1.2.1. Vai trò của giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài
- Thứ nhất, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, qua đó, khắc phục và loại trừ các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực FDI.
Các tranh chấp trong lĩnh vực FDI chủ yếu là các tranh chấp thương mại bởi vì hoạt động đầu tư là một hoạt động nhằm nội dung sinh lời. Các tranh chấp này thường có giá trị tài sản lớn và khi một bên bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp dẫn đến tranh chấp thì việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định pháp luật là nhiệm vụ của các cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực FDI một cách thoả đáng, kịp thời, đúng pháp luật sẽ loại trừ được các tranh chấp phát sinh và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thứ hai, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, thúc đẩy chính sách mở cửa kinh tế và các chính sách hiện hành của Nhà nước ta về đầu tư nước ngoài.
Song song với các biện pháp đảm bảo đầu tư như bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách... thì xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp được nhà nước ta hết sức quan tâm. Đối với các tranh chấp trong lĩnh vực FDI thì giải quyết tranh chấp không chỉ phù hợp với pháp luật Việt Nam mà còn phải phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Từ khi thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, thu hút FDI đến nay, nhà nước ta đã không ngừng và từng bước hoàn thiện về mặt pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng về giải quyết tranh chấp.