2.3.3 .Những vấn đề đặt ra cần giải quyết
3.1. Sự cần thiết hoàn thiện pháp luật về công chức cấp xã trong gia
đoạn hiện nay
3.1.1. Yêu cầu của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng những yêu cầu đang đặt ra của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế là một nhân tố mang ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước theo hướng bảo đảm thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong đó có giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức. Tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Do đó hoàn thiện pháp luật về công chức cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ công
chức cấp xã nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
3.1.2. Yêu cầu của cải cách hành chính
Các nước trên thế giới đang thực hiện cải cách chuyển đổi từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính phát triển. Hành chính truyền thống là một hình thức tổ chức hành chính nhà nước mà bản chất thiên về tính cai trị, còn hành chính phát triển là một hình thức tổ chức hành chính nhà nước theo các tiêu chí hiện đại, chủ động, năng động, có tính thích nghi cao với những đặc trưng là gắn bó với thị trường, coi nhân dân là khách hàng, xã hội hóa các dịch vụ công, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý hành chính.
Trong xu thế đó, hiện nay chúng ta cũng đang tiến hành công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Chất lượng cán bộ, công chức hành chính quyết định chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước. Chính đội ngũ này đóng vai trò trung tâm trong quá trình cải cách hành chính. Do vậy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong 03 trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò rất quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa nhân dân với bộ máy nhà nước. Việc thực thi công vụ của đội ngũ này gắn bó mặt thiết với đời sống hàng ngày của người dân, góp phần làm cho nền hành chính thông suốt từ trung ương đến cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy để thực thi thắng lợi công cuộc cải cách hành chính nhà nước cần phải xây dựng đôi ngũ công chức cấp xã chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực, thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về công chức cấp xã.
3.1.3. Yêu cầu của hội nhập quốc tế
Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”. Ngày 05-02- 2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”. Để tham gia tích cực vào quá trình hội nhập, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, phẩm chất, năng lực. Việc hoàn thiện pháp luật về công chức cấp xã giúp cho tuyển dụng quản lý, sử dụng công chức cấp xã có hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.