Một số tồn tại trong công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 90 - 94)

2.2. Thực tiễn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

2.2.2. Một số tồn tại trong công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Thứ nhất, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chiếm tỷ lệ thấp trong số bản án, quyết định hình sự đã có HLPL.

Từ năm 2009 đến năm 2013, có tổng số 362.115 vụ với 614.558 bị cáo đã được xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng chỉ có 1.089 vụ (chiếm khoảng 0,3%) với 1.845 bị cáo bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án, quyết định về hình sự đã có HLPL (do biểu mẫu của TANDTC và VKSNDTC không thống kê số liệu về bản án, quyết định của Tòa án đã có HLPL, nên chúng tôi lấy số liệu đã xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm làm số liệu tương đối về bản án, quyết định đã có HLPL). Một số Tòa án và VKS cấp tỉnh có kháng nghị giám đốc thẩm về hình sự rất ít, thậm chí có năm không kháng nghị giám đốc thẩm được vụ án nào. Ví dụ: theo số liệu thống kê của TAND thành phố Hải Phòng thì năm 2010 Chánh án TAND thành phố Hải

Phòng chỉ kháng nghị giám đốc thẩm được 02 vụ án hình sự, còn các năm 2009, 2011 và 2012 đều không có kháng nghị giám đốc thẩm về hình sự; đối với Viện trưởng VKSND thành phố Hải Phòng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2009 là 02 vụ, năm 2010 là 0 vụ, năm 2011 là 01 vụ và năm 2012 là 01 vụ. “Từ năm 2001 đến năm 2004, cả TAND và VKSND tỉnh Bắc Ninh đều không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự nào” [30, phụ lục 19]. Tình trạng ở VKSND cấp tỉnh hàng năm không có kháng nghị giám đốc thẩm diễn ra khá phổ biến, cụ thể “năm 1999 có 19 VKS, năm 2000 có 26 VKS, năm 2001 có 17 VKS, năm 2003 có 26 VKS không có kháng nghị giám đốc thẩm” [Dẫn theo 37, tr.72].

Như vậy, công tác kháng nghị giám đốc thẩm ở Tòa án, VKS các cấp nói chung chưa đạt yêu cầu. Trên thực tế, có thể còn nhiều bản án, quyết định đã có HLPL có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không được phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời nên không còn thời hạn để kháng nghị giám đốc thẩm.

Thứ hai, chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tuy dần dần đã được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều kháng nghị chưa đảm bảo các căn cứ kháng nghị, nên số kháng nghị không được Hội đồng giám đốc thẩm hoặc Hội đồng tái thẩm chấp nhận còn cao. Theo số liệu thống kê của TANDTC thì từ năm 2009 đến năm 2013, Hội đồng giám đốc thẩm và Hội đồng tái thẩm đã không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị đối với 153 bị cáo trong số 1.470 bị cáo có kháng nghị và đã xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (chiếm tỷ lệ 10,4%); có 61 trường hợp bị rút kháng nghị (chiếm tỷ lệ 4,2%) [58-62]. Những kháng nghị giám đốc thẩm không được chấp nhận hoặc bị rút trước khi mở phiên tòa giám đốc thẩm đa phần là của Viện trưởng VKS; còn “hầu hết các kháng nghị của Chánh án TANDTC và Chánh án TAND cấp tỉnh đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận” [1, tr.12].

Một số trường hợp khi xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và bộ phận tham mưu, giúp việc đã không kiểm tra cụ thể việc thi hành bản án, quyết định đã có HLPL đang được xem xét kháng nghị; vì thế, có một số trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo hướng miễn hình phạt, giảm hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo, nhưng khi kháng nghị thì bị cáo đã chấp hành xong hình phạt hoặc bị cáo đã được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn, nên phải rút kháng nghị và trong các trường hợp này mục đích của kháng nghị là không đạt được. Ví dụ: vụ án Nguyễn Văn Hưng cùng đồng phạm bị kết án về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (Quyết định giám đốc thẩm số 23/2007/HS-GĐT ngày 07-8-2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) [53].

Thứ ba, việc phân biệt căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm với căn cứ kháng nghị tái thẩm cả về mặt lý luận và thực tiễn thi hành còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc phân biệt căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” với căn cứ kháng nghị tái thẩm “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai” trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, vì thông thường những người tiến hành tố tụng trên mà có kết luận không đúng thì có thể dẫn đến hậu quả là “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”; hoặc phân biệt căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử” với căn cứ kháng nghị tái thẩm “Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật” trong một số trường hợp cũng rất khó, vì những biên bản, tài liệu trên bị giả mạo hoặc không đúng sự thật cũng có thể là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Thứ tư, công tác phát hiện vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có HLPL còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê của Tòa hình sự TANDTC thì từ năm 2009 đến năm 2013, TANDTC thụ lý tổng số là 4.869 đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định về hình sự đã có HLPL, nhưng chỉ có 73 vụ án có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (chiếm tỷ lệ 1,5%). Như vậy, chất lượng công tác phát hiện các vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định đã có HLPL qua các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là còn rất hạn chế. Hầu hết các đơn đề nghị giám đốc thẩm là của các đương sự trong vụ án hình sự hoặc của người thân của họ đề nghị xem xét lại vụ án, nhưng không ít trường hợp do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên họ không đưa ra được một trong các căn cứ kháng nghị để người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, sau khi nghiên cứu đơn và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, người có thẩm quyền kháng nghị đã có trả lời đơn cho người phát hiện, với nội dung là không có căn cứ để kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có HLPL bị khiếu nại. Nhưng sau đó, người có thẩm quyền lại kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm đối với chính bản án, quyết định đã có HLPL đó và Hội đồng giám đốc thẩm hoặc Hội đồng tái thẩm đã hủy bản án, quyết định đã có HLPL, đình chỉ vụ án và tuyên bị cáo không phạm tội.

Thứ năm, công tác kiểm tra các bản án, quyết định đã có HLPL chưa toàn diện.

Trong công tác giám đốc thẩm, cả Tòa án và VKS phải có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ bản án, quyết định đã có HLPL, nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án thì phải kháng nghị giám

đốc thẩm. Trên thực tế, việc kiểm tra các bản án, quyết định về hình sự đã có HLPL chưa triệt để, nhất là những vụ án mà không có khiếu nại của những người tham gia tố tụng trong vụ án hoặc kiến nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước đề nghị xem xét lại vụ án. Theo số liệu thống kê về tình hình kiểm tra các bản án đã có HLPL thì “trong 05 năm (1999-2003), ở VKSNDTC số lượng vụ án đã kiểm tra chiếm khoảng 49,97%; số vụ chưa kiểm tra chiếm khoảng 50,03%” [30, tr.109]. Như vậy, số vụ án đã có HLPL nhưng không được kiểm tra còn rất lớn, chiếm khoảng 1/2 số vụ án đã có HLPL, nên có thể nhiều vụ án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không được phát hiện để kháng nghị giám đốc thẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam .04 (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)