3.3.2.1 Độc lập
Là tổ chức có một vị trí độc lập, có thái độ công bằng đối với quyền lợi của bất kỳ hộ sử dụng nước nào. Ủy ban lưu vực sông ở nước ta không thể chỉ là một tổ chức tư vấn đơn thuần mà nó cần có một số quyền lực nhất định tương xứng với vai trò điều phối, kiểm soát và giải quyết các xung đột và mâu thuẫn trong sử dụng nước của lưu vực sông.
Sự độc lập của các Ủy ban lưu vực sông cần đảm bảo độc lập cả về thành viên (hạn chế kiêm nhiệm) và về kinh phí hoạt động. Hiện nay, cả Chủ tịch Uỷ ban lưu vực sông lẫn Chánh Văn phòng đều là thành viên kiêm nhiệm, Văn phòng Ủy ban đặt trụ sở tại Tổng cục môi trường, sử dụng kinh phí của Tổng cục để hoạt động vì vậy không đảm bảo tính độc lập của Uỷ ban, các hoạt động đều lệ thuộc vào hoạt động của Tổng cục Môi trường.
Cần phải xác định rõ vị trí, vai trò ra quyết định của Uỷ ban lưu vực sông, đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong mối quan hệ với các ngành và chính quyền địa phương.
3.3.2.2 Có sự phân cấp phân quyền
- Phải thống nhất giữa quản lý lưu vực sông với quản lý công trình thủy lợi để phát triển và điều tiết tài nguyên nước trong lưu vực.
- Phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương
- Xác định rõ trách nhiệm của các Ủy ban lưu vực sông, lưu ý cơ chế phối hợp giữa các Ủy ban cụ thể để đảm bảo hiệu quả quản lý lưu vực sông.
3.3.2.3 Đảm bảo việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin (xây dựng cơ sở dữ liệu)
Việc tổ chức xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin môi trường lưu vực sông là rất quan trọng và cần được triển khai trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện tại, chưa có hệ thống thông tin môi trường lưu vực sông cả ở mức quốc gia cũng như ở mức lưu vực, cũng như chưa có chuẩn thống nhất cho hệ thống thông tin và cơ chế cập nhật thông tin môi trường các lưu vực sông trong cả nước. Một số địa phương nằm trong các lưu vực sông lớn của nước ta hiện nay đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường tại địa phương mình, song các cơ sở dữ liệu và các mô hình quản lý cơ sở dữ liệu này còn chưa thống nhất và đồng bộ giữa các địa phương. Quan trọng hơn nữa là các cơ sở dữ liệu này mới chỉ xây dựng theo ranh giới hành chính (tỉnh/thành phố) mà chưa xây dựng theo ranh giới lưu vực sông, hay ít ra là theo ranh giới tiểu lưu vực. Và cao hơn là giữa các lưu vực đã có cơ sở dữ liệu nhưng lại khác nhau. Hiện nay chưa có bài toán tổng thể và chuẩn thống nhất cho hệ thống thông tin cũng như cơ chế cập nhật thông tin môi trường các lưu vực sông trong cả nước nên các hệ cơ sở dữ liệu này mới chỉ được phát triển một phần, rời rạc. Nhiều thông tin chưa được thu thập và cập nhật. Hệ thống cơ sở dữ liệu cần phải được xây dựng trên cơ sở: nhu cầu về thông tin môi trường lưu vực; dựa vào các nguồn thông tin sẵn có, đồng thời tiến tới hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tìm ra được những lỗ hổng của thông tin nhằm đáp ứng đầy đủ những nhu cầu đa dạng về thông tin của tất cả các đối tượng. Cơ sở dữ liệu phải dễ tìm kiếm, dễ cập nhật và dễ sử dụng. Thông tin môi trường
lưu vực cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: phản ánh trung thực và chính xác các vấn đề môi trường, thông tin được cập nhật thường xuyên liên tục; thông tin được kết nối và chia sẻ giữa các đơn vị cung cấp và sử dụng thông tin, thông tin được phổ cập đến tất cả các đối tượng tuỳ theo nhu cầu sử dụng thông tin của họ.
Xuất phát từ nhu cầu về thông tin chất lượng nước ngày càng trở nên cấp thiết và đa dạng, các Ủy ban lưu vực sông cần xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường thống nhất trên toàn lưu vực. Những thông tin số liệu này không chỉ cung cấp cho các cơ quan nghiên cứu để dự báo diễn biến ô nhiễm nước mà còn cung cấp thông tin để các nhà quản lý tài nguyên nước hoạch định chính sách, chiến lược, xây dựng các hệ thống văn bản pháp chế về khai thác, bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên nước. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu nước trong lưu vực sông là một yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng nước mà các Ủy ban lưu vực sông cần thực hiện. Thông qua đó việc công khai hóa các thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tác động và lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông. Công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý là công cụ hữu hiệu giúp cho các nhà khoa học và quản lý, đặc biệt là các nhà địa lý nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường và nắm bắt thông tin nhanh chóng và đồng bộ trên diện rộng. Phương pháp ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý còn giúp cho các nhà quản lý dễ dàng tiếp cận với sự phát triển của nền tin học hiện nay.
3.3.2.4 Đảm bảo sự tham gia và giám sát của cộng đồng dân cư lưu vực sông
Có sự tham gia đầy đủ của các thành phần liên quan thông qua các đại diện có vị trí tương xứng của họ trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Tăng cường các chính sách đảm bảo cho cộng đồng lưu vực sông thực sự có tiếng nói trong các vấn đề tài nguyên nước và môi trường trên lưu vực.
Khuyến khích sự tham gia của người dân trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển lưu vực sông.
Mở rộng hơn nữa, cộng đồng cần được tham gia vào việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật; được tuyền truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và nhận thức; được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường. Đồng thời được tiếp nhận định kỳ thông tin báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương, các báo cáo chuyền để về môi trường; danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trương nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường; danh mục sinh vật ngoại lai xâm lấn, sinh vật biến đổi gen; kết quả quan trắc các thành phần môi trường.
Bên cạnh đó, cộng đồng cần được tiếp nhận các thông tin không định kỳ về các hoạt động chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; thông tin về các loại chất thải, khối lượng chất thải rắn, lưu lượng nước thải, kết quả quan trắc các thông số môi trường của cơ sở trong quá trình hoạt động...
3.3.2.5 Nguyên tắc phối hợp giữa trung ương và địa phương
Sự đồng thuận giữa các bộ, ngành và địa phương được xem là điều kiện tiên quyết để quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông. Vì vậy, Chính phủ cần quy định một cách rõ ràng chức năng và nhiệm vụ Uỷ ban lưu vực sông để Ủy ban này có quyền hạn và quyền lực thực sự, đủ mạnh để thực hiện chức năng điều phối lưu vực sông hiệu quả. Cần phải xác định rõ vị trí, vai trò ra quyết định của Uỷ ban lưu vực sông, đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong mối quan hệ với các ngành và chính quyền địa phương. Và sự tham gia của các bên liên quan khác trong quản lý lưu vực sông như cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ cũng cần được khuyến cáo.
3.3.3 Chức năng, nhiệm vụ
Vấn đề cần đặt ra là quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban lưu vực sông là nhiều hay ít, đặc biệt là mức độ tham gia trong quản lý nước. Việc xác định các chức năng và nhiệm vụ của các Ủy ban lưu vực sông phải tương xứng với yêu cầu quản lý của lưu vực sông trong thực tế, trong đó chú trọng những yêu cầu cốt yếu. Tùy theo tình hình mỗi thời kỳ mà chức năng của Tổ chức lưu vực sông có thể điều chỉnh cho phù hợp. Trên thực tế, hầu như tất cả các Tổ chức lưu vực sông đều có chức năng lập quy hoạch quản lý lưu vực và theo dõi thực hiện quy hoạch. Chỉ có tổ chức nào quản lý trực tiếp lưu vực sông mới có đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm nhiệm công việc này. Vì vậy, Ủy ban lưu vực sông ở nước ta cũng cần được trao cho chức năng xây dựng Đề án quy hoạch lưu vực sông mình quản lý bởi chính các Ủy ban mới là “người” có đầy đủ thông tin về lưu vực sông hơn cả.
Ngoài ra các Tổ chức lưu vực sông trên thế giới còn có một số chức năng chính khác trong việc tham gia vào quản lý nước cũng như vận hành hệ thống công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước ở các mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu thực tế và hình thức tổ chức của mỗi Tổ chức lưu vực sông. Để thực hiện các nguyên tắc về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông thì Ủy ban lưu vực sông cần được trao chức năng bao quát và giải quyết các vấn đề về quản lý nguồn nước trên toàn bộ lưu vực cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý nhiệm vụ chủ yếu của các Ủy ban lưu vực sông vẫn là xây dựng và phát triển các chiến lược, chính sách, phân chia và điều phối sử dụng nước trong phạm vi lưu vực và ít tham gia trực tiếp vào quản lý vận hành các công trình cụ thể mà việc này thường dành cho hệ thống quản lý nước theo địa giới hành chính đảm nhiệm. Việc các Ủy ban lưu vực sông được tham gia trực tiếp vào việc chỉ đạo, điều phối và kiểm soát việc sử dụng nước trên lưu vực sông sẽ giúp các tổ chức này phát huy vai trò và ảnh hưởng tới phát triển của lưu vực sông đồng thời có thể sử dụng một phần các nguồn thu về thuế, phí tài nguyên
nước … cho các hoạt động thường xuyên của mình.
Các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban lưu vực sông quốc gia do Chính phủ quy định. Chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban lưu vực sông cụ thể do Ủy ban lưu vực sông quốc gia quy định căn cứ trên đặc điểm tình hình thực tế của từng lưu vực sông.
KẾT LUẬN
Xây dựng Quy chế pháp lý là việc làm cần thiết đảm bảo cho các Ủy ban lưu vực sông hoạt động một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để xây dựng được một mô hình tổ chức lưu vực sông hợp lý và một cơ chế hoạt động có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam lại là vấn đề khó khăn, phức tạp. Trong điều kiện thời gian, tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu còn có hạn, luận văn chắc chắn còn có những hạn chế, thiếu sót, tác giả mong muốn nhận được sự giúp đỡ, tham gia đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp để luận văn được hoàn thiện, có giá trị thiết thực trong thực tế. Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng luận văn, tác giả đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ, cung cấp tài liệu, đóng góp ý kiến xây dựng; tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, các thầy, cô giáo, các bạn bè và đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.