tiếp nước ngoài bằng trọng tài tại Nhật Bản
Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại nói
chung và đầu tư nói riêng tại Nhật Bản. Đó là việc các bên đồng ý trước việc giải quyết một tranh chấp (thoả thuận trọng tài) bằng việc tuân thủ một phán quyết của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba. Mặc dù việc phân xử trọng tài thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới các giao dịch quốc tế, nhưng lại không được ưa chuộng trong sử dụng để giải quyết các tranh chấp trong nước.
Điều 786 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rằng thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng phương thức trọng tài có hiệu lực khi các bên hoàn toàn thoả thuận về đối tượng của tranh chấp. Thoả thuận đưa tranh chấp giải quyết bằng trọng tài có hiệu lực chỉ khi nó liên quan đến quan hệ về quyền và tranh chấp phát sinh từ quan hệ đó [18]. Bộ luật Tố tụng dân sự công nhận sự khác nhau giữa thoả thuận đưa vụ tranh chấp đang có cũng như tranh chấp sẽ xảy ra trong tương lai ra giải quyết bằng trọng tài, tuy nhiên không có sự phân biệt đặc biệt trong việc áp dụng nhiều điều khoản khác nhau quy định về trọng tài. Mỗi loại thoả thuận này đều được coi là thoả thuận trọng tài. Điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại liên quan đến thoả thuận trọng tài về tranh chấp đang có và tranh chấp xảy ra trong tương lai, có hiệu lực theo quy định tại các Điều 786 và 787 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không có quy định nào tại Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản rằng thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Thoả thuận trọng tài có thể được lập trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng cách nêu rõ hay thông qua hành động ngụ ý. Tuy nhiên, riêng với Quy chế của trọng tài của Hiệp hội trọng tài thương mại Nhật Bản (JCAA) thì “thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản”.
Không có quy định nào hạn chế việc một người viện dẫn đến trọng tài để giải quyết tranh chấp. Thể nhân hay pháp nhân, không phân biệt quốc tịch, có thể là một bên trong vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nhà nước hay cơ quan Nhà nước có thể là một bên trong vụ trọng tài với bên kia là công dân nước mình hay công dân nước ngoài.
Bất kỳ một cá nhân nào có năng lực pháp luật hoặc năng lực ký kết hợp đồng có thể ký kết thoả thuận trọng tài cũng như có quyền thoả thuận về đối tưuợng của vụ tranh chấp. Tương tự như vậy, bất kỳ người nào, dù là thể nhân hay pháp nhân, nếu có năng lực tố tụng có thể là một bên trong vụ trọng tài.
Về thẩm quyền của trọng tài:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản, chỉ những vấn đề nào có thể đưa ra Toà án mới được giải quyết bằng trọng tài. Sự định giá giá trị của tài sản trong vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài, nhưng thoả thuận về việc định giá tài sản trong giải quyết tranh chấp cho một bên thứ ba là có hiệu lực và có tính thi hành bởi nó thiết lập và xác định quyền hợp đồng và nghĩa vụ giữa các bên.
Những vấn đề không thuộc đối tượng của vụ tranh chấp theo thoả thuận của các bên sẽ không được giải quyết bằng trọng tài. Một ví dụ là những vấn đề kỹ thuật của bằng phát minh sáng chế. Điều 171 của Luật Phát minh sáng chế quy định rằng những nội dung kỹ thuật của bằng phát minh sáng chế thuộc thẩm quyền xác định của Tổng Giám đốc Văn phòng Phát minh sáng chế. Giải quyết bằng trọng tài những vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá v.v.. phụ thuộc vào bản chất của vấn đề, được quy định tại Điều 786 của Luật. Những vấn đề như phá sản hay vi phạm luật chống độc quyền không thuộc phạm vi giải quyết bằng trọng tài.
Vấn đề độc lập của điều khoản trọng tài:
Toà án coi điều khoản trọng tài độc lập với những vấn đề khác của hợp đồng thương mại. Trong vụ việc điển hình Kokusan Kinzoku KCgyC.K.K. v. Guard-Life Corporation, Toà án đã tuyên rằng:
Khi thoả thuận trọng tài độc lập được ký kết kèm theo hợp đồng chính, vấn đề hiệu lực của thoả thuận trọng tài cần được xác định một cách độc lập với hợp đồng chính. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, hiệu lực của thoả thuận trọng tài không
trực tiếp bị ảnh hưởng thậm chí cả khi hiệu lực của hợp đồng chính bị ảnh hưởng [28].
Tóm lại, cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế – thương mại tại Nhật Bản, ngoài việc chịu ảnh hưởng của Hiến pháp và hệ thống pháp luật Mỹ và Tây Âu từ sau Thế chiến II, vẫn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hoá Á Đông với tư tưởng đạo Khổng từ hàng nghìn năm trước đây. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, việc tiếp cận và du nhập nền pháp lý dân chủ hoá của phương Tây là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, những nét đặc thù của khoa học pháp lý Á Đông, thể hiện đậm nét trong chế định giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Nhật Bản vẫn nên được quan tâm nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện thể chế trọng tài của Việt Nam.