Kháng nghị tái thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 75 - 85)

2.1. Quy định của BLTTHS về kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

2.1.2. Kháng nghị tái thẩm

2.1.2.1. Tính chất của tái thẩm

Theo quy định tại Điều 290 BLTTHS thì “Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có HLPL, nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó” [48].

Như vậy, để xem xét theo thủ tục tái thẩm thì trước hết bản án, quyết định của Tòa án phải có HLPL, nhưng phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó và phải có quyết định kháng nghị tái thẩm của người có thẩm quyền.

Giống như thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm cũng là hoạt động tố tụng xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có HLPL, nhưng về lý do kháng nghị thì khác với thủ tục giám đốc thẩm. Nếu ở thủ tục giám đốc thẩm, bản án hoặc quyết định đã có HLPL bị kháng nghị là do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án thì kháng nghị tái thẩm là do phát hiện những tình tiết mới. Theo quan điểm của Ths. Vũ Gia Lâm thì “các tình tiết mới được sử dụng làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là những “tình tiết” xuất hiện và tồn tại trong chính thời điểm giải quyết vụ án” [26, tr.18]. Chúng tôi không nhất trí với quan điểm này, vì thực tiễn kháng nghị tái thẩm cho thấy có nhiều trường hợp “tình tiết mới” không tồn tại trong quá trình giải quyết vụ án, mà chỉ xuất hiện sau khi bản án đã có HLPL. Ví dụ: Nguyễn Công Viễn nhiều lần bị kết án về các tội danh khác nhau (trong đó có tội bị xử phạt tử hình), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, Viễn phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. Sau khi bản

án có HLPL, Viễn được Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân. Đây là tình tiết mới nên phải kháng nghị tái thẩm về phần quyết định tổng hợp hình phạt, để tổng hợp hình phạt lại (Quyết định tái thẩm số 12/HS-TT ngày 11-10-2012 của Tòa hình sự TANDTC) [53]. Như vậy, việc bị cáo được ân giảm hình phạt tử hình là tình tiết mới, nhưng chỉ xuất hiện sau khi bản án đã có HLPL, không phải trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo tinh thần của quy định trên thì chỉ khi Tòa án không biết những tình tiết mới khi ban hành bản án, quyết định thì mới xem xét theo thủ tục tái thẩm. Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã biết những tình tiết đó, nhưng do nhận thức, đánh giá không đúng về vụ án nên đã ra bản án trái pháp luật, thì đó cũng không phải căn cứ để xem xét, kháng nghị tái thẩm. Ví dụ: A dùng gậy đánh gây thương tích cho B, theo các tình tiết của vụ án thì A chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã có nhận định, đánh giá không đúng về các tình tiết của vụ án nên đã kết án A về tội “Giết người”, là không đúng pháp luật, nhưng đây không phải là căn cứ để kháng nghị tái thẩm, mà là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Mặt khác, những tình tiết mới phải làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án, đó là sự thay đổi về chất như về tội danh, người phạm tội, hay việc áp dụng pháp luật... Trường hợp những tình tiết mới được phát hiện không làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đã có HLPL thì không xem xét theo thủ tục tái thẩm. Ví dụ: khi xét xử Tòa án đã xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án, xử phạt Nguyễn Văn K 05 năm tù về tội “Hiếp dâm” là đúng pháp luật. Sau khi bản án có HLPL, K xuất trình tài liệu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận K là con liệt sỹ. Tuy đây là tình tiết mới nhưng nó không làm thay đổi bản chất của vụ án, mà chỉ làm thay đổi một phần về đường lối xử lý đối với K, nên không phải căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

2.1.2.2. Căn cứ kháng nghị tái thẩm [48]

Tại Điều 291 BLTTHS quy định các căn cứ để kháng nghị tái thẩm, chỉ khi có một trong các căn cứ này và còn thời hạn kháng nghị tái thẩm thì người có thẩm quyền mới có thể kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có HLPL. Sau đây, chúng tôi xin phân tích một số vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng các căn cứ kháng nghị tái thẩm, cụ thể:

Căn cứ thứ nhất: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật

Về lời khai của người làm chứng: hầu hết các vụ án hình sự đều có người làm chứng và lời khai của người làm chứng trong nhiều vụ án là hết sức quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người làm chứng lại khai báo không đúng những tình tiết khách quan của vụ án. Có nhiều nguyên nhân khác nhau như sợ bị trả thù hoặc vì động cơ, mục đích khác dẫn đến việc người làm chứng khai có thể không đúng với sự thật khách quan. Trong thực tiễn xét xử, một số vụ án có nhiều người làm chứng có lời khai không thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn với nhau về cùng một vấn đề, nhưng không phải cứ phát hiện lời khai của người làm chứng không đúng về một tình tiết nào đó của vụ án là kháng nghị tái thẩm, mà chỉ khi phát hiện lời khai không đúng của người làm chứng là điểm quan trọng có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có HLPL mới là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Ví dụ: khi A hiếp dâm B chỉ có anh C là người chứng kiến sự việc. Trong quá trình giải quyết vụ án, A không thừa nhận hành vi hiếp dâm B; tuy anh C chứng kiến sự việc trên, nhưng do sợ bị A trả thù nên anh C đã khai với các cơ quan tiến hành tố tụng là người hiếp dâm B không phải là A mà là người khác, nhưng không biết người này. Do căn cứ vào lời khai của anh C và

không có chứng cứ khác chứng minh A hiếp dâm B, nên Tòa án đã tuyên bố A không phạm tội. Sau khi bản án có HLPL mới phát hiện được lời khai của anh C là không đúng sự thật và từ đó A cũng khai nhận đã hiếp dâm B; đây là tình tiết mới nên phải kháng nghị tái thẩm.

Về kết luận giám định: để có căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội hoặc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, thì kết luận giám định của cơ quan chuyên môn là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Không phải mọi vụ án hình sự đều có kết luận giám định mà chỉ có một số vụ án về một số tội phạm bắt buộc phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn như: kết luận giám định về nguyên nhân chết người, mức độ thương tích trong các vụ án về xâm phạm tính mạng, sức khỏe; hay kết luận giám định về chất ma túy... Nếu sau khi bản án hoặc quyết định đã có HLPL mà phát hiện kết luận giám định có những điểm quan trọng không đúng sự thật, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đó thì phải kháng nghị tái thẩm.

Về lời dịch của người phiên dịch: theo quy định tại Điều 24 BLTTHS thì “Tiếng nói và chữ viết dùng trong TTHS là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch” [48]. Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu bị can, bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác là người nước ngoài hoặc người dân tộc mà họ không sử dụng được tiếng Việt thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm cử người phiên dịch tham gia tố tụng. Lời dịch của người phiên dịch bao gồm cả lời dịch trong quá trình điều tra, truy tố, tại phiên tòa và lời dịch trong các tài liệu hoặc đồ vật có chữ viết không phải là tiếng Việt. Trong trường hợp này lời dịch của người phiên dịch là rất quan trọng để giải quyết đúng đắn vụ án. Tuy nhiên, cũng giống như lời khai của người làm chứng, chỉ khi phát hiện lời dịch không

đúng của người phiên dịch có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có HLPL thì mới kháng nghị tái thẩm.

Căn cứ thứ hai: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai

Trong quá trình giải quyết vụ án, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có thể có những kết luận không đúng về các tình tiết của vụ án, nhưng không phải mọi trường hợp đều kháng nghị tái thẩm, mà “chỉ những kết luận do cố ý có tính chất phạm tội của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân mà khi ra bản án Tòa án không biết được thì mới là tái thẩm” [33, tr.112].

Tuy nhiên, nếu do trình độ, năng lực yếu kém của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dẫn đến có kết luận không đúng về vụ án thì không xem xét theo thủ tục tái thẩm mà xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ví dụ: A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chứng minh về giá trị tài sản mà A đã chiếm đoạt, mà không có tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi gian dối của A, nhưng Tòa án vẫn kết án A về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi bản án có HLPL mới phát hiện ra sai lầm trên. Trong trường hợp này, do Điều tra viên, Kiểm sát viên, đặc biệt là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã không nhận thức đúng về các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng, nên không phải căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Theo chúng tôi, cần bỏ căn cứ kháng nghị tái thẩm này, vì trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã cố ý hay do trình độ yếu kém nên đã có kết luận không đúng về vụ án. Vì thế, quy định này rất dễ gây nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

quy định tại khoản 2 Điều 273 BLTTHS; mặt khác, thông thường nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm có kết luận không đúng thì sẽ dẫn đến “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” và đây là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Căn cứ thứ ba: Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật

Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội” [48]. Việc thu thập và bảo quản vật chứng phải theo đúng quy định tại Điều 75 BLTTHS. Về chủ thể giả mạo vật chứng có thể là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc các cơ quan, tổ chức xã hội và mọi công dân. Việc đưa vật chứng giả mạo vào hồ sơ vụ án có thể do cố ý hoặc vô ý của những người trên, làm cho Tòa án không biết dẫn đến việc kết luận sai về vụ án.

Ví dụ: A bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”; tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình kết quả giám định của cơ quan chuyên môn kết luận khi thực hiện hành vi phạm tội, A bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Tòa án không tiến hành kiểm tra cụ thể và đã căn cứ vào kết quả giám định này để tuyên bố A không phạm tội. Sau khi bản án có HLPL, cơ quan chức năng mới phát hiện kết quả giám định do luật sư xuất trình là tài liệu giả; đây là tình tiết mới của vụ án nên phải kháng nghị tái thẩm.

Mặt khác, theo quy định của BLTTHS thì trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, một số hoạt động tố tụng bắt buộc phải được lập biên bản, theo đúng trình tự, thủ tục và thành phần tham gia như: biên bản khám nghiệm

hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, biên bản thu thập vật chứng, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản hỏi cung bị can, biên bản đối chất, biên bản phiên tòa... Nếu sau khi bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có HLPL mới phát hiện ra biên bản về các hoạt động tố tụng nói trên hay những tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đó thì phải kháng nghị tái thẩm.

Căn cứ thứ tư: Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật

Đây là quy định mở để dự liệu cho những tình tiết mới khác có thể phát sinh, nhưng không thuộc một trong những căn cứ kháng nghị tái thẩm nêu trên. Tuy nhiên, chỉ có những tình tiết mới khác có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đã có HLPL mới là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Thực tiễn kháng nghị tái thẩm cho thấy, một số trường hợp sau khi bản án có HLPL mới phát hiện ra người bị kết án đã nhận tội thay cho người khác nên phải kháng nghị tái thẩm. Ví dụ, vụ án Nguyễn Khanh bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại tỉnh Gia Lai. Sau khi xét xử phúc thẩm, Khanh có đơn khiếu nại cho rằng người điều khiển xe ô tô gây tai nạn làm 02 người bị chết là Dương Công Thành và Thành cũng khai nhận việc này. Sau khi tiến hành xác minh, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án phúc thẩm và tại Quyết định tái thẩm số 05/2009/HS-TT ngày 11-5-2009, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại [53].

Có trường hợp, trong quá trình giải quyết vụ án, bị can, bị cáo đã mạo danh tên của người khác hoặc khai báo không đúng về lý lịch cá nhân của mình, mà các cơ quan tiến hành tố tụng không biết và đã xác định không đúng về lý lịch tư pháp của người bị kết án; sau khi bản án có HLPL mới phát hiện

ra. Ví dụ: vụ án Lê Thị Hết bị kết án về tội “Cướp tài sản”. Sau khi bị bắt giữ Hết khai tên và lý lịch của chị Lê Thị Tuyết Hoa. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng không biết việc này nên đã khởi tố, truy tố và kết án Hết về tội “Cướp tài sản” theo tên và lý lịch của chị Lê Thị Tuyết

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 75 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)