Các phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoà

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam (Trang 29 - 34)

trực tiếp nước ngoài

Giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp trong lĩnh vực FDI nói riêng là việc các bên tranh chấp thông qua việc giải quyết nhất định nào đó nhằm chấm dứt xung đột, mâu thuẫn để bảo vệ hoặc khôi phục quyền và lợi ích

hợp pháp của mình. Tranh chấp trong lĩnh vực FDI có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên đương sự, các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc toà án.

a) Thương lượng:

Thương lượng phương thức giải quyết tranh chấp trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp và thường được các bên đương sự sử dụng trước tiên để giải quyết tranh chấp giữa họ.

Giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng là việc chính các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thoả thuận để đi đến thống nhất giải quyết bất đồng và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó.

b) Hoà giải:

Giống như thương lượng, hoà giải cũng là phương thức giải quyết tranh chấp được các bên đương sự sử dụng trước tiên để giải quyết tranh chấp giữa họ. Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp cũng giống như thương lượng nhưng có sự tham gia của người thứ ba trong vai trò là người trung gian. Người trung gian này là người có hiểu biết trong lĩnh vực tranh chấp, được các bên tín nhiệm để hỗ trợ tìm ra phương án giải quyết chứ không phải là người đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp.

Thương lượng và hoà giải đều có đặc điểm chung như sau:

- Đây là những phương thức giải quyết tranh chấp không chính thức, được áp dụng trên cơ sở sự thoả thuận của các bên đương sự. Các nhà kinh doanh thường chỉ sử dụng phương thức trọng tài hoặc toà án khi việc giải quyết tranh chấp theo phương thức này không đạt được kết quả.

- Các bên tranh chấp tự nguyện bàn bạc, thoả thuận để tìm phương án loại bỏ mâu thuẫn mà không dựa vào phán quyết của bên thứ 3. Kết quả của việc thương lượng, hoà giải thường là bản cam kết, biên bản hoà giải...

- Quá trình thương lượng, hoà giải giữa các bên không bị ràng buộc bởi bất kỳ thể thức nào. Pháp luật thực định của nước ta chưa có quy định nội dung cụ thể của quá trình thương lượng, hoà giải ra sao mà chỉ là quy định hình thức "các bên có quyền thương lượng, hoà giải". Kết quả của thương lượng, hoà giải hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng, kỹ năng đàm phán và thiện chí của các bên tranh chấp.

- Việc thi hành phương án giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải hoàn toàn "trông chờ" vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên. Hay nói cách khác, chưa có sự công nhận và hỗ trợ từ phía nhà nước đối với quá trình tiến hành thương lượng, hoà giải cũng như phương án thương lượng, hoà giải giữa các bên.

c) Toà án

Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI bằng con đường Toà án là phương thức giải quyết tranh chấp trên cơ sở đơn khởi kiện của một bên yêu cầu Toà án có quyền giải quyết vụ án và Toà án sẽ đưa ra phán quyết theo quy định của pháp luật giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI là 1 loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án cấp tỉnh. Phương thức này có những đặc trưng sau:

- Toà án là cơ quan tài phán nhân danh quyền lực nhà nước để giải quyết tranh chấp và phán quyết của Toà án có giá trị bắt buộc thi hành dựa vào sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.

- Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI bằng con đường Toà án có thể qua 2 cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Một số trường hợp, bản án, quyết định giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực pháp luật có thể được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo cho phán quyết của Toà án là chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

- Toà án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI được xét xử theo nguyên tắc công khai, trừ trường hợp giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai (khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI tại Toà án, các bên tranh chấp luôn bị đặt trước nguy cơ tiết lộ thông tin làm ảnh hưởng đến bí mật và uy tín kinh doanh.

- Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI theo con đường Toà án phải tuân thủ triệt để quy định mang tính hình thức của tố tụng nên các bên tranh chấp thường tốn nhiều thời gian theo kiện, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của mình.

d) Trọng tài

Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI bằng trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó các bên có thoả thuận đưa vụ việc phát sinh ra trọng tài, sau khi xem xét sự việc theo quy định của pháp luật, trọng tài sẽ ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có những đặc điểm sau: - Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực FDI bằng trọng tài phải dựa trên sự thoả thuận của các bên tranh chấp, theo đó, trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh, các bên có thoả thuận đưa tranh chấp của mình ra giải quyết tại trọng tài.

Thoả thuận trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng BOT, BTO, BT; là một điều khoản trong Điều lệ doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoặc là một văn bản riêng (gọi là Hiệp nghị trọng tài) giữa các bên.

- Bản chất của trọng tài là cơ quan tài phán, tính tài phán thể hiện ở điểm trọng tài được quyền đưa ra quyết định giải quyết vụ việc và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp.

- Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Các bên không thể kháng cáo, khiếu nại phán quyết này lên bất cứ cơ quan tài phán nào khác.

- Hoạt động trọng tài được sự hỗ trợ tư pháp từ phía Toà án đối với việc xem xét hiệu lực của thoả thuận trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chỉ định trọng tài viên, huỷ bỏ quyết định trọng tài.

- Các bên tranh chấp có thể lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp: trọng tài vụ việc (Hội đồng trọng tài do các bên thành lập) và trọng tài thường trực (tồn tại dưới hình thức trung tâm trọng tài).

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (với tư cách là tổ chức trọng tài phi Chính phủ) là phương thức giải quyết tranh chấp xuất hiện ở nước ta từ những năm 60 của thế kỷ trước với sự thành lập của hợp đồng trọng tài hàng hải và hợp đồng trọng tài Ngoại thương, tuy nhiên trên thực tế hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hầu như rất ít. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/CP ngày 5/9/1994 về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và Quyết định số 114/TTg ngày 16/02/1996 về mở rộng thẩm quyền giải quyết của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam. Từ ngày 1/7/2003, Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 có hiệu lực thi hành thay thế cho các văn bản pháp luật trước đó về trọng tài. Tuy nhiên sau 7 năm đi vào thực hiện, Pháp lệnh trọng tài thương mại đã bộc lộ nhiều hạn chế, và thực tế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 vẫn chưa đủ khả năng tạo ra những cơ sở pháp lý cho chủ trương của Việt Nam là khuyến khích các bên sử dụng trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Thực tế cho thấy số vụ tranh chấp được giải quyết tại các tổ chức trọng tài thương mại rất thấp. "Tại Toà kinh tế

Toà án nhân dân Hà Nội, từ năm 2005 đến nay năm nào số lượng vụ việc năm sau cũng tăng gấp đôi năm trước. Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hàng năm xử từ 1000 đến 1100 vụ tranh chấp kinh tế. Tuy nhiên, con số này lại rất khiêm tốn nếu xem xét số vụ việc được giải quyết bởi Trọng tài. Trong khi VIAC - tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam - chỉ tiếp nhận 30 vụ tranh chấp trong năm 2007 và 58 vụ trong năm 2008 thì mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm. Nếu mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xử 50 vụ một năm thì mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm” [3, tr. 3].

Khắc phục những bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)