Quy định của BLTTHS Việt Nam năm 1988 và năm 2003 về

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 31 - 37)

1.4. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của luật TTHS

1.4.2. Quy định của BLTTHS Việt Nam năm 1988 và năm 2003 về

kháng nghị giám đốc thẩm [46, 48]

Về tính chất của giám đốc thẩm: nếu Điều 241 BLTTHS năm 1988 chỉ quy định: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có HLPL nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án” [46], thì Điều 272 BLTTHS năm 2003 quy định: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có HLPL nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án” [48].

BLTTHS năm 1988 không dùng thuật ngữ “có sai lầm” như các văn bản trước đó mà dùng thuật ngữ “có vi phạm pháp luật” là đầy đủ hơn và chính xác hơn. BLTTHS năm 2003 không chỉ quy định “có vi phạm pháp luật” mà còn quy định cụ thể là “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” mới bị

kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, không phải cứ có vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định đã có HLPL là kháng nghị giám đốc thẩm, mà phải là vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án mới bị kháng nghị giám đốc thẩm và vi phạm đó chính là những căn cứ kháng nghị theo quy định tại Điều 273 BLTTHS.

Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm: tại Điều 242 BLTTHS năm 1988 và Điều 273 BLTTHS năm 2003 đều quy định:

Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có HLPL bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS [46, 48].

Các căn cứ kháng nghị nêu trên đều là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng cả về hình thức (thủ tục tố tụng) lẫn nội dung trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trước khi có BLTTHS năm 1988, chưa có văn bản nào đề ra được căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Thông tư số 06-TC ngày 23-7-1964 của TANDTC cũng chỉ quy định: “Những bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có HLPL bị kháng nghị là những bản án hoặc quyết định phát hiện có sai lầm [56], nhưng không nêu cụ thể sai lầm là gì. Tuy nhiên, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, là tiền đề cho việc xây dựng, đề ra các căn cứ kháng nghị nói trên. Đó là một bước phát triển lớn trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về kháng nghị giám đốc thẩm trong TTHS.

Việc phát hiện bản án hoặc quyết định đã có HLPL cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm: nếu Điều 243 BLTTHS năm 1988 quy định: “Người bị kết án, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có HLPL với những người quy định tại Điều 244 Bộ luật này” [46], thì Điều 274 BLTTHS năm 2003 quy định cụ thể hơn “... phát hiện và thông báo cho những người có quyền kháng nghị...” [48]. Như vậy, bất cứ ai cũng có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong các bản án hoặc quyết định đã có HLPL để thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xem xét, quyết định việc kháng nghị bản án hoặc quyết định đó.

Ngoài ra, đối với Tòa án, VKS, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định đã có HLPL thì phải báo cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm biết để xem xét, quyết định có kháng nghị hay không.

Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: theo quy định tại Điều 244 BLTTHS năm 1988 thì những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là:

1. Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có HLPL của Tòa án các cấp; 2. Phó Chánh án TANDTC và Phó Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của Tòa án cấp dưới;

3. Chánh án TAQS cấp cao và Viện trưởng VKSQS Trung ương có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của TAQS cấp dưới;

4. Chánh án TAND cấp tỉnh và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Chánh án TAQS cấp quân khu và Viện trưởng VKSQS cấp quân khu có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của Tòa án cấp dưới [46].

Tại Điều 275 BLTTHS năm 2003 [48] bỏ quy định về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Phó Chánh án TANDTC và Phó Viện trưởng VKSNDTC; ngoài ra, còn quy định bổ sung cụm từ “trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC” vào khoản 1 Điều 275 BLTTHS và cụm từ “theo thủ tục giám đốc thẩm” vào sau các cụm từ “kháng nghị”, thay cụm từ

“Chánh án TAQS cấp cao” thành cụm từ “Chánh án TAQS Trung ương” so với quy định tại Điều 244 BLTTHS năm 1988. Như vậy, BLTTHS năm 2003 quy định chặt chẽ hơn và khẳng định không ai có quyền kháng nghị đối với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Việc tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị: nếu Điều 245 BLTTHS năm 1988 chỉ quy định những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có HLPL có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó [46], thì Điều 276 BLTTHS năm 2003 còn quy định bổ sung là phải gửi quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án cho Tòa án, VKS nơi đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền [48]. Việc quy định bổ sung này là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn kháng nghị giám đốc thẩm, vì nếu quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đã có HLPL không được gửi cho Tòa án, VKS cấp sơ thẩm, cơ quan thi hành án thì những cơ quan này không biết và vẫn thi hành bản án, quyết định đó.

Về thông báo kháng nghị, bổ sung kháng nghị và rút kháng nghị:

BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định về kháng nghị giám đốc thẩm phải nêu rõ lý do và được gửi cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị, Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm, người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị [46, 48]. Theo quy định của BLTTHS năm 1988 thì khi không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện biết rõ lý do; BLTTHS năm 2003 quy định bổ sung là

nếu không có căn cứ kháng nghị thì trước khi hết thời hạn kháng nghị, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho cơ quan, tổ chức, người phát hiện biết lý do của việc không kháng nghị.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 246 BLTTHS năm 1988 thì trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền bổ sung hoặc rút kháng nghị. Tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS năm 2003 quy định thêm là việc bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 278 BLTTHS.

Về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm: BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định về việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có HLPL; còn kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ [46, 48]. Điều 278 BLTTHS năm 2003 còn bổ sung quy định về thời hạn kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự [48].

1.4.3. Quy định của BLTTHS Việt Nam năm 1988 và năm 2003 về kháng nghị tái thẩm [46, 48] kháng nghị tái thẩm [46, 48]

Về tính chất của tái thẩm: BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có HLPL nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án quyết định đó.

Về căn cứ kháng nghị tái thẩm: Điều 261 BLTTHS năm 1988 quy định những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định hoặc lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3. Vật chứng hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật [46].

Ngoài các căn cứ trên, tại Điều 291 BLTTHS năm 2003 còn quy định bổ sung các căn cứ như: biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác bị giả mạo hoặc không đúng sự thật và những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật [48].

Việc thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện: cả BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định người bị kết án, cơ quan, tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho VKS hoặc Tòa án. Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó. Nếu có một trong những căn cứ kháng nghị tái thẩm thì Viện trưởng VKS ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền; nếu không có căn cứ thì Viện trưởng VKS trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết [46, 48].

Về thẩm quyền kháng nghị tái thẩm: BLTTHS năm 1988 và năm 2003 quy định chỉ những người sau đây mới có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, nhưng BLTTHS năm 2003 quy định cụ thể là quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không ai có quyền kháng nghị tái thẩm:

1. Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

2. Viện trưởng VKSQS Trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của TAQS cấp dưới.

3. Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của TAND cấp huyện. Viện trưởng VKSQS cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có HLPL của TAQS khu vực [48].

Giống như thủ tục giám đốc thẩm, những người đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cũng có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị.

Về thời hạn kháng nghị tái thẩm, cả BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định việc tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện; còn tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ [46, 48]. Ngoài ra, BLTTHS năm 2003 còn quy định bổ sung việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự [48].

1.5. Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong luật TTHS một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)