Phân loại hợp đồng cho thuê tài chính:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng cho thuê tài chính ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật 60 38 50 (Trang 25 - 31)

Về bản chất, HĐCTTC được hiểu đơn thuần là hợp đồng cho thuê vốn, tuy nhiên hoạt động CTTC ngày càng đa dạng và phong phú, nên cần phân loại HĐCTTC để từ đó nhìn nhận rõ hơn bản chất kinh tế của nó, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thiết lập các loại HĐCTTC nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư.

Hiện nay, dựa trên các tiêu chí khác nhau, có rất nhiều cách phân loại HĐCTTC. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ đề cập đến cách phân loại phổ biến và là cơ sở để áp dụng hình thức CTTC đó ở Việt Nam.

Căn cứ vào các bên tham gia HĐCTTC:

* HĐCTTC có sự tham gia của hai bên: Theo phương thức này bên cho thuê sử dụng thiết bị họ đã có sẵn để trực tiếp tài trợ cho bên thuê. Trong trường hợp này bên cho thuê đồng thời là bên cung ứng, thường là nhà sản xuất và là Công ty cho thuê tài chính sử dụng chính tài sản của mình để tài trợ cho bên thuê. Trước thời điểm khởi đầu của sự thoả thuận CTTC, bên cho thuê đã nắm quyền sở hữu tài sản thuê. Nhìn chung, phương thức này thường được sử dụng và thực hiện dưới dạng HĐCTTC có đối tượng là bất động sản. Đối với phương thức cho thuê này có những đặc điểm đặc trưng là: HĐCTTC thường được sử dụng bởi các Công ty xây dựng bất động sản và các Công ty sản xuất máy móc thiết bị thông qua việc đầu tư xây dựng cao ốc, văn phòng ... sau đó ký kết hợp đồng cho thuê với khách hàng.

Chủ thể tham gia trong quan hệ này chỉ có hai bên. Bên cho thuê (đồng thời là nhà cung ứng) và bên thuê. Trong phương thức này cho phép bên cho thuê có thể mua lại thiết bị khi chúng lạc hậu. Về cơ bản, phương thức tài trợ này thường được các nhà sản xuất sử dụng để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra, mặt khác nhờ đó họ luôn cập nhật những công nghệ mới để chế tạo các máy móc thiết bị nên các nhà sản xuất có thể sẵn sàng mua lại những trang thiết bị đã lạc hậu về mặt công nghệ để tiếp tục cung cấp những máy móc thiết bị công nghệ hiện đại do họ chế tạo ra.

Với những phương thức giao dịch này, việc tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài sẽ giải quyết được vấn đề máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại cho đất nước và tránh cho Việt Nam không trở thành nơi phế thải của các máy móc thiết bị sau thời gian sử dụng nhất định.

* HĐCTTC có sự tham gia của 3 bên: Bên cho thuê, bên thuê và nhà cung ứng. ở đây bên thuê có quyền lựa chọn tài sản với bên cung ứng phù hợp với yêu cầu của mình. Đây là loại HĐCTTC được áp dụng phổ biến nhất và có các ưu điểm sau: (i) Việc chuyển giao tài sản được thực hiện trực tiếp giữa nhà cung ứng và bên thuê. Hai bên phải cùng chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng hoạt động của tài

sản, cũng như việc bảo hành, bảo dưỡng tài sản. Như vậy, bên cho thuê trút bỏ gánh nặng về tình trạng hoạt động của tài sản; (ii) Bên cho thuê không phải mua tài sản trước, do vậy vòng quay vốn sẽ nhanh hơn, vì không phải dự trữ hàng tồn kho, hơn nữa bên cho thuê cũng có thể tài trợ cho nhiều đối tượng mà không phụ thuộc vào sản phẩm bên thuê yêu cầu. (iii) Bên cho thuê không phải trực tiếp nhận tài sản rồi sau đó chuyển giao cho bên thuê và như vậy sẽ hạn chế được rủi ro liên quan đến việc nhận hàng của bên thuê nếu có sự nhầm lẫn về mặt kỹ thuật có thể xảy ra.

Hiện nay, trên thế giới phương thức này được áp dụng phổ biến (chiếm 80%). Theo chúng tôi phương thức tài trợ này phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tránh được những rủi ro cho bên thuê (bởi lẽ khả năng chuyên môn của bên cho thuê không thể hoàn hảo trên mọi lĩnh vực để thẩm định tài sản thuê hoặc sản xuất, cung ứng tài sản theo yêu cầu của khách hàng).

Căn cứ vào tổng số tiền thuê trong thời hạn cơ bản.

*HĐCTTC hoàn trả toàn bộ: Trong giao dịch này, tổng số tiền thuê mà bên cho thuê nhận được trong thời hạn cơ bản của hợp đồng đủ bù đắp toàn bộ chi phí mua sắm tài sản, lãi suất vốn tài trợ, các chi phí quản lý cho bên thuê. Với phương thức giao dịch này mang lại những tiện ích cho cả hai bên (cho thuê và đi thuê) nên nó được áp dụng rất phổ biến. Theo thống kê của cơ quan thuế Hoa Kỳ, số lượng hợp đồng theo phương thức này chiếm 90% [45,32]. Phương thức cho thuê tài chính này cũng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam.

*HĐCTTC hoàn trả từng phần: Tức là sau khi kết thúc thời hạn cho thuê, tổng số tiền thu được chưa đủ bù đắp chi phí để thu hồi đủ vốn và đem lại lợi nhuận, người cho thuê cần phải cho thuê tiếp bằng hợp đồng mới. Với phương thức giao dịch này, đưa ra cho người thuê quyền lựa chọn mua tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê tài sản thêm một thời gian khi kết thúc thời hạn cơ bản của hợp đồng.

Như vậy, ta có thể rút ra một số đặc trưng của HĐCTTC hoàn trả từng phần như sau:

- Trong thời hạn cơ bản các bên không có quyền hủy ngang hợp đồng nếu không có sự nhất trí chung.

- Hết thời hạn cơ bản các bên có quyền tự do lựa chọn tiếp tục thuê tài sản đó thêm một thời gian hay mua chúng theo một giá cả hợp lý. Trường hợp tiếp tục thuê thì bên thuê có quyền hủy ngang hợp đồng như thuê vận hành. - Do tính chất của hình cho thuê này, bên cho thuê thường tăng tốc độ

khấu hao, tức là tăng tiền thuê trong thời hạn cơ bản. Đối với hợp đồng thuê loại này khi kết thúc thời hạn cơ bản thì tiền thuê cao hơn, bên thuê cũng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc kết thúc hợp đồng.

- Tiền thu hồi vốn cao trong giai đoạn đầu được đưa vào quỹ phòng ngừa rủi ro [45,34].

Căn cứ vào tính chất của giao dịch CTTC:

*Loại hợp đồng tiếp cận từ phương diện người cho thuê sử dụng sẵn máy móc thiết bị của họ để cho thuê. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất ở các nước phát triển được thực hiện loại cho thuê này như một giải pháp mở rộng doanh số bán hàng.

+HĐCTTC liên kết: Là loại hợp đồng gồm nhiều bên cùng tài trợ cho một bên thuê. Trong trường hợp này do một người cho thuê không đủ vốn để tài trợ hoặc sợ rủi ro vì tập trung vốn quá lớn với một khách hàng, nên họ liên kết với nhau để CTTC. Đối với loại hợp đồng này, tài sản cho thuê thường có giá trị lớn.

Với phương thức cho thuê liên kết, pháp luật Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, đó là hình thức cho thuê hợp vốn quy định tại Thông tư số 08/TT- NHNN ngày 09/06/2001 về hướng dẫn thực hiện NĐ 16/CP (mục 2.2), nhưng những rủi ro đối với loại hợp đồng này là không nhỏ. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, pháp luật Việt Nam đã có quy định đó là giới hạn cho thuê không được vượt quá 30% vốn tự có. Trong phương thức này vừa tạo được lợi nhuận cho kinh doanh đồng thời không bỏ lỡ bạn hàng.

+ Hợp đồng cho thuê bắc cầu: Là trường hợp người cho thuê đi vay để mua tài sản rồi cho thuê, loại cho thuê này thường áp dụng cho những dự án đầu tư lớn. Đây không phải là phương thức cùng tài trợ mà người cho thuê vẫn phải là trái chủ trong quan hệ cho thuê, còn người cho vay là trái chủ của người cho thuê trong quan hệ cho vay. Trong quá trình thực hiện HĐCTTC người cho vay được hoàn trả khoản tiền cho vay từ các khoản tiền thuê và thường là do bên thuê trực tiếp chuyển trả khoản tiền cho vay từ các khoản tiền thuê, sau khi thanh toán hết các món nợ vay bên cho thuê được hưởng những khoản tiền thuê còn lại. Hình thức cho thuê này mở rộng khả năng tài trợ khỏi phạm vi nguồn vốn của người cho thuê.

* Loại hợp đồng tiếp cận từ phương diện người thuê:

- Hợp đồng bán rồi thuê lại: Các doanh nghiệp có thể bán tài sản của họ cho các Công ty CTTC sau đó thuê lại. Đây là trường hợp mà doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để khai thác tài sản cố định hiện có trong hoạt động sản xuất kinh doanh song lại không đủ uy tín để vay vốn ngân hàng, trong trường hợp này họ buộc phải bán một phần tài sản cố định cho ngân hàng hoặc Công ty CTTC, sau đó thuê lại tài sản đó để sử dụng, và như vậy sẽ có nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.

Đặc trưng chủ yếu của loại hợp đồng này là bên thuê giữ lại quyền sử dụng tài sản và chuyển giao quyền sở hữu pháp lý cho bên cho thuê, đồng thời nhận tiền bán tài sản, nhưng tài sản đem bán phải còn giá trị sử dụng hữu ích và giá trị của tài sản đó tuỳ thuộc vào giá cả hợp lý của tài sản đó trên thị trường tại thời điểm diễn ra hoạt động mua bán.

Với đặc thù là các loại hình doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phương thức giao dịch này đáp ứng được nguồn vốn lưu động cho nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay ở Việt Nam khi nguồn vốn kinh doanh còn hạn chế, cơ chế vay vốn Ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Phương thức cho thuê này được hgi nhận trong khoản 3, điều 16, NĐ 16/CP tiếp cận dưới phương diện bên cho thuê nên sử dụng thuật ngữ “mua và cho thuê lại”.

-Hợp đồng cho thuê giáp lưng: Với sự cho phép của người cho thuê, người thuê có thể cho người khác thuê tiếp. Loại hợp đồng cho thuê này được áp dụng trong những trường hợp bên thuê thứ hai cần tài sản muốn đi thuê nhưng không thực hiện trực tiếp từ những người cho thuê chuyên nghiệp - bên Công ty CTTC, do hoạt động yếu kém, do không đảm bảo uy tín hoặc đơn giản chỉ vì doanh nghiệp đó chưa được người cho thuê biết đến. Ví dụ như Công ty CTTC nước ngoài thường chỉ chấp nhận tài trợ cho những công ty lớn của Việt Nam (bên thứ nhất). Hình thức cho thuê này cũng có thể áp dụng trong trường hợp bên thuê thứ nhất khi đã thực hiện một phần hợp đồng, không còn nhu cầu thuê, do đó họ phải tìm đến bên thuê thứ hai để chuyển giao hợp đồng với sự chấp thuận của người cho thuê. Phương thức này giúp bên thuê thứ nhất không bỏ phí tài sản thuê, đồng thời có thể kiếm lời từ bên thuê thứ hai. Bù lại bên đi thuê thứ nhất vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm đối với những rủi ro thiệt hại liên quan đến tài sản thuê vì họ là người trực tiếp ký hợp đồng với bên cho thuê ban đầu. Mặc dù, kể từ thời điểm hợp đồng thuê mới lại được ký kết, mọi quyền lợi và nghĩa vụ và tài sản được chuyển giao sang bên thứ hai.

- Hợp đồng cho thuê trả góp: Đây là phương thức tài trợ khá đặc biệt của CTTC. Thực chất là hình thức mua trả góp tài sản trong khoảng thời gian từ 1 đến 5 năm, được áp dụng đối với người mua có tài sản thế chấp và cả người không có thế chấp.

Theo phương thức này, hợp đồng CTTC có hiệu lực và người mua thường phải trả ngay cho nhà tài trợ một khoản tiền chiếm từ 25% - 30% giá trị tài sản và vào thời điểm kết thúc hợp đồng chủ tài sản sẽ chuyển giao quyền sử dụng cho người thuê, hình thức tài trợ này giúp cho bên cung ứng bán được tài sản của mình và tạo cho bên thuê có ngay tài sản để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải trả ngay những khoản tiền lời.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những bất lợi trong phương thức này đó là tỷ lệ lãi suất thực tế quá cao (thường lên tới 15% /năm) và nguy cơ mất quyền sở hữu tài sản vào thời điểm kết thúc hợp đồng nếu không thực hiện đúng tiến độ thanh toán. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Như vậy, phương thức tài trợ vốn thông qua hình thức cho thuê tài chính có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Các chủ thể tham gia trong hợp đồng cho thuê tài chính có thể lựa chọn cho mình một phương thức phù hợp để đạt được mục đích hoạt động kinh doanh của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng cho thuê tài chính ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật 60 38 50 (Trang 25 - 31)