Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú có khả năng mang lại lợi nhuận lớn nên luôn có nguy cơ bị khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép, do đó công tác quản lý khoáng sản quý hiếm, có giá trị cao là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát của tất cả các ngành, các cấp. Để có thể quản lý tốt hoạt động khai thác nguồn khoáng sản hiện nay, Việt Nam cần có chiến lược quản lý, bảo vệ, khai thác để sử dụng hợp lý, tiết kiệm để phục vụ hiệu quả, sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Giải pháp trước mắt cụ thể là:
- Xây dựng thể chế rõ ràng, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và môi trường đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Phân định râ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; giữa UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã); giữa các Sở, ban ngành cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản và môi trường, nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
- Thống nhất quản lý việc khai thác khoáng sản từ trung ương đến địa phương về mọi mặt: cấp phép khai thác, quản lý quá trình khai thác, sử dụng khoáng sản, bảo vệ môi trường theo đúng quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép khai thác lâu dài, sớm chấm dứt việc cấp phép 3 – 4 năm”xin, cho”gây nhũng nhiễu, tiến đến đấu thầu khai thác mỏ, cấp phép cho chủ đầu tư có năng lực với đầy đủ hồ sơ thiết kế khai thác, bảo vệ môi trường và thiết kế hoàn thu, tiết kiệm tài nguyên.
- Tổ chức nghiên cứu xây dựng và phổ biến quy trình, quy phạm, công nghệ thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và phục hồi môi trường các mỏ sau khi kết thúc giai đoạn khai thác. Bên cạnh đó, nghiên cứu rà soát ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong khâu khai thác khoáng sản phù hợp với giai đoạn phát triển khoa học công nghệ hiện nay.
- Áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản.Nhà nước cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư một cách có hiệu quả, nhất là khai thác, sử dụng triệt để, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời bảo vệ môi trường, môi sinh trong quá trình khai thác, đạt mục tiêu phát triển bền vững; đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản.
- Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số khu vực trên địa bàn có nguồn khoáng sản khai thác.
- Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; chỉ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có năng lực quản lý và công nghệ hiện đại tham gia thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng và chiến lược...
- Các tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD cần nghiêm túc chấp hành theo đúng trình tự quy định cấp phép, quy trình, quy phạm, khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường. Tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại của thế giới và trong nước để áp dụng vào đơn vị của mình; không ngừng đầu tư nâng cao trình độ công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật trong khâu khai thác, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái…
Để quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản phải có những quy định cụ thể ngay từ khâu cấp phép, thẩm định các dự án cho đến các chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
Tài nguyên là tài sản công, là tài sản của quốc gia, việc khai thác và sử dụng tài nguyên phải bảo đảm hài hoà 3 lợi ích: Nhà nước, tổ chức và công dân. Chính quyền và người dân ở vùng có khoáng sản đang khai thác phải được hưởng lợi. Thực tế hiện nay ở các địa phương có khoáng sản người dân không những không được hưởng lợi mà còn phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề do hoạt động khai thác khoáng sản hợp pháp và bất hợp pháp gây ra. Khi người dân được hưởng những lợi ích thực sự từ việc khai thác khoáng sản thì họ sẽ tích cực và tự nguyện trong việc cùng chính quyền các cấp bảo vệ và quản lý tốt tài nguyên.
Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đây là cơ hội nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với tài nguyên quốc gia, khắc phục tâm lý ỷ lại vào các cấp chính quyền. Xây dựng cơ sở pháp lý để tăng cường vai trò tham gia trực tiếp của người dân, đặc biệt là vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp vào quá trình đánh giá tác động môi trường của tất cả các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; có đại diện cộng đồng tham gia vào Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; được phép giám sát công tác bảo vệ môi trường trong suốt quá trình xây dựng dự án cũng như khi dự án đi vào hoạt động.
Ngoài ra, trong tình hình khai thác khoáng sản thiếu quy hoạch, nhiều bất ổn như hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một mặt dừng lại việc
cấp phép thăm dò, khai thác, mặt khác phải tăng cường việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá và thẩm định lại hoạt động của những đơn vị đã được cấp phép. Nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép và chính quyền địa phương (xã, huyện) chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác quản lý khoáng sản. Khi phát hiện hoạt động trái phép chính quyền và doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết.
Đối với công tác đào tạo: đối với cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở địa phương: Tiếp tục, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước, công nghệ kỹ thuật khai thác chế biến khoáng sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật, kỹ thuật khai thác mỏ, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, BVMT... cho giám đốc các doanh nghiệp, giám đốc điều hành mỏ, đội ngũ công nhân kỹ thuật.
Quy định về trang bị, phương tiện, phòng thí nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với hoạt động khoáng sản và nguồn kinh phí để thực hiện.
Cuối cùng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD theo đúng quy hoạch của Thủ tướng chính phủ phê duyệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong khai thác và hoàn thổ, kịp thời xử lý sai phạm để dưa công tác khai thác khoáng sản làm VLXD vào quỹ đạo vừa đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, vừa tiết kiệm được tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cần có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Đẩy mạnh hơn nữa
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vệ khoáng sản dưới nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Tập trung phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Đổi mới cơ chế và chính sách phát triển công nghiệp khai khoáng
Cơ chế, chính sách về đầu tư khoa học và công nghệ, thăm dò và khai thác chế biến khoáng sản
Tăng đầu tư từ ngân sách hàng năm, tiến tới đủ kinh phí cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và đổi mới thiết bị, công nghệ để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Khuyến khích đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; các dự án khai thác, chế biến quặng nghèo, công nghệ chế biến phức tạp, sử dụng triệt để và tiết kiệm khoáng sản. Có cơ chế ưu đãi việc nghiên cứu, phát hiện các công dụng mới của các loại khoáng sản và ứng dụng vào sản xuất.
Hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện đối với tổ chức tham gia thăm dò, khai thác, chế biến từng loại khoáng sản. Chỉ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có năng lực quản lý và công nghệ hiện đại tham gia thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Hạn chế việc thành lập các công ty liên doanh với nước ngoài trong việc khai thác khoáng sản, chỉ cho liên doanh ở khâu chế biến sâu khoáng sản ở một số nơi cần thiết.
Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoáng sản; đặc biệt, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài thăm dò, khai thác, chế biến và đưa về nước các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế đất nước nhưng Việt Nam không có hoặc có nhưng trữ lượng ít.
Bảo đảm cân đối giữa dự trữ với khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trong từng giai đoạn.Thực hiện nhất quán nguyên tắc khai thác khoáng sản chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - hội.
Định kỳ xem xét để xác định mức độ quan trọng của từng loại khoáng sản, từ đó điều chỉnh việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản; xem xét tạm dừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản quý hiếm, khả năng chế biến sâu còn hạn chế, nhu cầu sử dụng chưa cao; công bố danh mục khoáng sản, chất lượng khoáng sản được phép xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ.
Hạn chế, tiến tới sớm chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.
Như vậy, để công tác khai tác khoáng sản mang lại hiệu quả và khắc phục được những hạn chế thì giải pháp trên đây cần được áp dụng đồng bộ, thực hiện nghiêm túc.