Điều 17, Nghị định 16/CP quy định “ HĐCTTC là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê về việc thuê một hoặc một số máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác”. Như vậy, HĐCTTC là một loại hợp đồng và khi đề cập đến hợp đồng thì đó là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia trong quan hệ. Xét về bản chất pháp lý, HĐCTTC có thể là hợp đồng kinh tế, có thể là hợp đồng dân sự do vậy khi giao kết HĐCTTC các bên phải tuân thủ các nguyên tắc đối với việc ký kết hợp đồng đó là hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự. Các nguyên tắc cần phải tuân thủ trong khi ký kết HĐCTTC bao gồm các nguyên tắc chung đối với các loại hợp đồng khác và các nguyên tắc riêng áp dụng chỉ đối với HĐCTTC.
* Nguyên tắc chung:
Thứ nhất, nguyên tắc tự nguyện:
Nguyên tắc này thể hiện các bên tham gia trong quan hệ hoàn toàn tự do về mặt ý chí và tự nguyện về mặt lý trí, không có sự áp đặt, lừa dối... Như vậy các bên tham gia trong quan hệ có quyền tự do bày tỏ ý chí của mình. Một quan hệ HĐCTTC chỉ được xác lập và có giá trị pháp lý khi các bên thống nhất ý chí với nhau một cách tự nguyện. HĐCTTC đó là HĐDS hay HĐKT thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc này khi tham gia giao kết hợp đồng mới đảm bảo hiệu lực của hợp đồng. Trong trường hợp hai bên ký kết do sự áp đặt ý chí của một cá nhân hay cơ quan tổ chức khác thì việc ký kết đó là không có giá trị pháp lý, tức là bản hợp đồng đó bị xem là vô hiệu. Như vậy, các bên tham gia trong quan hệ cùng nhau thỏa thuận các điều khoản đều xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi của các bên tham
gia. Việc ký kết hợp đồng hay không đó là quyền của các bên tham gia trong quan hệ. Các bên có quyền tự do lựa chọn bạn hàng, tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng tức là tự do thỏa thuận về tài sản thuê, về số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán tiền thuê, tự do thỏa thuận các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng..., tự do lựa chọn thời điểm giao kết hợp đồng. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, về nguyên tắc Nhà nước không được can thiệp trực tiếp vào quan hệ hợp đồng, các bên có quyền tự do giao kết hợp đồng trong khuôn khổ pháp luật để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
Thứ hai, Nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi:
Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng các bên có lợi ích riêng, chẳng hạn trong quan hệ HĐCTTC bên cho thuê muốn tài trợ cho thuê tài sản mang lại lợi nhuận cao bằng cách cho thuê với giá cả cao còn bên thuê thì muốn có tài sản thuê tốt với giá cả thấp. Vì vậy, các bên phải dung hòa ý chí với nhau, phải thống nhất ý chí với nhau để hai bên cùng đạt được mục đích có thể chấp nhận được. Mặt khác, các bên tham gia vào quan hệ CTTC có các quyền và nghĩa vụ nhất định. Các bên phải biết tôn trọng lợi ích của nhau, đó cũng là cơ sở để đảm bảo lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của người khác. Như vậy, trên cơ sở bình đẳng đó là tiền đề đảm bảo cho hai bên cùng có lợi trong giao dịch cho thuê tài chính. Đó cũng chính là nguyên tắc có tính chất nền tảng cho sự tồn tại các loại hợp đồng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Thực tiễn giao kết HĐCTTC, các bên xuất phát từ nhu cầu của mình, trên cơ sở tự do thỏa thuận đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ.
Thứ ba, nguyên tắc không trái pháp luật:
Nguyên tắc này thể hiện các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng có quyền tự thỏa thuận ý chí và thống nhất ý chí, nhưng sự thỏa thuận ý chí đó phải không trái pháp luật, tức là phải phù hợp với quy định của pháp luật, không được vi phạm các điều cấm của pháp luật. Các bên không được lợi dụng quyền tự do ký kết hợp đồng để hoạt động trái pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội và các chủ thể khác. Nếu
các bên thỏa thuận trái pháp luật thì những thỏa thuiận đó sẽ vô hiệu và có thể làm cho hợp đồng đó vô hiệu. Chẳng hạn các bên thỏa thuận cho thuê quá giới hạn cho phép ( quá 30% vốn tự có của Công ty CTTC). Điều này thể hiện sự can thiệp của Nhà nước vào hợp đồng nói chung và HĐCTTC nói riêng. Các bên có quyền tự do kinh doanh, tự do giao kết hợp đồng nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.
Bộ luật dân sự nước ta có quy định hai nguyên tắc giao kết HĐDS tại điều 395 là:
1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội. 2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác trung thực và ngay thẳng.
Trong giao kết HĐCTTC cũng phải tuân thủ các nguyên tắc này. Những quy định trong BLDS đã bao quát được các nguyên tắc giao kết hợp đồng nói chung.
Ngoài các nguyên tắc trên do tính chất đặc thù của HĐCTTC cho nên việc ký kết HĐCTTC còn phải tuân thủ các nguyên tắc khác.
Thứ tư, nguyên tắc cung cấp thông tin chính xác, trung thực:
Đây là một nguyên tắc quan trọng mà khi các bên tham gia ký kết phải tuân thủ. Đây cũng là cơ sở cho việc thực hiện nguyên tắc tự nguyện, các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng không bị lừa dối, đồng thời đây cũng là cơ sở để thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết và qua đó vừa kiểm soát được khách hàng vừa đạt được mục đích của các bên trong quan hệ. Vì một lý do nào đó mà cố tình cung cấp sai thông tin cho bên kia trong quan hệ hợp đồng thì hợp đồng đó không có giá trị pháp lý. Cho nên khi tham gia giao kết hợp đồng đòi hỏi các bên phải tuân thủ nguyên tắc này. Trong thực tế, khi các bên tham gia ký kết hợp đồng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư và thu hồi nguồn vốn của mình bên cho thuê phải có khả năng, trình độ về một số lĩnh vực nhất định liên quan đến hoạt động của khách hàng mới có khả năng thẩm định hiệu quả và bên thuê trong quan hệ cho thuê phải trung thực trong việc cung cấp thông tin chính xác liên quan đến khả năng tài chính và hoạt động của mình. Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này
lợi ích của bên kia sẽ bị xâm phạm. Do vậy, các bên tham gia trong quan hệ HĐCTTC phải tuân thủ nguyên tắc này.
Thứ năm, nguyên tắc phân tán rủi ro:
Đối với HĐCTTC mặc dù sự rủi ro thấp hơn so với các loại hình tín dụng khác nhưng nó cũng mang tính rủi ro và ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống tổ chức tín dụng trong trường hợp không thu hồi được các khoản tiền thuê. Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê ít áp dụng biện pháp bảo đảm. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, pháp luật quy định giới hạn cho thuê đối với một khách hàng không được vượt quá 30% vốn tự có. Quy định như vậy mục đích là không cho thuê quá nhiều đối với một khách hàng vì dễ gây khó khăn trong việc thu hồi vốn trong trường hợp bên thuê không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận. Nguyên tắc này có ý nghĩa đối với sự ổn định trật tự của nền kinh tế.