Nhìn chung, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường của các tổ chức cá nhân và địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động khoáng sản vẫn còn hạn chế, yếu kém. Công tác quản lý cũng còn nhiều tồn tại. Đáng chú ý là công tác quản lý ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi còn để cho các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái phép, có địa phương cho thuê đất trái thẩm quyền. Công tác xây dựng quy hoạch đã được thực hiện, nhưng còn có điểm chưa phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế xã hội. Đối với hoạt động khoáng sản, nổi lên vẫn là tình trạng thất thu thuế, phí từ hoạt động khoáng sản còn lớn, tình trạng khai thác không đúng quy trình, quy phạm, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, vượt mốc giới được giao; công tác thanh tra, kiểm tra, xử
lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên; việc phối hợp kiểm tra giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ....
Nguyên nhân của những tồn tại yếu kém đó có phần do công tác quản lý nhà nước của các cấp, ngành từ khâu quy hoạch, cấp phép, thẩm định thiết kế cơ sở, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp sau cấp phép, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa nghiêm minh. Để khắc phục những tồn tại trên, ngoài những biện pháp ngắn hạn, cần phải đưa ra những biện pháp dài hạn nhằm củng cố, nâng cao và hoàn thiện về mặt quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Hoàn thiện cơ chế quản lý thăm dò, khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản, thuế, phí về khoáng sản; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, sử dụng lao động của địa phương nơi có khai thác khoáng sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thăm dò, khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản chủ yếu. Cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và chế biến khoáng sản; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải trong hoạt động khoáng sản.
Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; sớm điều tra, đánh giá một số loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng; thực hiện lập bản đồ địa chất về khoáng sản tại thềm lục địa, vùng biển của Việt Nam; đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ điều tra, đánh giá khoáng sản. Chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản. Chỉ đạo công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản một cách chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm khách quan, minh bạch; có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tránh lợi dụng khe hở của pháp luật.
Tăng cường hiệu quả công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác nhận hậu kiểm đánh giá tác động môi trường đã được phê
duyệt; thực hiện nghiêm quy định ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và xuất khẩu lậu khoáng sản.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn hoặc hủy bá văn bản đã ban hành trái quy định của pháp luật theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường
Chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường
Tiếp tục nghiên cứu cơ chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; cơ chế bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa trong hoạt động khoáng sản ở các địa phương. Nghiên cứu, đề xuất chỉnh giảm sản lượng khai thác một số loại khoáng sản theo hướng ưu tiên phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản. Rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng, phê duyệt quy hoạch khoáng sản để định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; sớm hoàn thiện công bố và công khai các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Điều chỉnh việc phân công quản lý Nhà nước về khoáng sản theo nguyên tắc một việc chỉ phân công cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; nâng cao vị thế, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản các cấp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Nghiên cứu áp dụng mô hình thanh tra khu vực nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả của thanh tra chuyên ngành khoáng sản.
Rà soát và chấn chỉnh việc phân cấp cấp giấy phép khai thác khoáng sản hiện nay, khắc phục tình trạng sơ hở, gây thất thoát tài nguyên, nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này…
Về cơ chế, chính sách, tài chính
Đổi mới chính sách tài chính đối với các hoạt động điều tra, thăm do, khai thác, chuyển nhượng khoáng sản. Xác định đúng giá trị tài nguyên khoáng sản được khai thác. Xây dựng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lợi ích của Nhà nước phù hợp với đặc điểm của từng loại khoáng sản. Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách nhà nước; có cơ chế thu hồi kinh phí Nhà nước đã đầu tư cho công tác điều tra, thăm dò khoáng sản. Điều chỉnh mức ký quỹ bảo đảm phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai trong từng thời kỳ để bảo đảm trách nhiệm của các tổ chức khai thác khoáng sản./.