* Các đối tượng người hiến máu: hiện nay trên thế giới và ở nước ta, máu được thu gom từ 4 đối tượng sau:
- Người cho máu chuyên nghiệp: là những người vì cần tiền nên đi cho máu. Đại đa số đối tượng này đều có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp nên họ hiến máu khá đều đặn trong năm thậm chí là trong nhiều năm. Họ là nguồn người hiến máu chủ yếu ở các địa phương khi phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển.
Tuy vậy, vì cần tiền nên họ có thể che giấu tiền sử bản thân hoặc cho máu nhiều nơi, nhiều lần trong 3 tháng nên họ được xếp vào nhóm người cho máu không an toàn. Vì vậy ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải tìm các biện pháp thay thế họ bằng người hiến máu tình nguyện. Đồng thời, không dùng bất kỳ sự khuyến khích nào về vật chất để thu hút người hiến máu.
- Người nhà cho máu:là người thân của người bệnh cho máu khi bệnh viện yêu cầu. Về mặt lý thuyết thì đây là người cho máu an toàn. Nhưng trên thực tế, vì mong muốn cứu được người thân nên họ tìm mọi cách để được cho máu, thậm chí là “mua người nhà” tức là gia đình của người bệnh trả tiền để có những người cho máu để lấy tiền nhận là “người nhà” của
mình. Vì vậy, đối tượng này xếp vào nhóm người cho máu không an toàn.
- Người cho máu tự thân: là người cho máu cho chính bản thân mình. Cho máu tự thân chỉ áp dụng được trong một số ít các bệnh nhân như: phẫu thuật có chuẩn bị, chảy máu ổ bụng vô khuẩn, pha loãng máu trước mổ,... Do phải có những yêu cầu cao về sức khỏe nên hầu hết các bệnh nhân cần truyền máu không có đủ điều kiện để cho máu tự thân mặc dù cho máu tự thân có những ưu việt nổi trội hơn cho máu khác cá thể.
- Người hiến máu tình nguyện: là những người hoàn toàn tự nguyện cho máu của mình để cứu người bệnh khi có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người. Do vậy, họ đã “tự sàng lọc” trước khi hiến máu, thực hiện tốt những hướng dẫn của cán bộ y tế khi tham gia hiến máu.
Người hiến máu tình nguyện mà nhất là người hiến máu tình nguyện nhắc lại là đối tượng cho máu an toàn nhất. ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc xây dựng và phát triển bền vững nguồn người hiến máu tình nguyện không lấy tiền là chính sách ưu tiên hàng đầu trong hoạt động truyền máu.
* Lựa chọn người hiến máu an toàn: Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đảm bảo an toàn truyền máu, Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Chữ thập đỏ - trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khuyến cáo các quốc gia:
tổ chức tư vấn thật tốt để người hiến máu “tự sàng lọc” trước khi hiến máu.
- Chỉ nên lấy máu ở các đối tượng người hiến máu tình nguyện có nguy cơ thấp về các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu. Các đối tượng có nguy cơ cao như cán bộ y tế có tiếp xúc với nguồn lây HIV/AIDS, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân trong các khoa có bệnh truyền nhiễm, những người sinh sống ở vùng có tỷ lệ nhiễm các bệnh lây qua truyền máu cao, người vừa đi du lịch nhiều nơi trong vòng 3 tháng,... đều không được hiến máu dưới bất kỳ hình thức nào.
- Bảo vệ nguồn người hiến máu an toàn: song song với việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng truyền qua đường máu cho người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng, các tổ chức tham gia vào dịch vụ truyền máu cần tư vấn, giáo dục thật tốt để người hiến máu tự bảo vệ sức khỏe để tiếp tục hiến máu nhắc lại an toàn.