1.2.1 .Hệ thống văn bản qui định về công chức cấp xã
2.1.2. Giai đoạn 1959 – 1980
Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn này là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và giải phóng miền, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Tình hình lịch sử và những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng qui định những đặc điểm về chức năng, vai trò, tổ chức và hoạt động của chính quyền nhà nước cũng như pháp luật trong giai đoạn này.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển Hiến pháp 46, Hiến pháp 1959 đã cụ thể hóa nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân, xác định rõ vai trò quan trọng của HĐND các cấp. Pháp luật quy định theo hướng tập trung quyền lực của Nhà nước vào hệ thống các cơ quan dân cử, ở địa phương nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Trong điều kiện hệ thống pháp luật nước ta còn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là thiếu những quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp xã và cán bộ chính quyền cấp xã, Đảng ta đã kịp thời có những văn bản chỉ đạo về xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.
Để tiếp tục củng cố tổ chức, sửa đổi chế độ trợ cấp và lề lối làm việc đối với cán bộ xã, Ban Bí thư đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 11- 01-1962 quy định về tổ chức bộ máy và sửa đổi chế độ trợ cấp đối với cán bộ xã dựa trên một số nguyên tắc như: sửa đổi trợ cấp đối với cán bộ xã phải được tiến hành đi đôi với việc củng cố tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc cùng với việc cải tiến lề lối lãnh đạo của các cấp nhất là cấp tỉnh và huyện đối với cấp xã. Ở chính quyền cấp xã, cần có một số ít cán bộ chuyên trách công tác, thoát ly sản xuất, do nhà nước đài thọ (như Chủ tịch xã..). Số chuyên trách công tác, do Nhà nước hoặc nhân dân đài thọ để cho trách nhiệm của cán bộ được dứt khoát, rõ ràng. Các cán bộ khác của chính quyền cấp xã nên hoạt động thiết thực ở các hợp tác xã, các thôn xóm. Mỗi xã tùy theo khối lượng công tác nhiều hay ít và quy mô của hợp tác xã (toàn xã hoặc quy mô thôn) mà có từ 3-5 cán bộ chuyên trách, thay mặt UBHC giải quyết công việc hàng ngày. Chủ tịch và 1 Phó chủ tịch phân công nhau phụ trách các khối kinh tế tài chính, văn hóa xã hội, nội chính và quân sự; 1 cán bộ phụ trách công việc văn phòng của ủy ban (có thể là ủy viên ủy ban hoặc không). Số lượng cụ thể cán bộ chuyên trách ở mỗi xã do UBHC tỉnh quyết định. Các cấp ủy viên khác trong UBHC, cán bộ trong các ban của chính quyền sẽ được phân công về hoạt
động ở các hợp tác xã, các thôn xóm. Để đảm bảo mọi mặt công tác ở xã, phục vụ tốt cho sản xuất, các ban chuyên môn của chính quyền (văn hóa, dân quân, công an, y tế v.v...) cần ăn khớp với tổ chức của hợp tác xã, các đội sản xuất. Coi trọng việc lựa chọn và bố trí cán bộ cho phù hợp với trách nhiệm và khả năng của từng người. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng giúp đỡ các cán bộ chuyên trách ở xã đi sâu vào công tác, chú ý chuyên môn hóa cán bộ xã làm công tác nghiệp vụ như công an, xã đội, tài chính; tỉnh, huyện phải quản lý chặt chẽ việc điều động số cán bộ này. Đối với công tác của các ngành chính quyền như công an, dân quân, văn hóa, y tế, v.v... do cấp trên đưa xuống phải thống nhất vào UBHC xã. UBHC thực hiện việc quản lý chặt chẽ các cuộc họp trong xã, gây một nề nếp làm việc thiết thực, có chuẩn bị.
Về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã cũng được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 35-NQ/TW theo từng mức, kể cả các phương tiện làm việc và có sự phân biệt cán bộ chính quyền cấp xã ở đồng bằng với vùng rẻo cao.
Năm 1975, chế độ, chính sách đối với cán bộ chính quyền cấp xã được thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Theo Quyết định số 130/CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ; các Thông tư hướng dẫn số 45/BT ngày 23-4-1976 và 196/BT ngày 8-9-1977 của Bộ trưởng phủ Thủ tướng, quy định: số lượng cán bộ chính quyền cấp xã được bố trí từ 5-6 cán bộ chuyên trách, từ 9-10 cán bộ nửa chuyên trách, theo từng chức danh. Việc bố trí số lượng các chức danh cán bộ cụ thể căn cứ vào loại xã và dựa trên các yếu tố về tình hình chính trị, kinh tế, dân số, địa lý do UBND cấp tỉnh quy định. Chế độ sinh hoạt phí của cán bộ chính quyền cấp xã được quy định dựa vào 3 yếu tố: chức danh cán bộ, loại xã, công tác chuyên trách hoặc nửa chuyên trách (mức sinh hoạt phí của cán bộ nửa chuyên trách hưởng bằng 1/2 cán bộ chuyên trách). Ngoài chế độ già yếu khi nghỉ việc, cán bộ chính quyền cấp xã còn được hưởng các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ khen thưởng, chế độ khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe, chế độ trợ cấp khi khó khăn, chế độ mai táng phí, chế độ thai sản và
gửi con vào nhà trẻ (đối với cán bộ nữ)... những trường hợp xét giảm tuổi khi nghỉ công tác (ốm đau, bệnh tật, thời gian tham gia công tác cách mạng…) chế độ hưởng trợ cấp hàng tháng và một số chế độ khác...
Đánh giá qui định của pháp luật về cán bộ làm việc ở cấp xã giai đoạn này có thể thấy pháp luật đã quy định khá cụ thể về tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của cán bộ chính quyền cấp xã, nhằm từng bước sắp xếp bộ máy chính quyền của xã được gọn nhẹ, ổn định. Đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã được quan tâm chuyên môn hóa, một số vị trí công tác của chính quyền xã được xác định rõ nhiệm vụ chuyên môn như công an, văn phòng, văn hóa... Chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã đã được quan tâm. Nhiều chế độ lần đầu tiên được quy định, đặc biệt là chế độ trợ cấp hàng tháng khi nghỉ việc. Chế độ trợ cấp hàng tháng khi nghỉ việc còn được áp dụng hồi tố đối với những trường hợp đã nghỉ trước khi quyết định có hiệu lực, góp phần tạo sự công bằng về mặt chính sách cán bộ.
Bên cạnh những ưu điểm, pháp luật thời kỳ này còn có những hạn chế là ban hành chưa đầy đủ các văn bản pháp luật điều chỉnh nên còn áp dụng các văn bản của Đảng thực hiện thay cho pháp luật. Pháp luật cũng chưa phân biệt vị trí làm việc nào trong chính quyền cấp xã là công chức mà gọi chung là cán bộ. Những hạn chế này ảnh hưởng nhất định đến việc xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.