Phân tích chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở nước ta (Trang 91 - 93)

82 Ví dụ đối với trường hợp của Luật Thương mại năm 1997, Luật Đất đai năm 2003…

3.3.1.1. Phân tích chính sách

Để có cơ sở xã hội bảo đảm cho hoạt động lập pháp nói chung, cần bảo đảm sự phù hợp trình độ lập pháp với trình độ phát triển của xã hội, làm cho sản phẩm của hoạt động lập pháp tương thích, không cao quá cũng không lạc hậu so với mức độ phát triển của xã hội. Hoạt động lập pháp vì vậy, cần xuất phát từ yêu cầu phát triển của xã hội, và, sự phát triển của hoạt động lập pháp cũng nhằm mục đích để đáp ứng yêu cầu về chính trị, kinh tế v.v… của xã hội. Từ đó cũng nói lên nhu cầu phải xây dựng một chiến lược lập pháp hoàn chỉnh. Chiến lược đó là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước nói chung.

Là khâu kết nối quan trọng giữa cơ sở xã hội với hoạt động lập pháp nên phân tích chính sách phải được thực hiện từ những bước đầu tiên của quy trình lập pháp.

Phải xuất phát từ khâu phân tích chính sách khảo sát và nghiên cứu các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội mới hình thành được nhu cầu điều chỉnh pháp luật ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Từ đó, mới nêu lên được nội dung cụ thể của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Có bước phân tích chính sách mới khắc phục được yếu tố chủ quan trong việc đề xuất các dự án

luật, pháp lệnh cần đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như cách làm hiện nay.

Theo chúng tôi, hoạt động phân tích chính sách không thể chỉ được hiểu như một khâu đơn lẻ mở đầu, còn sau khi dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rồi thì hoạt động này không còn tồn tại nữa. Cần khẳng định rằng, hoạt động phân tích chính sách còn phải được tiếp tục thực hiện trong cả quá trình soạn thảo đến thẩm tra, cho ý kiến và cả khi QH thảo luận, thông qua dự thảo luật. Chính vì vậy, hoạt động phân tích chính sách phải được thực hiện ở cả các cơ quan nghiên cứu để đề xuất dự án luật và cả ở các cơ quan của QH. Bên cạnh đó, do một thực tế là đa phần chính sách trong mỗi dự án luật thường là do Chính phủ chuẩn bị trình QH xem xét, quyết định nên hoạt động phân tích chính sách phải được tiến hành rất cơ bản, thận trọng ở giai đoạn trước khi trình dự án luật. Ở một số nước, vì vậy, hoạt động phân tích chính sách thường là do một cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp đảm nhiệm.

3.3.1.2. Phản biện xã hội

Phản biện xã hội đã trở thành nội dung quan trọng của chủ trương phát triển dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Chủ trương đó phải được thể chế hoá thành một yêu cầu bắt buộc trong quy trình lập pháp.

Phản biện xã hội là yếu tố quan trọng trong hoạt động lập pháp, vì thực chất, phản biện xã hội là hình thức thể hiện ý kiến của xã hội, của nhân dân đối với hoạt động của nhà nước về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội…

Trong hoạt động lập pháp, phản biện xã hội là sự xem xét, nghiên cứu căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng để đóng góp ý kiến của nhân dân, của Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đối với dự án luật. Phản biện xã hội được thực hiện từ khâu lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đến soạn thảo, thẩm tra và thảo luận, thông qua dự thảo luật.

Trong thực tế từ trước đến nay, phản biện xã hội vẫn được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng dưới góc độ pháp lý, hoạt động này chưa được quy định một cách tập trung. Giá trị pháp lý của nó chưa được quy định một cách cụ thể rõ ràng, chưa có một cơ chế cụ thể để xã hội quen dần với các ý kiến khác, thậm chí trái ngược với những quan điểm - được cho là chính thức - của các cơ quan nhà nước.

Đối với hoạt động lập pháp nói chung và đối với một dự án luật nói riêng, phản biện xã hội có ý nghĩa đặc biệt. Đây là hình thức quan trọng để bảo đảm cơ sở xã hội của hoạt động quan trọng bậc nhất thể hiện tính pháp quyền này của Nhà nước. Cũng vì tính đặc biệt của nó nên không giống với các lĩnh vực hoạt động khác, phản biện xã hội đối với hoạt động lập pháp phải căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng và các tiêu chí đánh giá cụ thể về sự điều chỉnh pháp luật nói chung và đối với từng quy định pháp luật, từng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.

Vì vậy, theo chúng tôi, nội dung phản biện xã hội phải được quy định thành một chương riêng trong Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc cũng có thể hình thành một luật riêng về vấn đề này với tên gọi: Luật về phản biện xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở nước ta (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)