Chế tài hủy bỏ hợp đồng 62

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 68 - 76)

Hủy hợp đồng có thể được coi là chế tài nặng nhất mà pháp luật quốc tế về mua bán hàng hóa cũng như pháp luật các quốc gia áp dụng để trừng phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bởi không chỉ thiệt hại về mặt vật chất, hủy hợp đồng còn làm cho các bên thiệt hại về uy tín và có thể chấm dứt quan hệ làm ăn với nhau vĩnh viễn sau đó. Các nhà kinh doanh tương đối kỵ áp dụng chế tài này, thường chỉ buộc phải áp dụng chế tài này đối với bên còn lại khi họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng) làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bên bị vi phạm. Không giống với các chế tài vi phạm hợp đồng khác, chế tài hủy hợp đồng chỉ áp dụng với những trường hợp nhất định, với một số loại vi phạm nhất định và vi phạm thường đạt đến mức độ rất nghiêm trọng. Thông thường khi có vi phạm hợp đồng của một bên thì bên còn lại không áp dụng ngay chế tài hủy bỏ hợp đồng mà áp dụng các chế tài khác, chỉ đến khi không còn hi vọng hoặc mong muốn bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nữa thì bên bị vi phạm mới tuyên bố hủy hợp đồng. Hợp đồng bị hủy bỏ thì các bên không phải thực hiện hợp đồng nữa, tức là các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Đồng thời các bên có quyền đòi lại lợi ích của mình do đã thực hiện một phần hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền đòi

bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng. Pháp luật các quốc gia quy định về chế tài này phần lớn nội dung là tương đồng nhau. Ví dụ: Bộ luật dân sự Việt Nam về hủy bỏ hợp đồng dân sự quy định: Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại. Luật thương mại Việt Nam quy định các trường hợp được hủy hợp đồng gồm: a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng [26, Điều 312, khoản 4].

Khi bên vi phạm không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đến mức có thể hủy hợp đồng, nhưng vì lợi ích mình kỳ vọng cũng như khả năng đạt được lợi ích đó cao, bên bị vi phạm có thể “cảnh cáo” bên vi phạm bằng các chế tài nhẹ hơn như buộc thực hiện đúng hợp đồng.Khi vi phạm hợp đồng mà đang áp dụng các chế tài khác này, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Nhưng khi áp dụng các chế tài khác mà không đạt được mục đích là thực hiện đúng nội dung hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng theo quy định, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng.

Pháp luật quy định hoặc các bên đặt ra chế tài hủy hợp đồng nhằm ngăn ngừa vi phạm hợp đồng, buộc các bên tôn trọng cam kết của mình và thực hiện hợp đồng nghiêm chỉnh. Bởi với chế tài này, các bên sẽ sợ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chế tài mà cố gắng thực hiện đúng hợp đồng kể cả trong trường hợp gặp khó khăn.

Hủy bỏ hợp đồng là một chế tài đối với vi phạm hợp đồng mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ bên nào tham gia hợp đồng, mà chỉ do lỗi, do vi phạm của một bên là điều kiện để hủy hợp đồng. Điều kiện để áp dụng chế tài này có thể quy định ngay trong hợp đồng, hoặc áp dụng các quy phạm của luật điều chỉnh hợp đồng để hủy hợp đồng. Khi hợp đồng quy định về việc hủy hợp đồng thì các bên thường

quy định rõ những điều kiện để áp dụng nó, ví dụ: hợp đồng quy định sau 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mà bên mua không mở LC theo thỏa thuận tại ngân hàng được chỉ định trong hợp đồng thì bên bán được quyền hủy hợp đồng; hoặc bên bán giao hàng chậm quá 20 ngày thì bên mua có quyền hủy hợp đồng và phạt vi phạm…

Công ước Viên quy định những trường hợp người bán vi phạm hợp đồng và người mua có quyền hủy bỏ hợp đồng tại điều 49, khoản 1:

Nếu việc người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng hay từ Công ước này cấu thành một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng. Vi phạm chủ yếu này theo Công ước là vi phạm cơ bản, được quy định tại điều 25. Vi phạm cơ bản sẽ được coi là căn cứ để các bên hủy hợp đồng một cách hợp pháp.

Trong trường hợp không giao hàng: Nếu người bán không giao hàng trong thời gian đã được người mua gia hạn thêm cho họ chiếu theo khoản 1 điều 47 hoặc nếu người bán tuyên bố sẽ không giao hàng trong thời gian được gia hạn này.

Thời gian gia hạn trong trường hợp này là thời gian hợp lý được người mua đồng ý để người bán thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Theo điều 48 khoản 1, trong thời gian gia hạn này, người mua sẽ không được thực hiện bất kỳ biện pháp bảo hộ pháp lý nào khác. Đồng thời, Điều 47 khoản 1 cho phép người bán hàng có thể tự đưa ra một thời hạn bổ sung cho việc loại trừ thiếu sót với điều kiện thời hạn đó không kèm theo một sự chậm trễ vô lý và không gây cho người mua những cản trở phi lý hay tình hình bất định về việc người bán phải hoàn trả những phí tổn mà người mua phải gánh chịu. Tuy vậy, Điều 48 khoản 1 cũng quy định người mua được duy trì quyền đòi bồi thường thiệt hại chiểu theo Công ước.

Công ước cũng quy định chế tài này được áp dụng kể từ sau thời điểm ký kết hợp đồng mà không cần phải đến khi thực hiện hợp đồng mới được áp dụng: Điều 72 khoản 1 quy định: Nếu trước ngày quy định cho việc thi hành hợp đồng, mà thấy hiển nhiên rằng một bên sẽ gây ra một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng, bên kia có thể tuyên bố hợp đồng bị hủy. Theo quy định này và quy định tại khoản 3 điều 73, cơ sở của việc hủy hợp đồng trước khi thực hiện hợp đồng là một bên có căn cứ chứng minh bên kia không có khả năng thực hiện hợp đồng; hoặc một

bên tuyên bố họ không thi hành các nghĩa vụ của hợp đồng. Thực tế cho thấy áp dụng căn cứ này để hủy hợp đồng trước khi thực hiện không hề đơn giản, bởi hợp đồng chưa thực hiện thì chưa có vi phạm, chưa có tổn thất, thiệt hại xảy ra, việc chứng minh tính hợp pháp của tuyên bố hủy hợp đồng (theo pháp luật hoặc theo hợp đồng quy định) sẽ rất khó khăn. Để hủy hợp đồng trong trường hợp này, trước khi áp dụng chế tài, bên có ý định hủy hợp đồng nên cẩn trọng gửi thông báo tới bên còn lại, nếu họ không cung cấp được bằng chứng hợp lý về khả năng thực hiện được hợp đồng của họ thì có thể tuyên bố hủy hợp đồng để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra, hành động này được Công ước Viên khuyến khích thực hiện tại điều 72 khoản 2. Vấn đề này cũng được pháp luật Mỹ quy định với nhiều điểm tương đồng Công ước Viên, Điều 2 - 610 UCC quy định: Việc áp dụng một chế tài đối với một vi phạm hợp đồng trước khi đến thời hạn thực hiện hợp đồng hoặc trong trường hợp hợp đồng được thực hiện từng phần, là vào bất cứ thời gian nào trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Chế tài hủy hợp đồng có thể áp dụng đối với từng phần của hợp đồng mà không bắt buộc phải áp dụng đối với toàn bộ hợp đồng trong trường hợp giao hàng từng phần, điều 73 khoản 1 Công ước quy định: Nếu hợp đồng quy định giao hàng từng phần và nếu sự kiện một bên không thực hiện một nghĩa vụ có liên quan đến một lô hàng cấu thành một sự vi phạm chủ yếu đến hợp đồng về lô hàng đó thì bên kia có thể tuyên bố hủy hợp đồng về phần lô hàng đó. Theo quy định này, đối với hợp đồng giao hàng từng phần thì có thể coi pháp lý của mỗi lần giao hàng là hợp đồng con, việc hủy từng hợp đồng con này do vi phạm cơ bản không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng con khác. Tuy nhiên, khoản 2 điều 73 quy định: Nếu một bên không thực hiện một nghĩa vụ có liên quan đến bất cứ lô hàng nào cho phép bên kia có lý do xác đáng để cho rằng sẽ có một sự vi phạm chủ yếu đến hợp đồng với các lô hàng sẽ được giao trong tương lai thì họ có thể tuyên bố hủy hợp đồng đối với các lô hàng tương lai đó trong một thời hạn hợp lý. Bên cạnh đó, khoản 3 điều 73 quy định: nếu hàng hóa giữa các lần giao có tính liên kết với nhau thì người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng với một, nhiều hoặc tất cả các lô

hàng đã giao hoặc các lô hàng sẽ được giao trong tương lai. Pháp luật Việt Nam cũng quy định vấn đề này tại điều 312 khoản 1, 2, 3 Luật thương mại quy định: Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Đồng thời các nội dung của điều 73 Công ước Viên cũng được Pháp luật Việt Nam quy định tương tự tại điều 313 Luật thương mại năm 2005 về huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần. Như vậy hủy hợp đồng trong trường hợp giao hàng từng phần, người mua phải xem xét mối liên kết giữa những lần giao hàng và sự liên kết đó có làm ảnh hưởng đến toàn bộ việc thực hiện hợp đồng hay không để quyết định hủy toàn bộ hay một bộ phận của hợp đồng.

Do tính chất, mức độ nghiêm trọng của chế tài nên luật quốc tế và luật quốc gia đều có xu hướng chung là không khuyến khích các bên sử dụng ngay chế tài này, mà ngay cả khi đã đủ điều kiện để hủy hợp đồng, luật vẫn khuyến khích các bên lựa chọn giải pháp “mềm hơn”, hợp lý hơn cho từng trường hợp trên nguyên tắc tự do hợp đồng, ý chí của các bên mới là luật tối cao cho hợp đồng, như: Điều 11 khoản 2 Luật bán hàng Anh năm 1979 cho phép các bên có thể chuyển một điều khoản chủ yếu thành điều khoản thứ yếu để không hủy hợp đồng nếu một bên vi phạm điều khoản đó. Hoặc như điều 72 của Công ước Viên cũng quy định: Nếu có đủ thời giờ, bên nào có ý định tuyên bố hợp đồng bị hủy thì phải gửi một thông báo hợp lý cho bên kia để cho phép họ cung cấp những bảo đảm đầy đủ rằng họ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong trường hợp người bán chỉ giao một phần hàng hóa hoặc chỉ một phần hàng hóa đã giao phù hợp với hợp đồng thì theo quy định tại điều 51 của Công ước Viên: người mua có quyền hủy hợp đồng đối với phần hàng hóa thiếu hoặc phần hàng không phù hợp; tuy nhiên người mua chỉ được tuyên bố hủy bỏ toàn bộ hợp đồng, nếu việc không thực hiện hợp đồng hoặc một phần hàng giao không phù hợp với hợp đồng cấu thành một sự vi phạm chủ yếu hợp đồng.

Về thủ tục hủy hợp đồng, bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh tuyên bố hủy hợp đồng của mình là căn cứ theo luật định hoặc hợp đồng quy định; đồng thời phải thông báo cho bên còn lại biết về quyết định của mình trừ trường hợp hợp đồng tự hủy theo thỏa thuận của hai bên, ví dụ: hợp đồng quy định, nếu sau 15 ngày kể từ ngày hai bên ký hợp đồng, bên mua hàng không mở LC tại ngân hàng được phép kinh doanh tại Việt Nam thì hợp đồng tự động chấm dứt hiệu lực mà không bên nào có trách nhiệm hay nghĩa vụ gì với nhau. Hoặc ví dụ, điều 1652 Luật dân sự Cộng hòa Pháp quy định: Trong dịch vụ bán thực phẩm và nông sản, ưu tiên cho người mua được toàn quyền hủy hợp đồng không cần báo trước sau khi hết thời gian giao hàng. Nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại của bên tuyên bố hủy hợp đồng là nghĩa vụ bắt buộc để tuyên bố hủy hợp đồng có giá trị pháp lý. Điều 26 Công ước Viên quy định: Một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết. Đây là thủ tục bắt buộc được cả Công ước Viên và pháp luật các quốc gia đều quy định bởi lẽ khi hủy hợp đồng thì các bên không còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng nữa, nên cần phải thông báo để bên kia biết mà dừng việc thực hiện nghĩa vụ lại nếu họ đang thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tuyên bố hủy hợp đồng phải bồi thường thiệt hại. Luật Hợp đồng Trung Quốc, điều 96 cũng quy định bên hủy hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy hợp đồng. Pháp luật Việt Nam cũng quy định nghĩa vụ thông báo này tại điều 315 Luật thương mại và điều 425 khoản 2 Bộ luật dân sự quy định: Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp bên muốn hủy hợp đồng không thông báo hoặc quên thông báo thì họ sẽ mất quyền hủy hợp đồng trong nhiều trường hợp, ví dụ: Điều 49 khoản 2 Công ước Viên quy định: nếu người bán đã giao hàng thì người mua sẽ mất quyền hủy hợp đồng nếu người mua đã không tuyên bố hủy hợp đồng. Khi người mua giao hàng chậm trong một thời hạn hợp lý kể từ lúc người mua đã biết rằng việc giao hàng đã được thực hiện. Ðối với mọi trường hợp vi phạm trừ trường hợp giao hàng

chậm trễ, trong một thời hạn hợp lý: Kể từ lúc người mua đã biết hay đáng lẽ phải biết về sự vi phạm đó. Sau khi đã hết mọi thời hạn mà người mua đã gia hạn thêm cho người bán chiếu theo khoản 1 điều 47 hoặc sau khi người bán đã tuyên bố rằng, họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn đã được gia hạn thêm đó, hoặc: Sau khi đã hết mọi thời hạn bổ sung mà người bán đã yêu cầu chiếu theo khoản 2 điều 48 hay sau khi người mua đã tuyên bố là họ không chấp nhận cho người bán thực hiện nghĩa vụ.

Một vấn đề cũng cần làm rõ là sau khi thông báo hủy hợp đồng thì bên tuyên bố phải chờ sự phản hồi của bên còn lại hay không có cần sự phản hồi thì hợp đồng cũng bị hủy. Pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia chỉ quy định nghĩa vụ thông báo chứ không quy định các bên phải đạt được sự thống nhất hủy hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 68 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)