tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng trọng tài
“Một vài học giả luật học có quan điểm trọng tài phi địa phương hình dung rằng một ngày nào đó trong trọng tài thương mại quốc tế sẽ không còn nhờ đến toà án can thiệp nữa” [4]. Theo quan điểm đó, trọng tài thương mại quốc tế không nhất thiết phải đặt dưới sự kiểm soát của pháp luật khác nhau
của nhiều nước khác nhau bởi vì luật trọng tài của một số nước, đặc biệt là ở các nước kém phát triển có thể không phù hợp với thực tiễn hiện đại của trọng tài thương mại quốc tế. Trong khi đó, Redfern và Hunter – hai chuyên gia trọng tài khẳng định rằng “học thuyết về phi địa phương hoá phản ánh sự mong muốn dễ hiểu về sự nhất quán trong quy định của trọng tài thương mại quốc tế. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng học thuyết trên là đúng” [8].
Sự can thiệp của Nhà nước trong quá trình trọng tài đã được tranh luận và tiếp cận một cách khác nhau ở các nước có hệ thống pháp luật khác nhau. Nhiều chuyên gia trọng tài nói về sự can thiệp của Nhà nước. Những người khác thì gọi đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Cả hai nghĩa đó đều giống nhau ở khía cạnh trọng tài không không thoát ly khỏi sự kiểm soát của Nhà nước. Nhà nước cần phải đóng một vai trò nhất định trong quá trình trọng tài. Vấn đề là Nhà nước sẽ tác động trọng tài đến đâu và liệu Nhà nước can thiệp một cách tích cực hay là tiêu cực vào trọng tài.
Trên thực tế, sự can thiệp hay sự hỗ trợ của Nhà nước đều có ý nghĩa như nhau khi Nhà nước quan tâm đến việc tạo điều kiện cho trọng tài trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của chung lẫn quyền lợi riêng của từng người. Bất kỳ Nhà nước nào cũng có chính sách giống nhau trong việc hỗ trợ trọng tài hoạt động một cách có hiệu quả trừ khi chính sách đó không còn phù hợp với thực tế. Từ góc độ đó, nên dùng khái niệm “sự hỗ trợ của Nhà nước” là thích hợp hơn khi đề cập đến vai trò của Nhà nước trong trọng tài.
Trước khi Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116-CP ngày 05 tháng 9 năm 1994 về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế. Tuy nhiên, hạn chế của Nghị định này là chưa quy định về sự hỗ trợ của Nhà nước và cơ quan thi hành án dân sự đối với các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại. Pháp luật chưa thừa nhận vai trò, trách nhiệm của Toà án trong việc hỗ trợ, giám sát hoạt động tố tụng giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại và
sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án dân sự về cơ chế thi hành phán quyết của trọng tài. Chính vì hạn chế này mà hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của đương sự, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tranh chấp là vấn đề phức tạp, khi các bên không thể tự giải quyết được mới đưa ra trọng tài để giải quyết. Do vậy, quyết định trọng tài khó có thể thoả mãn được cả hai bên. Trong khi đó, theo Pháp lệnh chỉ cần điều kiện “không đồng ý với quyết định trọng tài” thì có quyền làm đơn yêu cầu huỷ. Điều này vô hình chung đã khuyến khích các bên làm đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài với nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là để kéo dài thời hạn thi hành quyết định trọng tài, để kịp tẩu tán tài sản. Một khi đưa đơn yêu cầu huỷ ra Toà án, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu huỷ tại Toà án phải qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, thời gian giải quyết tại Toà án cũng không xác định là bao lâu. Như vậy, nếu như các bên mong muốn được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài do trọng tài có ưu điểm nhanh chóng, đơn giản thì thực tế các quy định của Pháp lệnh trọng tài lại không được như các bên mong đợi. Vấn đề này cần sớm được khắc phục để tránh sự lạm dụng một cách có chủ ý của các bên, nhất là bên thua kiện tại trọng tài. Nếu không sớm giải quyết, các quyết định trọng tài sẽ có nguy cơ trở thành các bản án sơ thẩm.
Luật Trọng tài thương mại đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, cụ thể là:
Nâng cao vị thế của Trọng tài thông qua việc cho phép Hội đồng Trọng tài được thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 46, 47, 48 và 49) trong quá trình giải quyết tranh chấp. Quy định của Luật đã tiếp thu quy định của Luật mẫu UNCITRAL nhằm giúp cho tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn.
Hạn chế nguy cơ phán quyết của Trọng tài bị Toà án tuyên huỷ bởi quy định không phù hợp của Pháp lệnh Trọng tài thương mại như quy định về
quyền của một bên được gửi đơn lên Toà án yêu cầu huỷ quyết định trọng tài nếu “không đồng ý với quyết định trọng tài”, bởi vì các quy định này của Pháp lệnh đã làm cho tố tụng trọng tài trở nên rất rủi ro và làm mất đi tính chung thẩm của phán quyết trọng tài mà pháp luật của hầu hết các nước đều công nhận.
Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Trọng tài thương mại là thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa Trọng tài với Toà án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên. Luật đã đưa ra một loạt các quy định mới nhằm xác định mối quan hệ pháp lý quan trọng này: xác định rõ Toà án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài và liệt kê 7 nội dung thẩm quyền của Toà án trong quan hệ với Trọng tài (khoản 2 Điều 7) bao gồm: thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ; đăng ký phán quyết trọng tài; tuyên thoả thuận trọng tài vô hiệu; xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; giải quyết yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài; bảo đảm sự có mặt của người làm chứng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; chỉ định, thay đổi trọng tài viên. Quy định tại các điều luật khác liên quan đã cụ thể hoá nội dung những thẩm quyền này của Toà án. Quy định này đã khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại, tạo điều kiện để các Toà án và Hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp tránh được lúng túng trong các trường hợp cụ thể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để trọng tài hoạt động có hiệu quả.