Khái niệm vi phạm pháp luật lao động do người lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Trang 27 - 31)

1.2. Khái niệm vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật lao động

1.2.1. Khái niệm vi phạm pháp luật lao động do người lao động

ngoài thực hiện

Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện trước hết là hành vi vi phạm pháp luật, mang những dấu hiệu chung của hành vi vi phạm pháp luật. Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ [36, tr.209]. Đây là cơ sở để xác định các dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện.

Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện là hiện tượng xã hội thể hiện các hành vi phản ứng tiêu cực của một số NLĐ nước ngoài đi ngược lại với ý chí nhà nước được quy định cụ thể trong pháp luật lao động. Đồng thời, những hành vi này phải có tính chất tiêu cực và gây hại

cho các quan hệ xã hội được pháp luật lao động bảo vệ và những NLĐ nước ngoài thực hiện những hành vi này có thể bị xử lý và chịu những hậu quả pháp lý nhất định đã được quy định tại các văn bản pháp luật của quốc gia về lao động. Vi phạm pháp luật lao động được thể hiện dưới những dạng thức khác nhau: có thể là việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện những quy định của pháp luật lao động đã được ghi trong Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật khác [35, tr.137].

Cũng như vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện có các dấu hiệu sau:

- Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện phải là hành vi trái pháp luật lao động của NLĐ nước ngoài.

Những hành vi này là hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật lao động và có thể gây ra những hậu quả nhất định như sự tổn thất về vật chất hoặc tinh thần của các chủ thể. Căn cứ vào hành vi thực tế của NLĐ nước ngoài trái lại với các quy định của pháp luật lao động mới có thể xác định được là NLĐ nước ngoài đã vi phạm pháp luật lao động. Hành vi xác định này có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.

Trên thực tế trong quan hệ lao động, NLĐ là người yếu thế hơn do không nắm trong tay tư liệu sản xuất, không có thế mạnh về kinh tế nên phải lệ thuộc vào người sử dụng lao động. Theo các quy định của pháp luật, hầu hết những hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động được dự liệu thuộc về phía NSDLĐ nhiều hơn, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là NLĐ được phép coi thường pháp luật bởi khi họ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật thì họ cũng bị xử phạt.

Những hành vi vi phạm pháp luật lao động của NLĐ nước ngoài thường thấy là hành vi bỏ trốn tại nơi đang làm việc theo hợp đồng, sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng, sử dụng giấy tờ tùy

thân giả mạo hoặc chứng nhận bằng cấp, tay nghề giả mạo (hoặc những bằng cấp không được xác minh) để ký kết hợp đồng lao động với NSDLĐ…..

- Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện phải là hành vi của NLĐ nước ngoài có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện.

Điều này xuất phát từ việc nếu hành vi của NLĐ nước ngoài thực hiện có tính chất trái pháp luật lao động nhưng bản thân họ không có năng lực trách nhiệm pháp lý thì không bị coi là vi phạm pháp luật lao động. Năng lực trách nhiệm pháp lý của NLĐ nước ngoài là khả năng mà pháp luật quy định cho NLĐ nước ngoài phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Theo quy định của pháp luật nói chung, NLĐ nước ngoài là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường. Đó là độ tuổi mà sự phát triển về trí lực và thể lực đã cho phép họ nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội nên phải chịu trách nhiệm về hành vi do mình thực hiện.

- Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện phải là hành vi có lỗi của NLĐ nước ngoài.

Lỗi là trạng thái tâm lý của người vi phạm, biểu hiện thái độ của người đó đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình. Giống như các vi phạm pháp luật nói chung, lỗi trong vi phạm pháp luật lao động cũng được quy định dưới hai hình thức: lỗi vô ý và lỗi cố ý. Lỗi cố ý thể hiện ở việc NSDLĐ hay NLĐ nhận thức tính chất trái pháp luật của hành vi nhưng vẫn thực hiện. Trong trường hợp, NSDLĐ hay NLĐ không nhận thức được hành vi của mình trái pháp luật lao động hoặc nhận biết được nhưng lại cho rằng có thể ngăn ngừa hậu quả thì vi phạm đó là lỗi vô ý.

Động cơ là lý do thúc đẩy chủ thể thực hiện vi phạm pháp luật lao động còn mục đích là kết quả mà chủ thể muốn đạt được khi thực hiện vi phạm đó. NSDLĐ thường vì quan tâm đến lợi nhuận và mong muốn giảm thiểu chi phí

kinh doanh, bởi vậy họ không đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ. NLĐ có thể do không hiểu biết các quy định của pháp luật mà vi phạm.

Đối với NLĐ, yếu tố kinh tế, hay nói cách khác là tiền công, tiền lương thấp không đủ trang trải chi phí cho bản thân họ và gia đình là một trong những động cơ chính khiến họ bắt buộc phải di cư đến những vùng kinh tế mới mà ở đó họ hi vọng sẽ tìm thấy việc làm được trả lương cao hơn. Việc tìm kiếm một việc làm có thu nhập tốt hơn cũng chính là một trong những động cơ khiến NLĐ nói chung, NLĐ nước ngoài nói riêng đôi khi bất chấp những quy định của pháp luật, thực hiện những hành vi mà pháp luật lao động không cho phép để đạt được mục đích của mình. Tuy vậy, tìm kiếm việc làm có thu nhập không phải là động cơ duy nhất của NLĐ nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật lao động, NLĐ nước ngoài có thể vi phạm pháp luật lao động vì những động cơ có ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo (sự xung đột của các tín ngưỡng), chính trị (xung đột sắc tộc, sự áp bức đối với một nhóm dân cư, chiến tranh giữa các quốc gia), các cuộc đình công quốc tế…

Điều này có nghĩa là khi thực hiện hành vi trái pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động, NLĐ nước có thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó, đồng thời điều khiển được hành vi của mình. Như vậy, chỉ những hành vi trái pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động mà có lỗi của cá nhân NLĐ nước ngoài thì mới bị coi là vi phạm pháp luật lao động. Còn trong trường hợp NLĐ nước ngoài xử sự có tính chất trái pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động nhưng bản thân họ không nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội hoặc nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi của mình nhưng không điều khiển được hành vi của mình thì không bị coi là có lỗi và không phải là vi phạm pháp luật lao động.

- Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện là hành vi xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động bảo vệ, nghĩa là các hành vi này làm biến dạng đi cách xử sự là nội dung của quan hệ pháp luật lao động do pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động quy định.

Vi phạm pháp luật lao động được hiểu là những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện trái các quy định của pháp luật lao động, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động của Nhà nước và xã hội [17, tr.160].

Như vậy, chúng ta có thể hiểu: Vi phạm pháp luật lao động do NLĐ nước ngoài thực hiện là hành vi hành động hoặc không hành động trái pháp luật lao động của nước tiếp nhận lao động và có lỗi do NLĐ nước ngoài có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại tới quan hệ lao động và các quan hệ có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động của nước tiếp nhận lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)