Phạt vi phạm hợp đồng cũng là chế tài được các bên tham gia quan hệ hợp đồng, đặc biệt là Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường áp dụng. Đối với chế tài này, bên bị vi phạm không cần chứng minh thiệt hại xảy ra mà chỉ cần chứng minh bên kia đã phạm quy định của điều khoản phạt trong hợp đồng là có quyền yêu cầu bên vi phạm chịu phạt. Đồng thời tiên liệu trước việc vi phạm hợp đồng để đưa ra mức phạt đủ và thậm chí là cao hơn mức lợi ích một bên có thể có được khi tham gia hợp đồng làm cho các bên buộc phải có ý thức nghiêm túc trong việc thực
hiện hợp đồng. Chính hai mục đích này làm cho chế tài phạt vi phạm hợp đồng luôn được ít nhất một bên chú ý khi soạn thảo hợp đồng.
Luật thương mại Việt Nam năm 2005 quy định chế tài này tại điều 300 như sau: Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294.
Khi hợp đồng có quy định phạt do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng và không có quy định gì thêm thì bên vi phạm phải chịu phạt với bên bị vi phạm mà không phụ thuộc vào bên bị vi phạm có thiệt hại hay không, thiệt hại ít hay nhiều. Nếu muốn căn cứ vào việc có thiệt hại thì mới phải chịu phạt thì hợp đồng phải quy định rõ. Ví dụ [32, phán quyết số 25]: Hợp đồng mua bán thép số 06/99 giữa bên bán là doanh nhân Áo (Nguyên đơn) và bên mua là doanh nhân Việt Nam (Bị đơn) được ký ngày 26/6/1999. Theo đó Nguyên đơn bán cho Bị đơn 1500 MT thép tấm cán nóng theo điều kiện C.I.F FO cảng Hải Phòng với tổng trị giá hợp đồng là 370.880 USD, giao hàng vào tháng 7 năm 1999, thanh toán bằng L/C không huỷ ngang có xác nhận, ngày mở chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 1999. Điều 7 Hợp đồng quy định rằng trong trường hợp chậm trễ giao hàng hoặc nhận được L/C chậm hơn 15 ngày so với ngày hợp đồng quy định thì bên bán/bên mua có quyền huỷ hợp đồng, bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt là 5% tổng trị giá hợp đồng cho bên kia. Ngày 30 tháng 6 năm 1999 là ngày cuối cùng để mở L/C, do sợ không thu xếp kịp việc mở L/C đúng hạn theo quy định của hợp đồng nên Bị đơn đã gửi văn thư cho Nguyên đơn trình bày khó khăn khách quan của Bị đơn và đề nghị xin huỷ Hợp đồng số 06/99 đã được ký giữa hai bên. Khó khăn khách quan được Bị đơn trình bày là Bị đơn chưa trả hết tiền nợ cho ngân hàng nên ngân hàng không mở L/C theo đề nghị của Bị đơn. Ngày 3 tháng 7 năm 1999, tức ba ngày sau khi hết thời hạn mở L/C, Nguyên đơn đã telex cho Bị đơn, theo đó, Nguyên đơn đồng ý gia hạn ngày mở L/C đến ngày 7 tháng 6 năm 1999 (until June 7th 1999). Nếu Nguyên đơn không nhận được L/C trong thời gian đó, có nghĩa là Bị đơn đã không thực hiện Hợp đồng. Trong trường hợp này Bị đơn phải nộp cho
Nguyên đơn tiền phạt là 18.544 USD theo qui định của Điều 7 Hợp đồng. Bị đơn đã nhận được bản Telex này. 20 phút sau khi Telex cho Bị đơn, Nguyên đơn phát hiện ra có sự sai sót về ngày tháng, nên đã sửa tháng 6 (June) thành tháng 7 (July) và telex lại ngay cho Bị đơn. Nhưng sau này Bị đơn nói là không nhận được bản Telex sửa đổi này của Nguyên đơn. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1999, Nguyên đơn vẫn không nhận được L/C cũng như không nhận được tiền phạt từ phía Bị đơn. Do vậy, Nguyên đơn đã kiện Bị đơn ra trọng tài đòi nộp phạt 18.544 USD.
Phản bác lại đơn kiện, Bị đơn trình bày như sau: Ngày 30 tháng 6 năm 1999 Bị đơn đã trình bày khó khăn khách quan và đề nghị xin huỷ hợp đồng. Ngày 3 tháng 7 năm 1999 Nguyên đơn không trả lời về việc huỷ Hợp đồng mà lại thông báo đồng ý gia hạn thêm thời gian cho việc mở L/C, nhưng lại ghi đến ngày 7 tháng 6 năm 1999 (until June 7th 1999) tức gia hạn lùi về quá khứ, như vậy Nguyên đơn có ý đồ thúc ép Bị đơn. Việc Bị đơn xin huỷ hợp đồng đã được thông báo cho Nguyên đơn trong một thời hạn hợp lý, cho nên việc làm này không gây thiệt hại nào cho Nguyên đơn. Mặt khác lô hàng này đã có sẵn và đã chào bán cho các công ty khác sau đó mới chào bán cho Bị đơn, cho nên việc Bị đơn không kịp mở L/C trong thời hạn quy định của Hợp đồng và xin huỷ hợp đồng trong thời hạn này không cấu thành một sự vi phạm chủ yếu đối với Hợp đồng đã ký.
Phán quyết của trọng tài:
Về việc không mở L/C của Bị đơn:
Hợp đồng số 06/99 giữa Nguyên đơn và Bị đơn đã có hiệu lực cho nên Bị đơn phải có nghĩa vụ mở L/C chậm nhất ngày 30 tháng 6 năm 1999. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1999 Bị đơn vẫn chưa mở L/C và theo quy định của Điều 7 Hợp đồng Bị đơn bị coi là không mở L/C, tức là Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Bị đơn nêu lý do của việc không mở L/C là vì Bị đơn gặp khó khăn về tài chính, chưa trả hết nợ cho Ngân hàng nên Ngân hàng không cho mở L/C. Lý do này không được Uỷ ban trọng tài công nhận là chính đáng, không phải là căn cứ miễn trách cho việc không mở L/C, bởi vì Điều 8 của Hợp đồng cũng như Luật Thương mại Việt Nam, luật hợp đồng của các nước đều không qui định việc gặp khó khăn về tài chính là một căn cứ miễn trách cho việc không thực hiện hợp đồng.
Ngày 30 tháng 6 năm 1999 Bị đơn gửi văn thư cho Nguyên đơn đề nghị xin hủy hợp đồng vì khó khăn về tài chính, nhưng Nguyên đơn không có trả lời gì về vấn đề này. Sự im lặng của Nguyên đơn không phải là đồng ý huỷ hợp đồng, do vậy Bị đơn cũng như Nguyên đơn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Sau khi hợp đồng đã được ký và có hiệu lực, các bên không thống nhất huỷ hợp đồng mà Bị đơn không mở L/C thì rõ ràng Bị đơn đã vi phạm hợp đồng (không thực hiện hợp đồng). Vi phạm hợp đồng nhưng không có căn cứ miễn trách nhiệm thì Bị đơn phải chịu trách nhiệm trước Nguyên đơn.
Về sai sót ngày tháng trong Telex gia hạn mở L/C của Nguyên đơn:
Ngày 3 tháng 7 năm 1999 Nguyên đơn telex thông báo cho Bị đơn chấp nhận gia hạn ngày mở L/C, nhưng lại ghi là đến ngày 7 tháng 6 năm 1999 (until June 7th 1999). Về vấn đề này Uỷ ban trọng tài xác định rằng:
Khi nhận được Telex ngày 3 tháng 7 năm 1999 của Nguyên đơn thông báo gia hạn ngày mở L/C đến trước ngày 7 tháng 6 năm 1999, tức gia hạn lùi về quá khứ, nhưng Bị đơn không hề có phản ứng gì, không điện hỏi Nguyên đơn tại sao lại như vậy, cũng không đề xuất thời gian cụ thể cho việc gia hạn mở L/C. Như vậy việc gia hạn mở L/C của Nguyên đơn không làm cho Bị đơn quan tâm. Từ đó sự sai sót về ngày tháng trong Telex gia hạn mở L/C của Nguyên đơn hoặc là ý đồ gia hạn L/C lùi về quá khứ của Nguyên đơn không hề ảnh hưởng đến ý chí thực của Bị đơn về việc xin huỷ hợp đồng, bởi vì Bị đơn đã đề nghị xin huỷ hợp đồng vào ngày 30 tháng 6 năm 1999. Mặt khác sự sai sót về ngày tháng trong Telex gia hạn mở L/C hoặc ý đồ gia hạn lùi về quá khứ của Nguyên đơn không phải là nguyên nhân của việc không mở L/C, mà nguyên nhân đích thực của việc không mở L/C là do Bị đơn gặp khó khăn về tài chính, như đã đề cập ở mục 1 nêu trên. Vì vậy Bị đơn không được miễn trách nhiệm do không mở L/C.
Về số tiền phạt 18.544 USD:
Theo Điều 7 Hợp đồng Bị đơn có trách nhiệm nộp phạt 5% trị giá hợp đồng cho Nguyên đơn, cụ thể là: 5% x 370.880 USD = 18.544 USD
gây thiệt hại nào cho Nguyên đơn. Lập luận này không được Uỷ ban trọng tài công nhận, bởi vì Nguyên đơn chỉ đòi tiền phạt theo quy định của hợp đồng chứ không đòi bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, khi đã qui định tiền phạt do không thực hiện hợp đồng thì bên không thực hiện phải nộp tiền phạt đó, cho dù không gây thiệt hại cho bên kia. Từ đó Uỷ ban trọng tài quyết định Bị đơn phải nộp cho Nguyên đơn 18.544 USD tiền phạt.
Chế tài phạt vi phạm thường được các bên lựa chọn áp dụng vì nó thực hiện hai chức năng: thứ nhất là chế tài đảm bảo thực hiện hợp đồng, thứ hai là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Về mức phạt do vi phạm hợp đồng: Điều 301 Luật thương mại năm 2005 quy
định: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Tiền phạt có thể được coi là khoản bồi thường thiệt hại được tính trước cho bên bị vi phạm khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng. Thường khi áp dụng chế tài này bên vi phạm chỉ phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền phạt mà không phải trả thêm bất cứ chi phí nào. Do đó khi quy định điều khoản phạt trong hợp đồng các bên phải tính toán kỹ tất cả thiệt hại có thể xảy ra đối với mình nếu bên kia không thực hiện hoặc thực hiện không tốt hợp đồng như giao hàng chậm, giao hàng không đúng quy cách, chất lượng, chậm thanh toán…; nếu không lường trước tất cả thì rất có thể mức phạt sẽ thấp hơn nhiều thiệt hại thực tế xảy ra cho bên bị vi phạm.
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều quốc gia có quy định về chế tài phạt vi phạm. Tuy nhiên Công ước Viên năm 1980 lại không có quy định về chế tài phạt vi phạm. Do đó khi áp dụng chế tài này trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì các bên phải lựa chọn áp dụng pháp luật quốc gia để điều chỉnh hợp đồng.