3.1 TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG VÀ QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT
3.1.2. Quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp
Quan điểm cơ bản và nhất quán của Nhà nước Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia láng giềng là bằng con đường hòa bình thông qua đàm phán, thương lượng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tìm ra giải pháp công bằng cho các bên liên quan.
Ngay tại mục 7 của Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh thổ, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõ: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải
quyết các vấn đề về vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.”
Nghị quyết của Quốc Hội Việt Nam ngày 23/1/1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng nêu rõ:
“ .... Chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982,
tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản về lâu dài, các bên liên quan cần duy trì và ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình
hình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”.
Không chỉ có vậy, Chính phủ Việt Nam cũng luôn thể hiện quan điểm chủ trương trên tại các Hội nghị quốc tế như Hội nghị tổ chức ở Bali từ ngày 22 đến ngày 24/7/1990, ở Băng Đăng từ ngày 15 đến ngày 18/7/1991, ở Yogyharta ngày 29/6/1992, ở Surabaya từ ngày 23 đến ngày 25/8/1993, ở Bunkitingi năm 1994.v.v. Đó là:
1. Việt Nam cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
với các nước khác trong quan hệ quốc tế.
2. ...
3. Tiến hành hợp tác trong khu vực [48]
Ngày 20/4/1995, tại Tokyo Tổng Bí Thư Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chính thức phát biểu: “Chính sách của Việt Nam là giữ nguyên hiện trạng hiện nay để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này mà không sử dụng vũ lực”.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang cố gắng, nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam và các nước láng giềng đã và đang tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới biển, vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến nay, Việt Nam đã ký được thỏa thuận về hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn với Malayxia (1992), Hiệp định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia (1982), Hiệp định về hoạch định biên giới biển với Thái Lan (1997) với Trung Quốc
(2000) và với Inđônêsia (2003). Cho dù vẫn còn những bất đồng về quan điểm trong quá trình đàm phán giải quyết các tranh chấp đang tồn tại, nhưng với tinh thần thiện chí hợp tác, mềm mỏng nhưng cương quyết Việt Nam cùng các nước đang dần từng bước đi đến đích cuối cùng là giải quyết các tranh chấp bất đồng vì lợi ích của mỗi quốc gia, vì sự ổn định, hòa bình và an ninh của khu vực.