐDSH. Do vậy, những nguyên tắc của pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cũng hài hòa với những nguyên tắc của pháp luật bảo vệ môi trường và ĐDSH, cụ thể như sau:
Một là, nguyên tắc đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường an toàn, hài hòa với thiên nhiên. Theo nguyên tắc này thì các quy phạm pháp luật và chính sách của Nhà nước phải ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo điều kiện sống của con người trong tự nhiên cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn của môi trường.
Hai là, nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất trong quản lý và bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thể hiện ở việc các chính sách, quy định pháp luật được ban hành đồng bộ, mang tính thực tiễn cao, hướng tới tính hiệu quả của công tác thực thi và áp dụng pháp luật.
Ba là, nguyên tắc coi trọng tính phòng ngừa. Điều này xuất phát từ đặc trưng trong lĩnh vực bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đó là khả năng khôi phục hiện trạng là không thể thực hiện được, hoặc rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Một loài động vật đã bị tuyệt chủng khỏi tự nhiên thì không có cách nào khôi phục lại sự tồn tại của loài động vật đó. Do vậy, việc ban hành và áp dụng các quy định pháp luật chú trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm hơn là áp dụng các hình phạt hoặc chế tài khác.
Bốn là, nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED, phát triển bền vững được định nghĩa là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”
[82]. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế về ĐDSH nói chung và về bảo vệ ĐVHD, trong đó có các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nói riêng. Theo đó, bảo tồn động vật rừng nguy cấp, quý,
hiếm là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân; kết hợp hài hòa giữa khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý với việc xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụngnguồn tài nguyên động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Đây được coi là khung pháp lý chung, những quy tắc có tác dụng định hướng và chỉ đạo cho toàn bộ các quy phạm pháp luật về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.