Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng cho thuê tài chính ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật 60 38 50 (Trang 70 - 76)

d/ Biện pháp ký quỹ:

2.2.4.1. Chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính:

Chấm dứt HĐCTTC được hiểu là chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng. Pháp luật Ngân hàng không quy định rõ các trường hợp chấm dứt HĐCTTC mà chỉ đề cập đến “Khi kết thúc hợp đồng bên thuê được quyền lụa chọn mua tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê” (khoản 2 điều 61 Luật các Tổ chức tín dụng). Nhưng dựa trên cơ sở Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự để xem xét các trường hợp chấm dứt hợp đồng CTTC thì HĐCTTC có thể chấm dứt trong các trường hợp: hết thời hạn cho thuê theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do sự vi phạm của một trong các bên trong quan hệ hợp đồng hoặc trong trường hợp bất khả kháng. Như vậy thì trong trường hợp đó hợp đồng cho thuê chấm dứt trước thời hạn nhưng không vi phạm nguyên tắc không được hủy ngang trong quá trình thực hiện HĐCTTC.

- Trường hợp HĐCTTC được chấm dứt theo thỏa thuận trong HĐCTTC:

Xảy ra khi các bên tham gia trong quan hệ HĐCTTC thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Chấm dứt HĐCTTC trong trường hợp này có liên quan đến việc thanh lý tài sản thuê khi kết thúc hợp đồng theo phương thức thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê. Trong trường hợp nếu các bên thỏa thuận trong hợp đồng về việc mua hẳn tài sản thuê khi kết thúc hợp đồng thì bên thuê tiến hành mua tài sản có thể theo giá đã thỏa thuận hoặc theo giá thị trường trên cơ sở thoả thuận trong hợp đồng. Thông thường giá bán của thiết bị thuê vào thời điểm kết thúc hợp đồng thường được thỏa thuận trước trên cơ sở mức giá bán mang tính tượng trưng , qua đó vừa đảm bảo khả năng thu hồi vốn, vừa đảm bảo có tài sản phục vụ cho hoạt động của bên thuê một cách thuận tiện.

ở một số nước trên thế giới thì việc xác định giá trị tài sản vào thời điểm kết thúc hợp đồng có thể xác định trên cơ sở giá thực tế vào thời điểm bán thiết bị hoặc có thể xác định vào thời điểm ký hợp đồng.

Theo chúng tôi nghĩ phương thức xác định giá trị tài sản khi kết thúc hợp đồng nên dựa trên cơ sở là giá trị còn lại của tài sản vào thời điểm kết thúc hợp

đồng. Nếu trong hợp đồng không thỏa thuận phương thức chuyển giao quyền sở hữu khi kết thúc hợp đồng thì bên thuê có quyền chọn mua hoặc không mua tài sản thuê. Các bên có thể thỏa thuận bên thuê đứng ra làm đại lý bán tài sản cho bên cho thuê theo sự chỉ định của bên cho thuê và sẽ được hưởng phần chênh lệch giữa giá do bên cho thuê ấn định và giá bán thực tế trên thị trường. Nếu trong trường hợp hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng cho thuê về việc được tiếp tục thuê tài sản thì bên thuê sẽ có quyền lựa chọn trong việc thuê tiếp hoặc là chấm dứt việc thuê tài sản do sự lựa chọn của mình.

Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng theo phương thức nói trên, do bên thuê đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình nên bên cho thuê có trách nhiệm phải giải tỏa tài sản bảo đảm (nếu có). Các bên có thể chấm dứt quan hệ hoặc tiếp tục thuê theo một hợp đồng khác.

Trường hợp hợp đồng cho thuê bị hủy bỏ trước khi các bên thực hiện các điều khoản cam kết trong HĐCTTC hoặc chưa phát sinh các quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê do lỗi của bên thuê, chẳng hạn khi bên cho thuê đã ký kết hợp đồng mua tài sản theo đơn đề nghị của bên thuê nhưng bên thuê lại chấm dứt việc thuê tài sản... khi đó có những thiệt hại xảy ra thì bên thuê cũng phải chịu và phải hoàn trả mọi chi phí liên quan đến thiệt hại xảy ra cho bên cho thuê.

- Trường hợp chấm dứt hợp đồng do lỗi của các bên trong quan hệ hợp đồng:

Mặc dù về nguyên tắc HĐCTTC không được hủy ngang nhưng khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình bên kia có thể chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn thỏa thuận.

Chấm dứt hợp đồng do lỗi của bên thuê:

Để đảm bảo quyền và lợi ích cho bên cho thuê, tránh những rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến việc thu hồi nguồn vốn của bên cho thuê, pháp luật có quy định

trong trường hợp bên thuê không thực hiện nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì bên cho thuê có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thỏa thuận.

Như đã phân tích ở phần trên, một trong những nguyên tắc đặc trưng của HĐCTTC là không thể hủy ngang nhưng không có nghĩa là không thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ HĐCTTC pháp luật đã đặt ra một số trường hợp các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc do một bên có lỗi.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều 27 khoản 1 Nghị định 16, Công ty CTTC có thể chất dứt hợp đồng trước thời hạn do lỗi của bên thuê trong trường hợp bên thuê :

*Vi phạm liên quan đến tài sản thuê:

. Bên thuê vi phạm những quy định trong hợp đồng về giao nhận, bảo trì, vận hành, bảo hiểm, sửa chữa hay thanh toán các khoản tiền thuế liên quan đến tài sản thuê do không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

. Bên thuê làm hỏng tài sản thuê không thể phục hồi do lỗi cố ý hoặc vô ý của bên cho thuê.

. Bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích đã quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp này bên thuê đã không chấp hành đúng các cam kết đã thỏa thuận

. Bên thuê chuyển giao tài sản thuê cho bên thứ ba không được sự đồng ý của bên cho thuê.

* Vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo đảm:

. Người bảo lãnh mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, giải thể mà bên thuê không thể tìm được người bảo lãnh khác thay thế được bên cho thuê chấp nhận. . Việc thực hiện theo nghĩa vụ HĐCTTC của bên thuê hay người bảo lãnh vi phạm

pháp luật do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết.

. Tài sản, thiết bị của bên thuê hay bên bảo lãnh dùng để đảm bảo cho tài sản thuê bị mất, chiếm đoạt, chuyển quyền sở hữu hay bị phá hủy, do vậy khả năng thu hồi nguồn vốn của bên cho thuê không có khả năng thực hiện nếu trường trường hợp có rủi ro xảy ra.

* Vi phạm thuộc phạm vi tài chính:

. Trong trường hợp bên thuê lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phá sản hay giải thể. Trong trường hợp này HĐCTTC có thể chấm dứt và bên cho thuê thu hồi tài sản cho thuê thuộc sở hữu của mình.

. Bên thuê không thanh toán tiền thuê hay bất cứ khoản phải trả nào theo hợp đồng đúng thời hạn quy định. Trong trường hợp này bên thuê đã vi phạm về nghĩa vụ thanh toán đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

. Bên thuê phát hiện sự không trung thực, hay không chính xác trong những thông tin về tình hình tài chính mà bên cho thuê đã cung cấp. Điều này rất quan trọng trong việc đánh giá khả năng của bạn hàng và việc thẩm định để quyết định cho vay, đồng thời trong trường hợp này, bên cho thuê vi phạm nguyên tắc cung cấp thông tin chính xác, trung thực.

. Bên thuê đã vi phạm các quy định của hợp đồng, ví dụ: cấm thực hiện việc thuê thêm tài sản dài hạn hoặc gia tăng công nợ bằng các hình thức vay khác...

Trong quá trình thuê, quyền sở hữu pháp lý về tài sản luôn luôn thuộc bên cho thuê và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên cho thuê , pháp luật quy định trong trường hợp HĐCTTC bị chấm dứt trước thời hạn do một trong những nguyên nhân trên, bên thuê có nghĩa vụ phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê còn lại cho bên thuê. Nếu bên thuê không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê có quyền thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê

và bên thuê phải bồi thường thiệt hại vật chất cho bên cho thuê. Sau khi thu hồi tài sản thuê, bên cho thuê có quyền chuyển nhượng hoặc cho bên khác thuê tài sản.

Thực tế vấn đề thu hồi tài sản thuê gặp không ít khó khăn, do sau khi thu hồi tài sản thuê đã qua sử dụng việc thanh lý tài sản trên thực tế sẽ giảm giá trị rất nhiều so với giá ban đầu, nhu cầu để sử dụng cho khách hàng khác thuê tài sản đó cũng rất hạn hữu ví dụ như trong thời gian qua việc cho thuê tài sản chủ yếu là các tài sản có giá trị trung bình, có tính thanh khoản tương đối cao như xe tắc xi, xe vận tải nhỏ, dây chuyền sản xuất may... Đối với tài sản là dây chuyền công nghệ có giá trị lớn , có hao mòn vô hình cao lại không có khả năng sử dụng rộng rãi nên trong trường hợp bên cho thuê thu hồi lại tài sản do bên thuê vi phạm hợp đồng thì cũng rất khó khăn trong việc thu hồi tài sản đó để thu hồi được vốn ban đầu. Do vậy bên cho thuê vẫn phải gánh chịu những rủi ro tương đối lớn về xử lý các loại tài sản đó khi chấm dứt hợp đồng cho thuê. Còn đối với tài sản khác là máy móc thiết bị thì sau khi vận hành giá trị thực tế của tài sản bị giảm xuống nhanh chóng. Trong những trường hợp trên, nếu bên cho thuê cố tình chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê thì sẽ gây khó khăn không nhỏ cho bên cho thuê thu hồi vốn của mình. Vì vậy thiết nghĩ ngoài quy định của pháp luật là đối với những tài sản thuê phải mua bảo hiểm rủi ro thì chưa đảm bảo an toàn về khả năng thu hồi vốn cho bên cho thuê. Khi xảy ra các hành vi vi phạm của bên thuê, đòi hỏi pháp luật phải quy định những biện pháp thích hợp để ràng buộc trách nhiệm của bên thuê ví dụ, bên thuê phải có cam kết về thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thời gian nhất định... Phương thức này vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động CTTC vừa đảm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống tổ chức tín dụng nói chung và tạo cơ sở vững chắc cho việc ký kết và thực hiện HĐCTTC nói riêng.

Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi bình đẳng của các bên trong quan hệ HĐCTTC, pháp luật hiện hành không chỉ dừng lại ở việc quy định các biện pháp đảm bảo quyền lợi của bên cho thuê mà còn đặt ra một số quy định nhằm bảo vệ bên thuê trong quan hệ hợp đồng. Bên thuê có quyền chấm dứt hợp đồng trước

hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng; trong trường hợp do lỗi của bên cho thuê trong việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản với nhà cung ứng. Trong trường hợp này bên cho thuê đã vi phạm nghĩa vụ về thời hạn chuyển giao tài sản do vậy có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bên thuê.

Trường hợp bên cho thuê vi phạm hợp đồng thì theo quy định của pháp luật cũng như để đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia trong quan hệ, bên cho thuê cũng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể xảy ra cho bên thuê. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng bên thuê có thể chấm dứt trước thời hạn do vi phạm của bên cung ứng. Nguyên nhân dẫn đến chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này có thể do lỗi của bên cung ứng là không cung cấp tài sản thuê hay cung cấp tài sản thuê không đảm bảo về số lượng, chất lượng, chủng loại hay thông số kỹ thuật... Trong văn bản pháp luật hiện hành thì chưa có một quy định nào ràng buộc trách nhiệm của nhà cung ứng với các bên trong việc thực hiện HĐCTTC.

Trong trường hợp tài sản thuê có thể bị hư hại do người thứ ba gây ra, HĐCTTC cũng đương nhiên chấm dứt và bên thuê có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền thuê theo hợp đồng đã thỏa thuận. Quyền lợi của bên thuê sẽ do bên thứ ba bồi thường.

Hợp đồng cũng có thể chấm dứt trước thời hạn do tài sản thuê bị mất, bị hư hỏng, không thể sửa chữa được không do lỗi của bên thuê ( khoản 3, điều 27, NĐ 16/CP). Bên cho thuê phải hoàn trả lại cho bên thuê số tiền bảo hiểm tài sản khi bên thuê đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho bên cho thuê. Ngoài ra, HĐCTTC cũng có thể chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận khi bên cho thuê chấp nhận cho bên thuê thanh toán toàn bộ tiền thuê trước thời hạn ghi trong HĐCTTC. Trong trường hợp này hoàn toàn đảm bảo quyền thu hồi vốn của bên cho thuê, xem như bên thuê đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng cho thuê tài chính ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật 60 38 50 (Trang 70 - 76)