Đình chỉ thực hiện hợp đồng là chế tài áp dụng khi có vi phạm hợp đồng. Cũng giống như chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng là chế tài riêng có của pháp luật Việt Nam. Và chế tài này cũng mới được đưa vào Luật Thương mại Việt Nam 2005 mà Luật Thương mại trước đó chưa có.
Theo Điều 310 Luật Thương mại 2005, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận của các bên.
Hậu quả pháp lý khi một hoặc hai bên đình chỉ thực hiện hợp đồng là hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Đồng thời bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật hoặc sự thỏa thuận của hai bên. Ví dụ: Công ty Việt Nam mua thép của Công ty Trung Quốc, đến hạn giao
hàng bên bán không đủ hàng để giao, bên mua không nhận hàng nếu không giao đầy đủ. Bên mua gia hạn 1 tuần để bên bán chuẩn bị hàng, hết 1 tuần bên bán vẫn không có đủ hàng để giao. Bên mua thông báo cho bên bán là bên bán đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng và bên mua đình chỉ thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên bán trả tiền phạt hợp đồng cho bên mua theo thỏa thuận của hai bên tại Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Khi áp dụng chế tài này, pháp luật bắt buộc một bên phải gửi thông báo đình chỉ thực hiện hợp đồng cho bên còn lại bởi sau đó các bên không phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng nữa. Nếu một hoặc các bên tự ý không thực hiện hợp đồng nữa mà không thông báo cho bên còn lại gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường (Điều 315 Luật Thương mại năm 2005).