chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ)
Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ khuyến khích các bên sử dụng trọng tài giải quyết tranh chấp về đầu tư; đưa ra hai loại tranh chấp có thể áp dụng thủ tục giải quyết bằng trọng tài, đó là tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư.
Tranh chấp đầu tư là tranh chấp giữa một bên và công dân hoặc công ty của bên kia phát sinh từ hoặc có liên quan đến một chấp thuận đầu tư, một thoả thuận đầu tư hoặc sự vi phạm bất kỳ quyền nào được quy định, thiết lập
hoặc thừa nhận tại Chương IV Hiệp định, các phụ lục và các thư trao đổi có liên quan đến vấn đề đầu tư [2].
Loại tranh chấp trên có thể sẽ xảy ra khá phổ biến khi hai bên của hiệp định xúc tiến các hoạt động đầu tư. Ở những tranh chấp đầu tư, một trong các bên tranh chấp có thể là một bên của hiệp định, nghĩa là một quốc gia, do đó tính chất của loại tranh chấp thứ hai trong một vài trường hợp sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với loại tranh chấp thứ nhất. Hiệp định khuyến cáo các bên tham gia vào quan hệ đầu tư nên thoả thuận trước về hình thức giải quyết trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, đặc biệt khuyến khích các bên thoả thuận về việc sử dụng trọng tài giải quyết tranh chấp. Quan điểm này được thể hiện rất rõ ràng ngay từ những phần mở đầu của hiệp định, điều đó phần nào chứng tỏ hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được các bên của hiệp định rất chú trọng.
Thông thường, khi sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, các nhà kinh doanh và nhà đầu tư hay chú ý đến những ưu điểm của cơ chế này so với thủ tục giải quyết tranh chấp tại toà án. Những ưu điểm của trọng tài đã được công nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế và khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư đi đến quyết định lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này.
Với những ưu điểm của hình thức trọng tài, việc Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thể hiện quan điểm khuyến khích sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp không phải là điều khó lý giải. Theo tinh thần của Hiệp định, các bên tranh chấp được quyền tự do lựa chọn bất cứ hình thức trọng tài nào cũng như luật được áp dụng trong giải quyết trọng tài và các bên của hiệp định không được ngăn cấm các bên tranh chấp thực hiện quyền này của họ (khoản 5 Điều 7 Chương I). Do đó, các bên trong tranh chấp về FDI tại Việt Nam được quyền thoả thuận với nhau để lựa chọn bất cứ hình thức trọng tài trong nước hay quốc tế nào phù hợp, cụ thể là:
a) Trọng tài trong nước
Đây là các trung tâm trọng tài thương mại được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng giải quyết các tranh chấp về đầu tư có yếu tố nước ngoài, trong đó có Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
b) Trọng tài nước ngoài và trọng tài quốc tế
Hiệp định cho phép các bên tranh chấp được tự do lựa chọn bất cứ quy tắc trọng tài nào đã được quốc tế công nhận, kể cả các quy tắc trọng tài UNCITRAL ngày 15/12/1976 và những sửa đổi của quy tắc này để giải quyết các tranh chấp thương mại (khoản 3 Điều 7 Chương I) với điều kiện là phải xác định một cơ quan chỉ định theo những quy tắc nói trên tại một nước thứ ba, không phải là Việt Nam hay Mỹ. Tuy nhiên nước thứ ba này cũng phải là một thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài. Quy định này vừa mở ra một cơ hội thuận tiện để các bên thực hiện quyền sử dụng trọng tài, vừa bảo đảm khả năng “thi hành án” hiệu quả đối với các quyết định của trọng tài nước ngoài và trọng tài quốc tế, tạo ra sự yên tâm trong việc thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các thương nhân của hai nước.
Hiện nay có hai Trung tâm trọng tài nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á đã ít nhiều quen thuộc với các nhà đầu tư quốc tế và Việt Nam là Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore và Trung tâm trọng tài quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia). Hai quốc gia này đều là thành viên của Công ước New York 1958, đồng thời các Trung tâm trọng tài của họ cũng đã áp dụng quy tắc UNCITRAL để xây dựng quy chế trọng tài cho trung tâm mình. Bên cạnh đó, các trọng tài viên của các Trung tâm còn có kinh nghiệm trong việc giải quyết những tranh chấp có liên quan đến bên Việt Nam, điều này tương đối thuận lợi hơn cho các thương nhân Việt Nam nếu như họ thoả thuận được về việc chọn các trung tâm này giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, các bên trong những giao dịch thương mại cũng có thể thoả thuận áp dụng các quy tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài thương mại quốc tế có uy tín khác như quy tắc của Toà án trọng tài quốc tế ICC thuộc phòng Thương mại quốc tế (The International Chamber of Commerce) hay của Toà án trọng tài quốc tế Luân đôn LCIA…, song nhìn chung các nhà kinh doanh và đầu tư Việt Nam nên thuyết phục bên đối tác Mỹ chọn sử dụng quy tắc của các Trung tâm trọng tài nào vừa bảo đảm có uy tín, có hiệu quả, lại vừa thuận lợi hơn cho mình về việc di chuyển và chi phí thấp.
c) Các thủ tục trọng tài ràng buộc áp dụng cho những tranh chấp về đầu tư Như ở phần đầu đã đề cập, khi có một tranh chấp đầu tư phát sinh mà một bên tranh chấp là quốc gia thì quy mô và mức độ sẽ phức tạp hơn nhiều so với những tranh chấp thương mại. Chính vì thế, bên cạnh việc trao cho các bên của quan hệ đầu tư quyền tự nguyện thoả thuận trước trong các hợp đồng đầu tư về cơ chế giải quyết tranh chấp như đối với tranh chấp thương mại, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ còn đặt ra những thủ tục trọng tài ràng buộc, áp dụng trong trường hợp nếu sau 90 ngày kể từ ngày tranh chấp phát sinh, công dân và công ty của một bên Hiệp định (là một bên tranh chấp) chưa đưa vụ việc ra giải quyết dưới bất kỳ hình thức nào (khoản 3a Điều 4 Chương IV). Có bốn thủ tục trọng tài ràng buộc mà bên tranh chấp là công dân và công ty của một bên hiệp định có thể lựa chọn.
Một là, giải quyết tranh chấp theo Quy chế Trọng tài ICSID. Được thành lập dưới dạng một tổ chức quốc tế, Trung tâm ICSID đã ban hành một quy chế trọng tài khá hoàn chỉnh không những về thủ tục tố tụng mà còn về cơ chế bảo đảm thi hành quyết định trọng tài, nhằm để giải quyết “những tranh chấp phát sinh trực tiếp từ một hoạt động đầu tư giữa một quốc gia thành viên công ước với công dân của một quốc gia thành viên khác nếu các bên tranh chấp có thoả thuận bằng văn bản đưa vụ việc ra giải quyết tại trung tâm” (khoản 1 Điều 25 Công ước Washington 1965).
Hiện nay, Mỹ đã là thành viên của của Công ước Washington 1965, nhưng Việt Nam lại chưa phải là thành viên công ước này, do vậy nếu như có tranh chấp đầu tư phát sinh trong khuôn khổ hiệp định thương mại Việt- Mỹ, các bên tranh chấp vẫn chưa hội đủ các điều kiện để đưa vụ việc ra giải quyết theo quy chế trọng tài của trung tâm ICSID. Song như nhiều chuyên gia đã thừa nhận, riêng trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp đầu tư có liên quan đến một quốc gia, ICSID được đánh giá là một trung tâm hoạt động chuyên biệt rất có uy tín và hiệu quả. Vì thế sẽ rất đáng tiếc nếu như bên Việt Nam không có cơ hội sử dụng quy tắc trọng tài của trung tâm để giải quyết các tranh chấp đầu tư. Việt Nam nên có kế hoạch xúc tiến việc phê chuẩn Công ước Washington 1965 để trở thành một thành viên của công ước, từ đó tạo điều kiện mở rộng thêm khả năng sử dụng trọng tài cho các nhà đầu tư Việt Nam theo đúng tinh thần của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.
Hai là, giải quyết tranh chấp theo quy tắc trọng tài của cơ chế phụ trợ ICSID. Cơ chế phụ trợ ICSID ra đời vào năm 1978, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước Washington 1965 và việc giải quyết tranh chấp cũng không áp dụng theo các quy chế trọng tài và các quy chế khác của trung tâm ICSID. Cơ chế phụ trợ xây dựng một quy chế trọng tài riêng nhằm giải quyết những tranh chấp không thoả mãn các điều kiện về nội dung tranh chấp và về chủ thể để được giải quyết bằng cơ chế trọng tài ICSID. Do đó, bên Việt Nam có thể thoả thuận với bên đối tác Mỹ sử dụng cơ chế trọng tài này. Tuy nhiên, không giống với cơ chế trọng tài ICSID lập ra chỉ để nhằm giải quyết tranh chấp đầu tư, quy tắc trọng tài của cơ chế phụ trợ ICSID được áp dụng không những vào việc giải quyết các tranh chấp đầu tư mà còn cả đối với các tranh chấp thương mại, vì thế tính chuyên môn trong hoạt động giải quyết một loại tranh chấp cụ thể, trong trường hợp này là tranh chấp đầu tư, không thể cao bằng cơ chế trọng tài ICSID.
Ba là, giải quyết theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL. Quy tắc trọng tài này thường được các bên tranh chấp lựa chọn trong trường hợp họ đã quyết định áp dụng hình thức trọng tài vụ việc (trọng tài ad hoc) để giải quyết các tranh chấp. Đặc điểm của hình thức trọng tài ad hoc là các bên tranh chấp tự mình lựa chọn các chuyên gia tham gia vào hội đồng trọng tài và tự xây dựng quy tắc trọng tài nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp. Công việc này không phải là đơn giản, nhất là không phải lúc nào các bên tranh chấp cũng đều có khả năng xây dựng một quy chế trọng tài phù hợp và hiệu quả. Do vậy, để khỏi tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho việc tiến hành công việc trên, các bên có thể sử dụng ngay những Quy tắc trọng tài UNCITRAL vì chúng được làm ra với mục đích chủ yếu là để áp dụng cho hình thức trọng tài ad hoc này.
Bốn là, đưa ra bất kỳ tổ chức trọng tài nào khác hoặc giải quyết theo các quy tắc trọng tài khác nếu có sự đồng ý của các bên tranh chấp (thoả thuận này được thực hiện sau thời điểm tranh chấp đầu tư đã phát sinh).
Lưu ý là ngoại trừ việc giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài ICSID sẽ được tiến hành ngay tại trụ sở chính của Trung tâm (đặt tại Washington, Hoa Kỳ). Vì trọng tài ICSID đã có hẳn một cơ chế bảo đảm việc thi hành quyết định trọng tài riêng cho mình, những thủ tục trọng tài khác đều phải được tiến hành tại một quốc gia là thành viên Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Quy định này nhằm đảm bảo hiệu lực và khả năng thực thi các quyết định trọng tài, bảo vệ được quyền lợi của các bên tham gia vào quan hệ đầu tư.