Ngày nay, cùng với việc mở rộng những hiểu biết về biển, con người đã nhận thức được vai trò thiết yếu của biển trong mối liên hệ trực tiếp đối với mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội... Điều đó đã góp phần thúc đẩy các quốc gia không ngừng tìm cách để mở rộng thẩm quyền của mình ra biển, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp về chủ quyền giữa các quốc gia ven biển. Lợi ích kinh tế thu được từ các mỏ dầu khí, các mỏ khoáng sản hay nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã khiến các quốc gia tìm mọi cách để thể hiện những yêu sách của riêng mình, và cũng bằng mọi cách để có thể chiếm được nhiều tài nguyên nhất. Điều này đã góp phần làm phát sinh thêm tranh chấp cũng như khiến những tranh chấp vốn đã phức tạp thì nay lại càng phức tạp hơn. Thêm vào đó, với sự phát triển của Luật biển Quốc tế mà cụ thể là sự ra đời của Công ước Luật biển năm 1982, bên cạnh những lợi ích mà Công ước đem lại thì nhiều vấn đề cũng đã phát sinh trong
đó có vấn đề nảy sinh tranh chấp mới và khả năng giải quyết tranh chấp trên biển. Các tranh chấp về chủ quyền không chỉ đơn thuần là tranh chấp giữa hai quốc gia mà nó đang có xu thế đa phương hoá. Các vùng lãnh thổ, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... đều có thể là khách thể của các cuộc tranh chấp.
Trong khi các tranh chấp xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến hết sức phức tạp thì nhu cầu khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế cũng không ngừng gia tăng đã thúc đẩy các quốc gia tìm tòi và mở rộng phạm vi khai thác tài nguyên. Vì vậy, bất kỳ khu vực tranh chấp về chủ quyền nào mà lại chứa đựng tài nguyên đều khiến cho tranh chấp thêm phần gay gắt và quyết liệt.
Năm 1969 Uỷ ban kinh tế miền Viễn Đông Châu Á của Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo điều tra tuyên bố rằng thềm lục địa giữa Nhật Bản và Đài Loan là một vùng chứa dầu mỏ phong phú nhất thế giới, kết quả đó đã làm tăng nhanh tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia hữu quan, tạo ra một cuộc chiến tranh dầu mỏ thềm lục địa Đông Bắc Á. [5, Tr.3]
Trên thế giới hiện nay, một lựa chọn được đông đảo các quốc gia ủng hộ đó là mưu cầu giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng con đường hoà bình. Trong khi các quốc gia chưa thể đạt đến đích cuối cùng của mình là phân định rõ ràng biên giới giữa họ thì việc để một tranh chấp kéo dài có thể làm phát sinh những tranh chấp, bất đồng mới ảnh hưởng đến quan hệ giữa các bên liên quan. Vì vậy, nhiều quốc gia đã đi tìm những cách ứng xử cho các trường hợp trên với mục đích vừa làm dung hòa lợi ích các bên, vừa làm xoa dịu tranh chấp và lại không trái với luật pháp quốc tế. Trên thực tế các quốc gia thường tìm đến một giải pháp tạm thời đó là khai thác chung, đây được coi là giải pháp mang tính khả thi cao, thông qua con đường hoà bình nhằm góp phần giải quyết hoặc làm dịu đi những tranh chấp, bất đồng quốc tế.
Như vậy là khai thác chung đã được các quốc gia lựa chọn trước hết với vai trò như là một giải pháp nhằm làm “loãng” đi một số tranh chấp, bất đồng trên biển giữa các quốc gia. Với giải pháp này, tranh chấp có thể tạm được gác lại mà không làm ảnh hưởng đến yêu sách của mỗi bên tại khu vực tranh chấp đó, hạn chế việc tranh chấp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng quan hệ chính trị căng thẳng hay kìm chế các hoạt động chạy đua vũ trang và sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Hơn thế nữa, khai thác chung còn là sự lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác tài nguyên. Đối với khu vực đang còn tồn tại tranh chấp thì các bên không thể đơn phương tiến hành khai thác tài nguyên được, giải pháp khai thác chung sẽ giúp các quốc gia vẫn có thể khai thác được tài nguyên mà lại