3.2. KHAI THÁC CHUNG GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC NƢỚC
3.2.3. Việt Nam với Trung Quốc và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh
Bắc Bộ ngày 25/12/2000
3.2.3.1 Nguyên nhân và quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000:
a. Nguyên nhân:
Vịnh Bắc Bộ hay còn gọi là vịnh Đông Kinh, là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới. Vịnh nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông, là vịnh nửa kín, nước nông, có diện tích vào khoảng 126.250 Km2. Chiều ngang của vịnh nơi rộng nhất khoảng 310 Km, nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 220 Km, chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, phía Trung Quốc khoảng 695 Km. Ba mặt vịnh được bao bọc bởi lục địa Việt Nam và Trung Quốc, ở phía Tây và Bắc, và đảo Hải Nam ở phía Đông. Vịnh thông ra Biển Đông qua cửa phía Nam, nằm giữa Tây Nam đảo Hải Nam và bán Đảo Sơn Trà và qua eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và phía Bắc Đảo Hải Nam. [36]
Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt là có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 Km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 Km. Phía Trung Quốc chỉ có một số đảo nhỏ
nằm ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương. Thuộc về thềm lục địa vịnh Bắc Bộ có các bồn trũng: Lôi Châu - Bạch Long Vĩ, bồn trũng sông Hồng và một phần bồn trũng Nam Hải Nam. Phần lớn diện tích đáy vịnh Bắc Bộ thuộc bồn trũng sông Hồng. Tầng cấu trúc địa chất đáy vịnh Bắc Bộ có phủ một lớp trầm tích có bề dày lớn (9.000m - 14.000 m) và có nhiều cấu tạo dương, kích thước lớn, có triển vọng trong việc tìm kiếm dầu khí.
Bờ vịnh dài với nhiều vũng vịnh ven bờ thuận lợi cho phát triển kinh tế cảng biển, hàng hải. Số lượng đảo dày đặc tập trung ở phía Tây Bắc vịnh thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Đây là nơi có nhiều cảnh quan đẹp và là môi trường sinh sống lý tưởng của nhiều loại sinh vật biển, chim nước, đồng thời cũng là nơi tránh gió bão của các loại tàu thuyền.
Các dạng tài nguyên phi sinh vật trong vịnh Bắc Bộ cũng rất đa dạng, phong phú như tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển cảng biển, dầu khí, khoáng sản rắn... Riêng về dầu khí, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Châu Á và vùng Viễn Đông của Liên Hợp Quốc năm 1987 thì tiềm năng dầu khí ở vịnh Bắc Bộ cũng rất lớn. Vịnh Bắc Bộ có bốn khu vực tiềm năng dầu khí trong đó có quy mô lớn nhất thuộc về bồn Sông Hồng nằm định hướng Tây Bắc - Đông Nam, hai khu thuộc bồn Lôi Châu và một khu nằm ven đới cấu trúc An Châu ven bờ Việt Nam. Cả bốn bồn này đều đạt mức triển vọng cao về dầu, khoảng từ 10 đến 100 tỷ barrels [34]. Trữ lượng dầu mỏ vịnh Bắc Bộ đánh giá sơ bộ khoảng trên 500 triệu tấn. Ngoài tài nguyên dầu mỏ, nhiều mỏ sa khoáng được phát hiện như mỏ sa khoáng TiTan - Bình Ngọc nằm về phía Nam Việt Nam, các biểu hiện sa khoáng Inmenit - Ziacon - Monuzit phía Đông đảo Quán Lan... Tại khu vực các đảo thuộc Cẩm Phả, Cát Bà, Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh) còn phát hiện thấy một trữ lượng lớn cát sạn, cuội sỏi, đá vôi... thích hợp để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. [36]
Bên cạnh các dạng tài nguyên phi sinh vật, thì tài nguyên sinh vật trong vịnh Bắc Bộ cũng không kém phần đa dạng, phong phú và đem lại lợi ích kinh tế cao như nguồn lợi động vật đáy, cá biển, rong biển, rùa biển, rắn biển, thú biển, chim biển. Nhiều loại động vật đáy là đối tượng khai thác quan trọng như hầu, sò, hải sâm, trai ngọc, bào ngư, cua, tôm... Một số địa danh như Quảng Ninh là nơi tập trung các bãi động vật thân mềm lớn nhất, hay như Bạch Long Vĩ nổi tiếng với đặc sản bào ngư, cá lưỡng tiêm. Cô Tô, Biện Sơn, Hòn Mê là nơi tập trung trai ngọc. Vùng biển Cát Bà đến Balat còn có nhiều bãi tôm lớn... Nguồn động vật đáy là nguồn thực phẩm chính của cư dân ven biển và những năm gần đây còn phục vụ cho xuất khẩu. Riêng về nguồn cá biển, có thể đánh giá vịnh Bắc Bộ là một ngư trường lớn ở Việt Nam, với sáu khu vực đánh cá quan trọng như khu vực biển Vị Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, khu vực biển phía Tây vịnh, khu vực biển Bạch Long Vĩ, khu vực biển giữa vịnh, khu vực biển phía Tây đảo Hải Nam.
Có thể thấy vịnh Bắc Bộ có chứa đựng một tiềm năng rất lớn về kinh tế, điều đó khiến cho những tranh chấp biển tại khu vực này vốn đã phức tạp thì nay lợi ích kinh tế khiến nó càng phức tạp hơn. Khi mà nguồn tài nguyên trên đất liền đang dần cạn kiệt thì các quốc gia đã không ngừng tìm kiếm và mở rộng phạm vi khai thác tài nguyên, tài nguyên biển đã là mục tiêu của các cuộc tìm kiếm đó. Sự ra đời của Công ước Luật biển 1982 đã tạo cơ sở để cho các quốc gia ven biển có thể mở rộng thẩm quyền của mình ra biển và tất yếu đã làm nảy sinh nhu cầu cần phân định biển giữa các nước tại các khu vực biển hẹp.
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng bên bờ vịnh Bắc Bộ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tại khu vực này cùng với vị trí chiến lược hết sức quan trọng của nó cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh đối với
hai quốc gia đã khiến cho vấn đề phân định ranh giới biển giữa hai bên trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.
Về phía Việt Nam, ngay từ thời kỳ Pháp thuộc và kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã có lãnh hải về mặt đánh cá là 3 hải lý vào năm 1926. Cho đến năm 1948 lãnh hải Việt Nam đã được mở rộng ra 3 hải lý và vùng đánh cá mở rộng đến 20 Km dọc theo bờ biển. Năm 1977, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố ngày 12/5/1977 quy định nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Năm 1982 Chính phủ Việt Nam lại tiếp tục ra Tuyên bố ngày 12/11/1982 về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó thì đường biên giới trong vịnh Bắc Bộ giữa hai nước được xác định theo Công ước Pháp -Thanh về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, tức là đường kinh tuyến 1080
03’13’’Đông, vùng nước phía Tây của đường này là “Vùng nước lịch sử” của Việt Nam theo chế độ nội thủy [8]. Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Luật biển 1982.
Về phía Trung Quốc, năm 1958 phía Trung Quốc ra tuyên bố quy định lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý nhưng lại chưa có quy định về đường cơ sở và phạm vi lãnh hải. Cho đến năm 1996 Chính phủ Trung Quốc thông qua luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Ngày 15/6/1996 Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố đường lãnh hải, trong đó phần phía trong vịnh Bắc Bộ chỉ vạch đường cơ sở đến điểm 49 ở phía Tây đảo Hải Nam, đoạn còn lại từ đảo Hải Nam đến cửa sông Bắc Luân chờ quy định sau.
Trong quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, Việt Nam thể hiện quan điểm lấy đường kinh tuyến 108003’13’ Đông làm biên giới trong vịnh,
còn Trung Quốc lại không đồng ý và đề nghị coi vịnh là vịnh chung giữa hai nước và hai bên cần đàm phán phân định mới vịnh Bắc Bộ.
b . Tóm tắt quá trình đàm phán giải quyết phân định vịnh Bắc Bộ:
Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhằm đi đến đích cuối cùng là phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước, ở các vòng đàm phán cấp Chính phủ năm 1974 (15/8/1974 - 22/11/1974) và năm 1977- 1978 (10/1977 - 6/1978) đều không đi đến kết quả vì lập trường hai bên cách xa nhau.
Cho đến năm 1992, hai nước lại tiếp tục tiến hành hai vòng đàm phán cấp chuyên viên và năm 1993 hai bên bắt đầu đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ. Tại vòng một đàm phán cấp Chính phủ (hai phiên ở Bắc Kinh và Hà Nội), ngày 19/10/1993 hai nước đã ký “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”. Về vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ, thỏa thuận quy định: “Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”.
Từ năm 1994 đến năm 2000 hai bên đã thiết lập một cơ chế đàm phán và đi vào đàm phán liên tục nhằm giải quyết thực chất vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước.
Năm 1996: Hai bên đi vào đàm phán thực chất.
Năm 1997 - 1998: Hai bên đưa ra các đường phương án không chính thức của mỗi bên (tháng 4/1997, 7/1998, 9/1998).
Năm 2000 hai bên tiến hành họp một vòng đàm phán cấp Chính phủ, ba cuộc gặp không chính thức hai Trưởng đoàn Chính phủ, bảy vòng Nhóm công
tác liên hợp. Hai bên cũng đã vẽ thử các đường phương án phân định và đường phương án phân định chung, đàm phán về Hiệp định Hợp tác Nghề cá, dự thảo Hiệp định, hoàn thành tổng đồ vịnh Bắc Bộ và bản đồ chuyên đề cửa sông Bắc Luân, ký tắt các Hiệp định. Ngày 25/12/2000, hai nước đã chính thức ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ.
c.Tóm tắt quá trình đàm phán về Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc
Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc:
Vịnh Bắc Bộ là vịnh được đánh giá có một nguồn lợi hải sản vô cùng phong phú. Vào các năm 50, 60 của thế kỷ XX, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu khoa học biển và hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ. Đối với hoạt động nghề cá, hai bên đã ký kết các Hiệp định về đánh cá thuyền buồm năm 1957, các Nghị định thư năm 1961, và Hiệp định năm 1963. Theo đó tàu cá hai bên không được vào đánh cá trong vùng biển rộng 3 hải lý (năm 1957), 6 hải lý (năm 1961) và 12 hải lý (năm 1963) nằm dọc theo bờ biển và hải đảo của mỗi nước. Đầu những năm 70 các Hiệp định này đã hết hiệu lực.
Trong khi việc phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước chưa đi đến đích, các hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân hai nước đã gặp rất nhiều khó khăn. Việc tàu cá nước này đánh cá ở phạm vi Vùng đánh cá của nước kia xảy ra thường xuyên nhưng lại không có cơ chế giải quyết dứt khoát. Hiện tượng xâm phạm ngư trường của nhau diễn ra liên tục, phổ biến và mức độ ngày càng gay gắt. Trước thực trạng đó, cần thiết phải có sự phân định rõ ràng ranh giới trên biển giữa hai nước tại khu vực này, cũng như cần có một cơ chế khai thác chung phù hợp để góp phần lập lại trật tự hoạt động nghề cá tại đây.
Trong quá trình đàm phán về hoạch định vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc lại kiên trì dàn xếp nghề cá bằng việc lập Vùng đánh cá chung đồng thời với
việc phân định vịnh Bắc Bộ. Về phía Việt Nam, chủ trương tách vấn đề nghề cá ra khỏi vấn đề hoạch định vịnh, mặt khác cũng nhận thức rõ nhu cầu khách quan cần phải giải quyết vấn đề nghề cá với tư cách là một vấn đề kinh tế - kỹ thuật và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề hoạch định vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà khai thác chung nghề cá đã trở thành tiền lệ và được nhiều quốc gia áp dụng trên thế giới. Việc lập nên một Vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982. Mặc dù năng lực đánh bắt cá hiện nay của Việt Nam còn hạn chế, việc thực thi Hiệp định Hợp tác Nghề cá Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều bất lợi cho phía Việt Nam. Nhưng với tinh thần hợp tác thiện chí có nguyên tắc và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam đã đồng ý ký Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc song song với ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, tạo cơ sở hợp tác nghề cá toàn diện với Trung Quốc và về lâu dài góp phần lập lại trật tự tác nghiệp, giữ ổn định tình hình và quan hệ láng giềng thân thiện Việt Nam - Trung Quốc.
3.2.3.2 Nội dung Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc ngày 25/12/2000:
Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ký ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh, bao gồm có mở đầu, bảy phần, 22 điều và 1 phụ lục.
Phần mở đầu: Phần này nêu mục đích và các nguyên tắc chỉ đạo cho việc hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.
Điều 2 quy định “nguyên tắc chung” khẳng định sự hợp tác nghề cá trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau, không làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh hải của mỗi nước và các quyền lợi khác thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước.
Phần II: Vùng đánh cá chung. Phần III: Dàn xếp quá độ.
Điều 11 quy định phạm vi vùng dàn xếp quá độ, cho phép tàu cá mỗi bên được hoạt động trong vùng nước quá độ trong bốn năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau bốn năm mỗi bên quản lý vùng biển của mình theo chế độ vùng đặc quyền kinh tế riêng.
Phần IV: Vùng đệm cho tàu cá nhỏ.
Hiệp định đề cập đến việc thiết lập một vùng biển cho tàu cá của hai bên qua lại ở phía ngoài cửa sông Bắc Luân trong một phạm vi cụ thể có kinh độ, vĩ độ xác định. Theo đó tàu cá của phía bên kia chỉ được qua lại phần nước của bên này trong vùng đệm chứ không được đánh cá ở đó. Nếu phát hiện tàu cá của phía bên kia đánh cá trong vùng nước của mình thì cảnh cáo và áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc tàu rời khỏi vùng nước đó. Tuy nhiên Hiệp định cũng quy định các biện pháp cần thiết ở đây là phải kiềm chế, không bắt bớ, giam giữ, xử phạt hoặc dùng vũ lực. Nếu xảy ra những chanh chấp khác ngoài hoạt động nghề cá thì các cơ quan có thẩm quyền liên quan của mỗi nước sẽ giải quyết theo luật pháp nước mình.
Phần V: Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung.
Hai bên cũng thống nhất việc thành lập, thành phần, quyền hạn của Ủy ban Liên hợp Nghề cá. Theo đó, Ủy ban này sẽ giúp Chính phủ tổ chức thực thi Hiệp định.
Phần VI: Những điều khoản khác.
Phần này gồm có bốn điều với nội dung quy định về bảo đảm an toàn hàng hải, cứu hộ, cứu nạn, quyền đi qua không gây hại, nghiên cứu khoa học.
Phần VII: Các điều khoản cuối cùng.
Từ điều 18 đến điều 22 của Hiệp định đề cập đến các vấn đề như giải quyết tranh chấp, phụ lục, nghị định thư bổ sung, việc bổ sung, sửa đổi Hiệp định, bản đồ, thời hạn hiệu lực của Hiệp định.
Những nội dung trên được đề cập khá chi tiết trong Hiệp định, tuy nhiên trong phạm vi bài viết của mình, tôi chỉ tập trung nghiên cứu về các quy định liên quan đến “Vùng đánh cá chung” ở phần II của Hiệp định. Đây có thể