3.1 TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG VÀ QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT
3.1.1 Tình hình tranh chấp ở biển Đông
Biển Đông hay còn gọi là biển Nam Trung Hoa (The South China Sea), nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương. Đây là một biển nửa kín được bao bọc bởi thềm lục địa Châu Á và bờ biển phía Đông bán đảo Macca về phía Tây, đảo Đài Loan, quần đảo Philippin và đảo Kalinmatan về phía Đông. Biển Đông được bao bọc bởi lục địa Trung Quốc, bán đảo Đông Dương, lục địa Thái Lan và các quần đảo Malayxia, Inđônêxia, Philippin. Diện tích biển Đông vào khoảng 3.447.000 Km2 (648.000 Hải lý vuông), chiều dài khoảng 1.900 hải lý, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 600 hải lý, độ sâu trung bình 1.149m . Hai vịnh lớn ở Biển Đông đó là vịnh Thái Lan và vịnh Bắc Bộ, mặc dù là biển khá kín nhưng cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Vì vậy Biển Đông đóng một vị trí quan trọng trong tuyến đường hàng hải Quốc Tế.
Địa hình đáy Biển Đông là dạng đáy vực thẳm sâu hình quả trám dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với vỏ trái đất, với độ sâu lớn nhất là 5.016 Km. Phía Nam và phía Bắc của khu vực thẳm sâu này nằm trên rìa lục địa với các đảo đá nằm trải dài tạo nên hai nhóm đảo lớn Hoàng Sa (paracels) và
Trường Sa (Spatly). Thềm lục địa phía Tây Bắc và Phía Bắc Biển Đông chạy men theo bờ biển từ eo biển Đài Loan đến vịnh Bắc Bộ, nơi mở rộng ra khoảng 150 hải lý. Khu vực Tây Nam Biển là một trong những thềm lục địa rộng nhất trên thế giới đó là thềm lục địa Sunda bao gồm vùng biển nằm giữa đảo Sumatra, Tava, Kali Manta, vịnh Thái Lan và lục địa Châu Á, một phần biển Tava và eo biển Malacca. [30]
Toàn bộ thềm lục địa Biển Đông được bao phủ bởi một lớp trầm tích đệ tam dày, với các khu vực có tiềm năng dầu khí cao như bồn trũng Brunei - Saba, Sanawak, Malay, pattiali Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang [30]. Tổng quan theo dự đoán hiện nay, Biển Đông chứa một khối lượng dầu và khí được quy đổi theo dầu là 3.000 triệu thùng. Bên cạnh đó, tài nguyên sa khoáng cũng chiếm một phần đáng kể như Titan, Zircon, thiếc, vàng, đất hiếm. [30]
Do đặc điểm kiến tạo khu vực với các đảo đá, bãi cát cùng nhiều vũng, vịnh, hang động đã cho phép phát triển nhiều loại hình du lịch tại khu vực biển Đông như nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, tắm biển, thắng cảnh, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, lặn biển ...
Với một vị trí đặc biệt trong tổng vùng địa động vật Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương như nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Đông Nam Châu Á, là trung tâm liên hệ trực tiếp với dòng nước nóng Bắc Xích Đạo, Thái Bình Dương... Biển Đông có một hệ sinh thái khổng lồ với nguồn hải sản vô cùng phong phú như cá, tôm, cua, trai tảo... đem lại lợi ích kinh tế cao. Có khoảng 2.000 loài cá ở đây với sản lượng đánh bắt hàng năm đạt đến hơn 7 triệu tấn, chiếm 10% sản lượng đánh bắt của thế giới... Xung quanh Biển Đông là hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, trung bình cung cấp trên 50% chất hữu cơ làm nguồn thức ăn cho các loài sinh vật biển và ở các cửa sông. [35]
Với một tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, Biển Đông đã và đang là đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí còn thu hút sự quan tâm của cả các cường quốc lớn trên thế giới.
Đặc biệt, khi Công ước Luật biển 1982 ra đời thì sự kiện này đã mở ra những cơ hội mới cho nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và các quốc gia trong khu vực biển Đông nói riêng, đồng thời nó cũng tạo ra những thách thức lớn cho các quốc gia ven biển trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường..., trong đó nổi cộm vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Biển Đông luôn là điểm nóng chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột, vừa có tính khu vực vừa mang tính quốc tế. Tranh chấp ở đây luôn phức tạp bởi số lượng nhiều quốc gia, bởi tính không rõ ràng của các tư liệu lịch sử, bởi sự vận dụng khác nhau luật pháp quốc tế..v.v.
Bên cạnh các dạng tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới khu vực chồng lấn như khu vực chồng lấn Thái Lan - Việt Nam; Campuchia - Thái Lan; Thái Lan - Malayxia - Việt Nam; Việt Nam - Malayxia... Một dạng tranh chấp khác, phức tạp hơn, khó giải quyết hơn đó là tranh chấp liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một số nước láng giềng đã tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng là Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này đã làm xuất hiện một loạt các vấn đề liên quan khác như vấn đề xác định phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa...
Tranh chấp trên Biển Đông không những phức tạp bởi số lượng nhiều tranh chấp, bởi tính đa phương của tranh chấp mà còn bởi diễn biến khó lường của tình hình tranh chấp. Diễn biến này có thể chia làm 3 giai đoạn chính: Trước năm 1974; Từ năm 1974 đến năm 1999 và từ năm 1999 đến nay. [8]
- Trước năm 1974, trên Biển Đông tình hình tương đối ổn định, không có xung đột tranh chấp lớn trên biển.
- Từ năm 1974 đến năm 1999 đã có nhiều tranh chấp nảy sinh, quan hệ giữa các nước liên quan đến hai quần đảo trở nên rất nhạy cảm và dễ bùng nổ.
- Từ năm 1999 đến nay, tình hình tạm thời đi vào ổn định hơn, quan hệ giữa các nước tranh chấp liên quan được cải thiện, đặc biệt là quan hệ của các nước ASEAN và Trung Quốc, xu thế hợp tác, hoà bình ngày càng được nhiều quốc gia ủng hộ và nó có tác động tích cực đến thái độ và cách cư xử của các bên tranh chấp.
Mặc dù vậy, tại đây vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột bất ổn. Các hoạt động củng cố yêu sách chủ quyền của mỗi nước vẫn đang diễn ra khá quyết liệt, các nước liên quan luôn tìm cách mở rộng và củng cố sự có mặt của mình ở Trường Sa bằng một loạt các hành động như di dân ra đảo, xây dựng công trình trên đảo, thăm dò, khảo sát tài nguyên, nghiên cứu khoa học biển...
Thêm vào đó các quốc gia hữu quan còn tích cực đẩy mạnh công tác lập pháp để từng bước thiết lập và khẳng định yêu sách của mình trên Biển Đông. Thực tế, hầu hết các nước trong khu vực đều đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nhiều luật liên quan đến biên giới, lãnh thổ đã được các nước xây dựng. Các cuộc Hội nghị họp bàn về những vấn đề như cơ sở, giải pháp xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, về khả năng thay đổi hệ thống đường cơ sở... đã được nhiều nước quan tâm.
Hàng năm, trên Biển Đông còn diễn ra các cuộc tập trận của các nước như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Niu Di Lân... với hầu hết các nước trong khu vực như Thái Lan, Brunây, Xingapore, Malayxia... [8]. Một số nước còn tổ chức tập trận có sử dụng máy bay trinh sát chiến lược, tàu ngầm... với mục tiêu giả định đổ bộ đánh chiếm đảo.
Trước thực trạng tranh chấp trên Biển Đông như thế, các nước trong khu vực ASEAN đã kêu gọi các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế về biển và tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin. Ngày 04-11- 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và cam kết từng bước tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển. Có thể thấy các quốc gia trong khu vực đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc tìm kiếm con đường hợp tác nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.