Một là, điều kiện tuổi hưởng lương hưu đối với nam đủ 60 tuổi, đối với
nữ đủ 55 tuổi được quy định từ năm 1960 đến nay vẫn chưa thay đổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng và xu hướng già hóa dân số nhanh. Tuổi nghỉ hưu của NLĐ Việt Nam hiện nay được quy định tại Luật BHXH năm 2014, ngoài ra, Chính phủ còn quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn nhưng không quá 5 tuổi, tuổi nghỉ hưu thấp hơn từ 01 đến 05 tuổi đối với một số nhóm đối tượng. Trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ là đủ 55 tuổi, nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu thấp hơn nhiều.
Hiện nay, số lượng người nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn thấp hơn nhiều so với số người nghỉ hưu trước độ tuổi do suy giảm KNLĐ, thể hiện ở tuổi trung bình hưởng lương hưu hiện nay tuổi nghỉ hưu của NLĐ Việt Nam trung bình
chỉ là 54,2 (nam 55,6 và nữ 52,6). Điều này dẫn đến thời gian tham gia BHXH ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ là 23), trong khi thời gian hưởng hưu trí dài, (bình quân nam hưởng 22,6 năm, nữ hưởng 27 năm) [15]. Đây chính là một trong các áp lực tạo ra gánh nặng cho quỹ BHXH.
Hai là, tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Mặc dù, về mặt chính sách BHXH đã bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, tuy nhiên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để hưởng chế độ BHHT trên thực tế còn rất hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm. Năm 2007 số người tham gia là 8.172.502 người, đến năm 2017 là 13.591.492 người, chiếm khoảng 28,2% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và chưa bao phủ được các đối tượng hưởng lương nhưng không theo HĐLĐ, người quản lý điều hành không hưởng tiền lương hay các khu vực nghèo cận biên giới, các doanh nghiệp siêu nhỏ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Ba là, theo Luật BHXH năm 2014 quy định để hưởng lương hưu chưa
hợp lý. Theo quy định điều kiện thời gian tối thiểu 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu là quá dài, hầu như các quốc gia thường quy định thấp hơn, khoảng 10 năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tích lũy 2% cho 1 năm tăng thêm đóng BHXH sau khi đủ điều kiện đóng để hưởng lương hưu và mức hưởng tối đa 75% là khá cao trong khi quốc tế chỉ khoảng 1,5% cho mỗi năm tăng thêm và hưởng tối đa khoảng 60%. Với các chính sách, chế độ BHXH hiện hành sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, trong khi đó việc đầu tư quỹ còn chặt chẽ chưa đem lại được hiệu quả cao.
Bốn là, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng nợ BHXH vẫn đang còn
diễn biến phức tạp ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương và tỉ lệ nợ vẫn còn cao. Nợ BHXH đã giảm hơn so với một số năm trước nhưng tỷ lệ nợ vẫn còn cao ở các doanh nghiệp. Công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH đã được tăng cường nhưng hiệu quả thu hồi tiền nợ BHXH chưa
cao. Việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH của tổ chức công đoàn còn lúng túng, chưa mạnh dạn đấu tranh tính đến hết năm 2017, tổng số nợ BHXH bắt buộc là 5.735 tỷ đồng giảm 0,8% so với năm 2016 bằng 2,93% so với số phải thu. Chế tài xử lý đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH trong cả thời gian dài chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt chưa thực sự cao, chưa đủ sức răn đe. Bộ Luật Hình sự 2015 đã bổ sung tội trốn đóng BHXH có hiệu lực từ 01/01/2018. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phải theo từng giai đoạn, có lộ trình vì việc khởi tố hình sự tác động rất lớn đến NLĐ trong doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp bị khởi tố hình sự thì đương nhiên doanh nghiệp ngừng trệ hoạt động sản xuất, khiến NLĐ mất việc làm.
Năm là, chưa hạn chế được số người hưởng BHXH một lần hoặc nghỉ
hưu sớm do suy giảm KNLĐ. Hiện nay, điều kiện nghỉ hưu sớm còn rộng rãi trong khi không kiểm soát tốt công tác giám định y khoa dẫn đến độ tuổi bình quân nghỉ hưu thấp. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức suy giảm KNLĐ là căn cứ, điều kiện để hưởng BHHT hàng tháng. Việc đánh giá chính xác mức độ suy giảm KNLĐ đối với NLĐ là hết sức quan trọng, là căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật về BHXH, đồng thời giúp Nhà nước quản lý và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả, quản lý và sử dụng quỹ BHXH để chi trả đúng đối tượng, đảm bảo ASXH bền vững. Tuy nhiên, số lượng NLĐ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm KNLĐ những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng so với các năm trước. Trong 10 năm từ năm 2007 đến năm 2016, trên cả nước có khoảng 5 triệu người hưởng BHXH một lần. Đây cũng là nhân tố làm giảm tỷ lệ bao phủ BHXH. Nhằm hạn chế tình trạng trên, Luật BHXH năm 2014 đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm KNLĐ như: tăng tỷ lệ giảm trừ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi lên 2% thay cho 1% theo quy định trước đó,
đối với lao động nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì mức suy giảm KNLĐ phải từ 81% trở lên (trước năm 2016 quy định từ 61% trở lên) [17, Điều 56]. Mặc dù quy định đã nâng lên như vậy, nhưng số lao động này khi ra Hội đồng giám định y khoa đều có kết quả suy giảm KNLĐ từ 61% hoặc 81% trở lên như mong muốn của NLĐ.
Sáu là, cách tính lương hưu còn chưa hợp lý dẫn đến còn có chênh
lệch khá lớn về tiền lương hưu, ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ. Từ 01/01/2018 Luật BHXH năm 2014 quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 01/01/2018. Do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong 05 năm còn của nữ thì áp dụng ngay trong năm 2018 nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 1% đến 10%. Từ đó tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam (lao động nam chỉ giảm từ 1% đến 2%), giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/01/2018.
Bảy là, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật đã có
nhiều chuyển biến nhưng chưa tác động mạnh đến phát triển đối tượng nhất là phát triển đối tượng ở vùng cận biên giới, xã nghèo, vẫn còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa được thường xuyên tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về BHXH. Nguyên nhân chính là do lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên về BHXH còn mỏng, kỹ năng tuyên truyền chưa chuyên sâu, mặt khác, việc thay đổi từ nhận thức sang hành vi thông qua công tác tuyên truyền cũng đòi hỏi có thời gian nhất định. Chưa có những chuyên đề tuyên truyền riêng và ưu tiên tiếp cận đối với những nhóm lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ
1 đến dưới 3 tháng, hay các đối tượng tiềm năng nhưng chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Tám là, công tác nâng cao nghiệp vụ của cán bộ nhân viên đã được
chuyển biến tích cực tuy nhiên một số cán bộ vẫn chưa có trách nghiệm trong việc học hỏi, nâng cao nghiệp vụ nhất là những cán bộ sắp về hưu. Một số khác lợi dụng công vụ, chức quyền thực hiện những hành vi nhằm chuộc lợi cho bản thân nhất là trong công tác giám định y khoa hưởng BHHT gây ảnh hưởng nghiêm trọng.