7. Kết cấu của khóa luận
2.2. Điều kiện kết hôn về sự tự nguyện
Quyền tự do hôn nhân đều được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam và Hiến pháp Trung Quốc. Khoản 1 Điều 36 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền k ết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo
nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” [1, Điều 36]. Điều 49 Hiến pháp Trung Quốc quy định: “Nhà nước bảo hộ hôn nhân, gia đình, người mẹ và trẻ em... Cấm
phá hoại tự do hôn nhân” [80, Điều 49].
Luật HN&GĐ Việt Nam và Luật Hôn nhân của Trung Quốc ban hành lần đầu tiên, qua các lần thay thế và luật hiện hành, có bãi bỏ, thay thế, sửa đổi nhiều nội dung nhưng nguyên tắc hôn nhân tự nguyên luôn được lấy làm nguyên tắc cơ bản của bộ luật. Điều kiện kết hôn về sự tự nguyện của hai bên nam nữ là sự quy định cụ thể hơn và nhằm quán triệt việc thực hiện nguyên tắc này, bởi sự tự nguyện khi kết hôn là điều kiện tiên quyết để đạt được tự do hôn nhân.
Điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 quy định
“Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”. Điều 5 Luật hôn nhân Trung Quốc năm 2001 quy định: “Kết hôn phải do hai bên nam nữ
hoàn toàn tự nguyện, không được một bên nào cưỡng ép bên kia hoặc người thứ ba nào can thiệp”.
Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP giải thích như sau: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ”.
Quy định hiện hành của pháp luật Trung Quốc đối với điều kiện kết hôn về sự tự nguyện giống với quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 1986 và năm 2000. Đến Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014, các nhà làm luật đã rút ngắn quy định này song nội dung, bản chất các quy định
này về cơ bản là giống nhau, khi quy định việc kết hôn phải do hai bên nam nữ tự nguyện quyết định. Quy định này là sự cụ thể hóa nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ trong chế độ kết hôn của Việt Nam và nguyên tắc tự do hôn nhân trong chế độ kết hôn của Trung Quốc. Cốt lõi của quy định này là việc có nên kết hôn hay không và kết hôn cùng với ai là quyền quyết định thuộc về bản thân hai bên nam nữ. Cũng theo nội dung đối với điều kiện kết hôn về sự tự nguyện, thì quy định này của luật hôn nhân Trung Quốc cũng phản đối hôn nhân mua bán bao biện phong kiến và các hành vi khác can thiệp vào tự do hôn nhân, còn đối với Luật HN&GĐ của Việt Nam thì nội dung này được quy định cụ thể hơn ở điều luật khác khi quy định về các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, điều này sẽ được phân tích làm rõ sau. Tất cả các cuộc hôn nhân trái với ý muốn của hai bên nam nữ đều không đáp ứng được điều kiện kết hôn, là vi phạm pháp luật luật hôn nhân và gia đình.
Nội dung của điều luật mang nhiều hàm nghĩa, thứ nhất, việc kết hôn do hai bên nam nữ hoàn toàn tự nguyện là muốn nói đến sự tự chủ của hai bên nam nữ, hoàn toàn tự nguyên, đồng lòng muốn kết hôn với nhau, xác lập quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tự nguyện theo ý chí của mình chứ không phải là ý muốn mơ tưởng và miễn cưỡng, là bản thân mình muốn như vậy chứ không phải ý muốn của một người thứ ba nào khác. Điều này loại bỏ sự ép buộc của một bên đối với bên kia và sự sự ép buộc của một người khác đối với một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ.
Thứ hai, cơ sở cho hôn nhân phải là tình yêu của hai bên nam nữ. Hai
người kết hôn với nhau vì tình yêu, vì ý nguyện muốn cùng nhau chung sống gắn bó, hòa hợp hướng đến mục đích vun đắp, xây dựng một gia đình hạnh phúc bền lâu, chứ không phải vì bất kỳ điều gì khác, như sự chi phối của đồng tiền, địa vị, quyền thế, vì để tạo dựng mối quan hệ làm
ăn... bởi những yếu tố đó chỉ là cái bề ngoài, không có gì đảm bảo chúng sẽ tồn tại mãi mãi. Cuộc đời con người trải qua bao sóng gió, lúc thăng lúc trầm, không phải lúc nào cũng nhiều tiền, địa vị vững vàng, do vậy nếu hai bên nam nữ kết hôn không phải vì tình yêu và vì những điều kiện hình thức khác thì khi những điều kiện đó suy giảm hoặc không còn nữa thì cuộc hôn nhân lúc này như mất đi cơ sở ban đầu của mình, nhiều phần sẽ dẫn đến gia đình đổ vỡ hoặc không còn được như trước đó, điều này không những gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hai bên nam nữ và con cái họ, mà còn có ảnh hưởng đến xã hội bởi mối quan hệ mật thiết của gia đình và xã hội.
Thứ ba là hai bên nam nữ nhất định phải có năng lực hành vi kết hôn
và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Có nghĩa là những người không đáp ứng được điều kiện của pháp luật về tuổi kết hôn, bị mất năng lực hành vi dân sự và thuộc vào các trường hợp cấm kết hôn thì cho dù thể hiện sự tự nguyện kết hôn thì cuộc hôn nhân đó cũng bị coi là hôn nhân trái pháp luật. Khi một người mất năng lực hành vi dân sự thì sự “tự nguyện” mà họ biểu hiện không phải là sự “tự nguyện” thật sự. Theo quy định của Luật dân sự Việt Nam năm 2015:
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà
không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Người bị tâm thần và người mắc bệnh khác dẫn đến không thể nhận thức, không thể làm chủ được hành vi của mình thì họ không thể biết mình đang muốn kết hôn, và muốn kết hôn với một người nào đó nên sự tự nguyện trong trường hợp này là không phải là ý chí của họ. Một nội
dung nữa, đó là sự “tự nguyện” theo nội dung của điều luật về điều kiện kết hôn chỉ có thể đến khi chủ thế muốn kết hôn đã đáp ứng đủ các điều kiện cần phải có, đồng thời không thuộc các trường hợp cấm kết hôn thì sự “tự nguyện” của họ mới có giá trị để đi đến xác lập quan hệ vợ chồng. Sự biểu đạt ý muốn kết hôn của hai bên nam nữ nhất định phải được thể hiện khi họ hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn về thể chất, tinh thần và phải được biểu hiện một cách chân thật với việc họ đã đáp ứng đủ các điểu kiện để được kết hôn. Bởi tự do kết hôn cũng giống như bất kỳ quyền công dân nào khác, không phải sự tự do tuyệt đối mà là sự tự do tương đối, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Luật hôn nhân quy định rõ các điều kiện kết hôn và thủ tục kết hôn, phù hợp với các quy định này mới là một cuộc hôn nhân hợp pháp và được pháp luật bảo vệ, còn nếu không tuân thủ thì sẽ là bất hợp pháp và không được pháp luật công nhận, bảo vệ. Do đó, sự “tự nguyện” khi kết hôn của hai bên nam nữ chỉ được thực hiện và bảo vệ khi họ không vi phạm các quy định khác của pháp luật về điều kiện kết hôn.
Thứ tư là cần phân biệt giữa sự góp ý, khuyên bảo thiện ý với một sự
cưỡng ép, can thiệp trái pháp luật của người thứ ba. Pháp luật quy định việc kết hôn là do hai bên nam nữ hoàn toàn tự nguyện nhưng không ngăn cấm sự quan tâm, giúp đỡ của bố mẹ, người thân, bạn bè đối với họ. Nếu không trái với ý chí của hai bên nam nữ, không xâm phạm quyền tự chủ hôn nhân của họ, chỉ đưa ra ý kiến thiện chí thì không phải là can thiệp bất hợp pháp như cưỡng ép, cản trở việc kết hôn, việc có tiếp thu hay tiếp thu đến đâu những ý kiến đó đều do hai bên nam nữ tự mình quyết định [68, trang 90]. Trong Luật HN&GĐViệt Nam năm 2014, các nhà làm luật đã tách quy định về cấm hành vi cưỡng ép, cản trở kết hôn ra khỏi điều khoản điều kiện kiện kết hôn về sự tự nguyên để quy định tại một điều luật riêng về các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân gia
đình.
Ngoài Hiến pháp và Luật HN&GĐ, để bảo vệ tốt hơn nữa sự tự nguyện, tự do khi kết hôn của công dân, Việt Nam và Trung Quốc cũng có các văn bản quy phạm pháp luật khác có nội dung nhằm đến mục đích này. Điều 181 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 quy định:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ... bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm [3, Điều 181].
Điều 267 Luật hình sự Trung Quốc năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định về Tội dùng bạo lực can thiệp vào tự do hôn nhân, theo đó, dùng bạo lực can thiệp vào tự do hôn nhân của người khác sẽ bị phát tù dưới, nếu việc dùng bạo lực dẫn đến cái chết của nạn nhân sẽ bị phạt tù từ hai năm đến dưới bảy năm [71, Điều 267].
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có các văn bản quy phạm pháp luật khác có nội dung quy định để bảo vệ tự do hôn nhân của công dân. Điều 44 Luật bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định: “Nhà nước bảo vệ quyền tự chủ hôn nhân của phụ nữ, cấm can thiệp vào tự do kết hôn, ly hôn của phụ nữ” [80, Điều 44]. Điều
21 Luật bảo vệ quyền và lợi ích của người già năm 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định: “Pháp luật bảo vệ tự do hôn nhân của người già. Con cái hoặc bất kỳ người thân nào cũng không được can thiệp vào việc ly hôn, tái hôn và cuộc sống sau hôn nhân của người già. Quan hệ hôn nhân của người già không làm mất đi nghĩa vụ nuôi dưỡng của người có nghĩa vụ nuôi dưỡng” [74, Điều 21].
Trong hai văn bản quy phạm pháp luật với hai điều luật nói trên, đối tượng hướng đến là phụ nữ và người già trước hết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến tự do hôn nhân nói chung và sự tự nguyện khi kết hôn nói riêng của họ, thứ hai là phản ánh tồn tại xã hội, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đây là hai đối tượng yếu thế cần được Nhà nước bảo vệ hơn nữa, mà công cụ bảo vệ hữu hiệu trước tiên là pháp luật. Chế độ phong kiến tồn tại hơn hai nghìn năm ở Trung Quốc với tư tưởng trọng nam kinh nữ, coi nhẹ lợi ích của nữ giới đã làm cho địa vị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội có sự thấp kém hơn rất nhiều so với nam giới. Điều này được biểu hiện trên nhiều phương diện, trong đó, sự mất tự chủ trong hôn nhân là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, hôn nhân phải phục
tùng lợi ích gia đình và ý chí của cha mẹ. “Lệnh cha mẹ, lời mối mai” là hình thức hôn nhân hợp pháp. Môn đăng hộ đối và theo của mà bàn hôn nhân là yêu cầu của lợi ích gia tộc, cũng là căn cứ lệnh của cha mẹ, lời mối mai; lập hôn ước và thu nhận đồ sinh lễ là điều kiện xác định hôn nhân mà lễ, pháp cùng công nhân. Cổ đại Trung Quốc sớm đã có tục “lệ bì vi lễ”, “lệ bì” là đôi da hươu, là một trong các lễ vật thành hôn. Lễ Ký – Khúc Lễ viết: Nam nữ “không nhận tiền không thành (người) thân”, thực hiện hôn nhân mua bán trắng trợn. Về sau thực hành sính lễ hôn thú (tức là giao một số lượng nhất định đồ sính lễ, là điều kiện tất yếu để thành hôn), trên thực tế vẫn là hôn nhân mua bán...” [17,
trang 138] “Ngoài ra, hiện tượng giấm hôn từ nhỏ cũng khá nghiêm trọng, có người thậm chí “chỉ bụng hứa hôn... Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cá nhân không có quyền phát ngôn về hôn nhân, hôn nhân cá nhân do gia trưởng căn cứ lợi ích gia tộc mà quyết định. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn ở một số
vùng nông thôn Trung Quốc hiện nay, cán bộ xã thường làm ngơ, thậm chí còn để con cái mình tham gia trò đổi hôn, chuyển hôn, họ xem pháp luật như trò đùa [17, trang 142].
Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập cho đến nay, Luật hôn nhân năm 1950, Luật hôn nhân năm 1980, và hiện hành là Luật hôn nhân sửa đổi năm 2001 đều lấy tự do hôn nhân làm nguyên tắc cơ bản, xóa bỏ chế độ hôn nhân phong kiến bao biện, ép buộc nhưng văn hóa truyền thống vẫn có sức ảnh hưởng, tác động đến đời sống nhân nhân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số có kinh tế, văn hóa kém phát triển.
Đối với người đã cao tuổi, đặc biệt là người già, việc tái hôn ít được con cái, người thân và xã hội quan tâm, bản thân họ cũng có những tư tưởng, suy nghĩ tự hạn chế quyền tự do hôn nhân của mình khi đã mất đi người vợ, người chồng. Có thể có nhiều lý do như tuổi đã cao, lại ái ngại xã hội di nghị, cười chê. Ít ai có thể hiểu được sự thiếu thốn trong đời sống tình cảm, tinh thần của họ. Nội dung của Điều 21 Luật bảo vệ quyền và lợi ích của người già của Trung Quốc trước hết có ý nghĩa “nhắc” cho con cái, xã hội biết về nhu cầu đối với đời sống tinh thần, tình cảm, cần có người bạn đời chăm sóc nhau khi đã về già của bố - mẹ họ, của những người già góa vợ, góa chồng. Sau là có ý nghĩa công nhận một lần nữa và bảo vệ quyền tự do hôn nhân, cấm các hành vi can cản trở sự tự do này. Đặc biệt, quy định về việc quan hệ hôn nhân của người già không làm mất đi nghĩa vụ nuôi dưỡng của người có nghĩa vụ nuôi dưỡng có ý nghĩa đảm bảo, bảo vệ cho cuộc sống của người gia sau khi họ tái hôn.
Hai quy định nêu trên thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật Trung Quốc, sự quan tâm của Nhà nước đối với tự do hôn nhân nói chung và sự tự nguyện kết hôn nói riêng của phụ nữ và người già, đồng thời là quy định phụ trợ đắc lực cho sự thi hành quy định của Luật hôn
nhân trong thực tiễn. Pháp luật Việt Nam hiện hành không có các quy định riêng, cụ thể về bảo vệ quyền tự nguyện kết hôn của phụ nữ và người già. Trung Quốc xây dựng các quy định này dựa trên tình hình thực tế về kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục của đất nước mình. Quy định bảo vệ quyền tự quyền tự chủ khi kết hôn của phụ nữ là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, như đã phân tích ở trên. Đối với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay thì tính cấp thiết của quy định này không cao,