2.3. KHAI THÁC CHUNG HỖN HỢP
2.3.1 Thỏa thuận Ghinê Bitxao Xênêgan ngày 14-10-1993
Năm 1960 thỏa thuận về biên giới giữa chính quyền thuộc địa Pháp và Bồ Đào Nha đã phân định biên giới lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và thềm lục địa giữa Ghinê Bitxao và Xênêgan. Tuy nhiên, vấn đề phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế lại chưa được đề cập đến trong bản thỏa thuận của hai chính quyền thuộc địa khiến hai quốc gia là Ghinê Bitxao và Xênêgan phải tiếp tục đàm phán để giải quyết việc phân định. Trong khi chưa đến được đích cuối cùng là phân định, hai bên đã tìm đến một giải pháp tạm thời đó là khai thác chung. Ngày 14 tháng 10 năm 1993 hai nước đã cùng ký kết một thỏa thuận chung về quản lý và hợp tác. Thỏa thuận này đã xác định một vùng biển chung giữa hai quốc gia bao trùm lên đường 2400
tạo thành hình giẻ quạt có góc 480
với đường kính tâm là 200 hải lý tính từ tâm là mũi Rox.[45]
Vùng biển chung này được hai quốc gia thống nhất khai thác nguồn lợi về cá và các tài nguyên của thềm lục địa. Theo đó nguồn lợi về cá được chia đều cho hai bên, còn các tài nguyên khác khai thác được ở thềm lục địa thì được chia theo tỷ lệ 85% cho Xênêgan và 15% cho Ghinê Bitxao. Tuy nhiên, điều 2 của thỏa thuận cũng quy định nếu phát hiện thêm các nguồn tài nguyên mới thì tỷ lệ này có thể xem xét lại.[45]
Để dễ dàng cho việc thực thi Hiệp định, thỏa thuận quy định luật áp dụng tùy theo từng lĩnh vực cụ thể hết sức rõ ràng. Với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các tài nguyên khoáng sản và dầu khí, kiểm soát và nghiên cứu khoa học biển trong vùng sẽ áp dụng luật của Xênêgan, còn đối với hoạt động khai thác nguồn lợi cá thì áp dụng luật của Ghinê Bitxao (điều 24, khoản 2).
Trong lĩnh vực phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu khí, hai bên đã thiết lập nên một cơ quan quản lý và hợp tác với chức năng như nghiên cứu địa chất, các hoạt động khoan thăm dò, thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các tài nguyên khoáng sản và dầu khí... Bên cạnh đó cơ quan này còn có chức năng kiểm soát việc khai thác hợp lý tài nguyên của vùng, hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực an toàn, bảo vệ môi trường biển, kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển v.v.
Yêu sách đơn phương của các bên đối với vùng chưa được phân định cũng không được đề cập đến trong bản thỏa thuận. Điều này cũng giống như nhiều thỏa thuận khai thác chung khác đó là vẫn bảo lưu yêu sách của mỗi bên đối với khu vực tranh chấp chưa phân định. Hiệu lực của thỏa thuận là 20 năm, hết thời gian này các bên sẽ tiếp tục đàm phán, thỏa thuận để phân định vùng đặc quyền kinh tế, trong trường hợp không đạt được kết quả phân định
thì hai bên sẽ thống nhất đem vấn đề ra giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án quốc tế .
Thỏa thuận Ghinê Bitxao - Xênêgan ngày 14 - 10 - 1993 là thỏa thuận khai thác chung không chỉ đối với dầu khí mà còn đối với cả tài nguyên sinh vật biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường. Qua đó cho thấy, khai thác chung đã được triển khai nhân rộng và phát triển dưới nhiều dạng hết sức phong phú, trong đó thỏa thuận trên cũng là một điển hình.