- 6 tội bao gồm các tội có dấu hiệu: vi phạm với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị XPHC, vi phạm với số lượng lớn (hoặc quy mô lớn) hoặc đã bị XPHC;
3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền
yêu cầu cải cách pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị BCHTW ĐCSVN về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” trong đó nêu rõ định hướng “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân” mà một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện là “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị BCHTW ĐCSVN về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020” nhấn mạnh phương hướng cải cách tư pháp là “hoàn thiện chính sách, pháp luật… bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người… Tổ chức các cơ quan tư pháp… trong đó xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm… Mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án…”. Những Nghị quyết này là những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng đòi hỏi phải được thể chế hóa bằng việc cải cách pháp luật nói chung cũng như pháp luật về XPVPHC nói riêng.
Trở lại lịch sử, hơn 10 năm trước, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 8 khóa VII tháng 1/1995 chỉ rõ: “Đẩy mạnh hoạt động lập pháp của Quốc hội, phấn đấu trong những năm tới dần dần có đủ các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội… trong khi chưa có đủ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh và Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước”. Đến Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 3 Khóa VIII tháng 9/1997 chủ trương “Phấn đấu trong một thời gian nhất định, Nhà nước có thể quản lý đất nước chủ yếu bằnh các đạo luật. Giảm dần pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội và nghị định của Chính phủ quy định những vấn đề khi chưa có luật. Những pháp lệnh, nghị định này sau một thời gian thực hiện được kiểm nghiệm là đúng thì hoàn chỉnh để nâng lên thành luật”.
Từ những chủ trương của Đảng và thực tiễn những năm qua, đã muộn khi tiến hành pháp điển hóa pháp luật về XPVPHC. Vì vậy, đến lúc này, cần thực hiện một “cú bứt phá” trên cơ sở những bài học, tri thức, kinh nghiệm thu được từ công tác tổng kết 20 năm xây dựng và thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, tiến hành một đợt pháp điển hóa mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Việc pháp điển hóa pháp luật về XPVPHC không đơn giản chỉ là “chế biến” nội dung Pháp lệnh XLVPHC hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành thành sản phẩm là (Bộ) Luật Xử lý/Xử phạt VPHC mà thực chất khá phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc pháp điển hóa này đòi hỏi đặt trong bối cảnh cải cách đồng bộ với các lĩnh vực pháp luật khác (đặc biệt là luật hình sự), đòi hỏi xây dựng một triết lý lập pháp vững chắc và đúng đắn, đòi hỏi hướng tới những mục tiêu lâu dài cũng như những bước đi hợp lý trong từng giai đoạn.
Nghị quyết của Quốc hội số 11/2007/NQ-QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007- 2011) và năm 2008 đã đưa dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính vào chương trình chính thức. Tuy nhiên, về tên gọi của văn bản này cũng như nội dung của nó phải xem xét lại. Hơn nữa, việc pháp điển hóa pháp luật XPVPHC không chỉ là xây dựng Luật này.