2.2. Thực tiễn thi hành bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam
2.2.2. Những hạn chế
Một là, đối tượng tham gia BHTN trong luật Việc làm năm 2013 chưa
bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động và NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ kinh doanh cá thể. Đối tượng này chiếm 70% lực lượng lao động của cả nước (ước khoảng 38,08 triệu người thời điểm 1/7/2016). Đặc điểm chung của lao động này là trình độ chuyên môn thấp, thu nhập thấp và việc làm bấp bênh.
Hai là, các quy định về BHTN còn nặng nề về giải quyết trợ cấp thất nghiệp chưa chú ý đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Mặt khác, nhà nước cũng chưa xây dựng được chính sách BHTN thành chính sách bảo hiểm việc làm với nhiều điểm ưu việt hơn như: có các chương trình bảo đảm việc làm, chính sách bù tiền lương đối với doanh nghiệp khi gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược sử dụng sắp xếp NLĐ hợp lý, chính sách khuyến khích NLĐ tự tạo việc làm,…
Ba là, các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ còn khá chặt chẽ, dẫn đến NLĐ thất nghiệp khó có thể tiếp cận được với chế độ này. Mặt khác, chế độ hỗ trợ học nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho NLĐ được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề.
Bốn là, về mức độ trợ cấp thất nghiệp, hiện nay pháp luật dường như mới chỉ chú trọng đến mức trần hưởng BHTN mà bỏ sót quy định về mức sàn BHTN. Mặt khác, quy định hưởng đồng đều 60% cho mỗi tháng làm giảm đi khả năng khuyến khích người thất nghiệp sớm tìm kiếm cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Mặt dù, luật Việc làm năm 2013 đã có quy định về nghĩa vụ thông báo về việc tìm kiếm việc làm, hàng tháng, cũng như việc chấm dứt trợ cấp nếu từ chối công việc được giới thiệu quá 2 lần. Tuy nhiên, trong thực tế
vẫn có nhiều trường hợp người thất nghiệp có xu hướng chờ đến khi gần hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp mới thực sự tích cực tìm việc làm.
Năm là, trong những năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua
lỗ hay chấm dứt hoạt động đang xảy ra khá phổ biến dẫn đến các doanh nghiệp này thường trốn đóng, nợ tiền BHTN làm ảnh hưởng đến đời sống NLĐ và công tác thực hiện BHTN. Bên cạnh đó, nhận thức về BHTN của một số NLĐ chưa cao như: không trung thực trong việc khai báo tình trạng việc làm do lo sợ bị mất quyền lợi hưởng BHTN hay chưa nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện chính sách BHTN.
Sáu là, công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó để kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ, do đó, vẫn còn trường hợp NLĐ vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc NLĐ di chuyển nơi ở, nơi làm việc đi địa phương khác.
Bảy là, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHTN chưa được thực hiện thường xuyên. Điều này cho thấy lực lượng thanh tra lao động còn hạn chế trong khi số lượng doanh nghiệp ngày một tăng. Chính vì thế, công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn, việc kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH nói chung và BHTN nói riêng còn gặp nhiều lúng túng.