1.2. Cơ sở lý luận về cải cáchTTHC trong lĩnh vực HCTP
1.2.3. Phương thức cải cách TTHC trong lĩnh vực HCTP
TTHC trong lĩnh vực HCTP cũng giống như TTHC trong các lĩnh vực khác, vì vậy để cải cách cần phải:
Thứ nhất, tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành về TTHC về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kể cả những quy định do cấp dưới ban hành nhằm bãi bỏ ngay những quy định TTHC không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không phù hợp với thực tế đã và đang gây trở ngại cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác và gây phiền hà cho nhân dân.
Đối với những thủ tục đã quy định trước, nay còn phù hợp nhưng được quy định phân tán ở nhiều văn bản, cần được hệ thống hóa lại bằng một văn bản thống nhất theo thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để thuận tiện cho việc thi hành, kiểm tra, giám sát.
Đây là một phương thức quan trọng và cần thiết trong tiến trình cải cách TTHC ở Việt Nam. Theo báo cáo số 01 của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ ngày 27/4/2006, kết quả sau 05 năm triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 cho thấy, TTHC trên hầu hết các lĩnh vực đều được rà soát, sửa đổi, ban hành mới theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện cho người dân. Đặc biệt, TTHC trên các lĩnh vực có nhiều bức xúc, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu… đã được rà soát nhiều lần, loại bỏ những TTHC phức tạp, gây phiền hà, bước đầu tạo lập lại niềm tin cho người dân vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.
Nhìn chung, các phương thức nêu trên không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà đã được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới trong quá trình cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ.
Thứ hai, loại bỏ thủ tục không cần thiết, chồng chéo, sửa đổi, bổ sung những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, đảm bảo tính thống nhất, sự chặt chẽ, tính hợp lý, ổn định, rõ ràng của TTHC, tính khoa học của quy trình thực hiện các TTHC đã ban hành.
Thứ ba, công bố công khai hệ thống các văn bản quy định TTHC. Việc công khai TTHC là phương thức không thể thiếu trong công tác cải cách TTHC. Công khai hóa một cách đầy đủ các quy trình TTHC, đặc biệt là TTHC trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, công dân; là điều kiện góp phần tăng hiệu quả của quá trình giải quyết các yêu cầu trong nền hành chính dịch vụ. Trong nền hành chính dịch vụ, chúng ta có thể coi các tổ chức, công dân khi đến với cơ quan công quyền là những khách hàng mà chúng ta phải phục vụ. Khách hàng biết rõ họ cần phải làm gì, cần chuẩn bị những vấn đề gì, loại giấy tờ gì trước khi đến cơ quan yêu cầu giải quyết công việc.
Mặt khác, người thi hành công vụ sẽ không có điều kiện để lợi dụng sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Công khai là cơ sở để kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục, do đó nó cũng là căn cứ để đánh giá trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhân dân. Ngay trong Nghị quyết số 38/1994/NQ-CP ngày 04/5 của Chính phủ, nguyên tắc công khai hóa các TTHC cũng được nhấn mạnh: Sau khi các TTHC được rà soát xét lại, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ trong phạm vi quản lý của mình, phải công bố công khai hệ thống các văn bản quy định thủ tục mới bằng nhiều hình thức để mọi cơ quan, đơn vị, mọi người được biết và thực hiện.
Cải cách TTHC theo quy chế “Một cửa”: Kết quả cải cách TTHC thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp được cải thiện một bước đáng kể, thông qua một loạt các biện pháp như cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế “một cửa” công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về TTHC; rà soát, sửa đổi, bãi bỏ TTHC theo hướng đơn giản hóa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Tính ưu việt của cơ chế “ một cửa” đã được khẳng định là rất khoa học, có hiệu quả, thời gian giải quyết công việc nhanh hơn, lãnh đạo kiểm soát được công việc và trách nhiệm công vụ của công chức, giảm được phiền hà, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Song bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực quản lý, TTHC vẫn còn tồn tại khá phổ biến xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; vẫn còn tư tưởng bao cấp, cục bộ của các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành bổ sung, sửa đổi TTHC, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra việc tổ chức là chính, TTHC chưa ổn định, trong nhiều trường hợp vẫn có những vướng mắc chưa giải quyết được.
Bởi vậy, cải cách TTHC vẫn tiếp tục cần phải được cải cách triệt để hơn nữa để mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng nền hành chính dịch vụ hiện nay. Đặc biệt cần nhân rộng mô hình giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”.
Nhận thức rõ thực trạng công tác cải cách TTHC và nguyên nhân của những hạn chế, ngày 10/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30). Kế hoạch thực hiện Đề án này nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong cải cách TTHC, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC; tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí.
Đề án 30 bao gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Thống kê thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; yêu cầu hoặc điều kiện để được cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký, chứng chỉ hành nghề, thẻ, phê duyệt, chứng chỉ, văn bản xác nhận, quyết định hành chính, giấy xác nhận, bản cam kết, biển hiệu, bằng, văn bản chấp thuận và các loại khác.
- Giai đoạn 2: Rà soát thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, các yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính.
- Giai đoạn 3: Thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính sau khi đã được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định [15].
Để đảm bảo thực hiện thành công Đề án 30, đổi mới cách làm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án 30, trong đó có quyết định thành lập các tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động cải cách: Tổ công tác Chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng tư vấn cải cách TTHC; Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.
Với cách thức tổ chức công việc khoa học, nhận thức đúng về cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin và huy động được sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào quá trình cải cách TTHC, nhờ chủ trương và cách làm đúng đắn, Đề án 30 đã được triển khai đồng loạt tại các bộ, ngành, địa phương, đã huy động được sự vào cuộc của tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương.
Từ kết quả đạt được, Báo cáo số 888/BC-VPCP Tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ Tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC ngày 16/2/2011 đã nhấn mạnh: “Với nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính quyền, lần đầu tiên sau 65 năm thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.400 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định; đồng thời chuẩn hóa thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã và 63 bộ TTHC cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất thực hiện tại từng địa phương”. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng thế giới công bố ngày 04 tháng 11 năm 2010, thông qua hoạt động cải cách đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh nhất và tăng 10 lần trong bảng xếp hạng các nền kinh tế (đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế). Tổ chức hợp
tác phát triển kinh tế (OECD) đánh giá Đề án 30 của Việt Nam cho rằng “Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng”. OECD cho rằng rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình cải cách có quy mô như đề án 30 [56, tr.3].
Giai đoạn 2 của Đề án 30 Chính phủ đã ban hành 25 Nghị quyết đơn giản hóa gần 5000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành làm cơ sở để thực thi phương án đơn giản hóa các TTHC này. Sau khi các phương án đơn giản hóa này được thực thi trên thực tế dự kiến sẽ cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, dự kiến các cơ quan trung ương phải sửa đổi trên 1.000 văn bản; cấp địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản (ước tính mỗi tỉnh sửa khoảng 50 văn bản). Thông qua đó giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát hiện những bất cập của hệ thống các quy định pháp luật về TTHC đang gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp cần phải được tháo gỡ kịp thời, hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Đảng, nhà nước về cải cách TTHC [56, tr.4].
Thông qua việc triển khai Đề án, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ cho hàng chục nghìn cán bộ, công chức các ngành, các cấp về nghiệp vụ thống kê, rà soát thủ tục hành chính. Riêng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong hơn một năm đã tổ chức trên 20 khóa tập huấn cho 87 tổ công tác của 24 bộ, ngành và 63 địa phương, hướng dẫn trực tiếp hàng ngàn cán bộ chủ chốt của các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương về cách thức thống kê và rà soát TTHC. Công tác này không chỉ có tác dụng phục vụ trực tiếp cho giai đoạn thống kê, rà soát TTHC mà còn có tác dụng thiết thực trong việc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cũng là bước chuẩn bị chủ động cho việc triển khai giai đoạn đơn giản hóa TTHC tới đây [56].
Nhìn một cách tổng thể, Đề án 30 được triển khai hết sức khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thống kê và rà soát thể hiện rõ bước chuyển cơ bản của khâu đột phá, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, đưa nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính đi vào chiều sâu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án không tránh khỏi những tồn tại và nhược điểm. Thứ nhất, do chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án nên vẫn có tình trạng lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa dành sự quan tâm thỏa đáng, cần thiết để chỉ đạo triển khai; Thứ hai, chất lượng thống kê, rà soát chưa đồng đều, tiến độ còn chậm so với thời gian quy định;
Thứ ba, do thời gian triển khai ngắn, khối lượng công việc nhiều, công việc lại mới mẻ, phức tạp nên phải vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm; Thứ tư, nguồn lực cả về con người cũng như tài chính chậm được bố trí kịp thời. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thu hút cán bộ có chuyên môn cao tham gia Đề án. Ở một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn tình trạng cán bộ không muốn về làm việc tại Tổ công tác thực hiện đề án 30;
Thứ năm, công tác truyền thông phục vụ cho Đề án còn chậm, hiệu quả sự tham gia trực tiếp của người dân và doanh nghiệp vào quá trình triển khai thống kê, rà soát chưa cao [56, tr. 4].
Từ những kết quả đạt được mà Báo cáo 888/BC-VPCP đã thống kê và dựa trên thực tế có thể thấy một thực trạng là trước đây công cuộc cải cách hành chính đã được chú trọng nhưng không đạt được kết quả cao. Chỉ đến khi Đề án 30 ra đời công cuộc này mới đạt được những kết quả vượt bậc. Bởi cần phải xác định cải cách TTHC là một khâu có thể nói là quan trọng nhất trong công cuộc cải cách hành chính, muốn cải cách hành chính thành công phải
thực hiện cải cách TTHC mà phải xem xét thủ tục dưới giác ngộ quy định hình thức - giải quyết phần ngọn. Cách tiếp cận của Đề án 30 mà đặc biệt là sự ra đời của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC đã từng bước giải quyết tận gốc vấn đề cả về thủ tục lẫn chính sách bao gồm trình tự, cách thức, hồ sơ, thời hạn giải quyết, đối tượng thực hiện, cơ quan thực hiện, kết quả thực hiện, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, kết quả và thời hạn có hiệu lực của kết quả, phí, lệ phí. Với một nguồn lực hạn chế và vẫn còn những khó khăn trước mắt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, công tác cải cách TTHC theo Đề án 30 đã đạt được các mục tiêu đề ra gắn với những kết quả cụ thể đạt được. Kết quả này đã khẳng định tính đúng đắn của một cách làm mới trong việc triển khai hoạt động cải cách.