1.5. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC KHAI THÁC CHUNG
1.5.2 Các điều ƣớc quốc tế
a. Điều ước quốc tế đa phương:
Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 có những quy định làm cơ sở pháp lý cho việc khai thác chung những vùng tranh chấp. Theo khoản 3 điều 74 và điều 83 của Công ước:
"Trong khi chờ đợi ký các thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không để phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm
thời không làm phương hại đến việc hoạch định cuối cùng".
Sự phát triển của luật biển quốc tế mà cụ thể là Công ước Luật biển 1982 dẫn đến trong thực tiễn đã hình thành các khu vực chồng lấn giữa hai hay nhiều quốc gia. Các quốc gia có thể sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực tranh chấp cho đến khi có được một sư phân định rõ ràng, hoặc có thể cứ đơn phương khai thác tài nguyên, tiến hành các hoạt động mà không cần sự đồng ý của quốc gia liên quan. Tuy vậy, đây là một cách ứng xử hết sức nguy hiểm, không phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
Công ước Luật biển 1982 đã đem đến cho các quốc gia một sự lựa chọn tích cực bằng việc đưa ra những quy định mở, đó là: "Các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn ". Trên thực tế, các bên đã cùng lập ra vùng khai thác
chung và đây được coi là các dàn xếp tạm thời được sử dụng rộng rãi nhất. Bằng lựa chọn này các bên có thể vượt qua được những tranh chấp, bất đồng, tạm gác tranh chấp lại và tạo điều kiện thúc đẩy việc hợp tác khai thác tài nguyên trong giai đoạn chuyển tiếp. Công ước cũng khẳng định "Các dàn xếp
tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng ", các bên liên quan
vẫn có thể khẳng định và duy trì liên tục yêu sách của mình trong khu vực chồng lấn đó. Và một điều tất yếu là khi vấn đề tài nguyên, lợi ích kinh tế đã được giải quyết thoả đáng thì việc phân định ranh giới khu vực đó cũng trở nên hết sức đơn giản.
b. Điều ước quốc tế song phương:
Nếu như Công ước Luật biển 1982 là sự thể hiện tổng quan cơ sở pháp lý của việc khai thác chung thì các Điều ước quốc tế song phương lại cụ thể hoá Công ước Luật biển 1982 với các nội dung chi tiết làm tiền đề, cơ sở cho các bên trong việc thực thi khai thác chung.
Thực tiễn đã có rất nhiều quốc gia tiến hành khai thác chung, không chỉ ở những khu vực biển đang có tranh chấp không thể giải quyết ngay mà còn ở cả những khu vực có đường biên giới đã xác định. Ví dụ: Thoả thuận Nhật Bản - Hàn Quốc (30/01/1974), Malayxia - Thái Lan (21/02/1979) ở khu vực đường biên giới chưa được xác định, hay như thỏa thuận Aixơlen - Na uy(22/10/1981) nơi có đường biên giới đã xác định.
Các điều ước quốc tế song phương trên thực tế là hết sức phong phú, đa dạng và với các nội dung cũng rất khác nhau. Nhưng tựu chung lại thì vẫn bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong hoạt động khai thác chung. Và khi điều ước đó đã có hiệu lực thì các bên liên quan cần phải tự nguyện thực hiện đầy đủ các cam kết đã được quy định trong điều ước.
Có thể nhận thấy, điều ước quốc tế song phương là cơ sở pháp lý quan trọng và cụ thể nhất quy định hoạt động khai thác chung giữa các nước, đó cũng là sự thể hiện sinh động nhất về thực tiễn phong phú của các dạng khai thác chung trên thế giới.