Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng 45

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51 - 53)

2.1. Căn cứ để quy trách nhiệm do vi phạm hợp đồng 41

2.1.3. Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng 45

Lỗi là một trong bốn yếu tố cần có để quy trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi hợp đồng được ký kết hợp pháp, các bên đã biết hoặc buộc phải biết mục đích giao kết hợp đồng cũng như quyền lợi của mỗi bên chỉ có được khi bên còn lại thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng. Các bên đều nhận thức được rằng việc vi phạm hợp đồng của bên này sẽ dẫn đến thiệt hại vật chất cho bên kia, như vậy có nghĩa là bản thân hành vi vi phạm hợp đồng đã bao hàm yếu tố lỗi. Ví dụ: đến thời hạn giao hàng nhưng bên bán cố tình không giao hàng để ép bên mua phải điều chỉnh điều khoản giá của hợp đồng do bên bán biết

bên mua sẽ bán được giá cao hơn dự định, trường hợp này lỗi của bên bán thể hiện ở việc cố tính không quan tâm đến việc giao hàng cho người mua, cũng có nghĩa là cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình; hoặc bên bán giao hàng chậm thì lỗi của bên bán là không quan tâm đúng mức đến thời hạn giao hàng. Lỗi được quyết định bởi lý trí và ý chí chủ quan của bên vi phạm, căn cứ vào ý thức của bên vi phạm đối với hành vi vi phạm của mình mà có thể chia lỗi thành hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong lỗi cố ý có thể chia làm hai loại là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, chúng giống nhau ở điểm bên vi phạm ý thức rõ hậu quả hành vi của mình đối với người khác nhưng vẫn làm, và khác nhau ở điểm bên vi phạm có mong muốn hay không mong muốn hậu thiệt hại cho bên bị vi phạm. Còn lỗi vô ý là trường hợp bên vi phạm thấy trước hoặc đáng lẽ ra phải thấy trước hành vi vi phạm hợp đồng của mình có thể gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn thiệt hại được nếu cứ thực hiện hành vi. Tuy nhiên, cho dù lỗi gì thì bên vi phạm vẫn phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm hợp đồng của mình.

Pháp luật Việt Nam quy định lỗi trong trách nhiệm dân sự tại điều 308 của Bộ luật Dân sự như sau: Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, về nguyên tắc một bên vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên còn lại thì phải chịu trách nhiệm dân sự bất luận hành vi đó thực hiện do lỗi cố ý hay lỗi vô ý của bên vi phạm. Tuy nhiên, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng mà không có lỗi thì bên vi phạm không phải bồi thường, ví dụ: bên bán chứng minh được đã chuẩn bị đủ hàng theo tiêu chuẩn của hợp đồng để giao cho bên mua nhưng trước khi đến thời hạn giao hàng thì kho hàng của bên bán bị lũ lụt cuốn trôi tất cả hàng dẫn đến bên bán không thể thực hiện được hợp đồng, trường hợp này bên bán không thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng không có lỗi nên không phải bồi thường.Trong quan hệ bồi thường thiệt hại do vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh việc vi phạm của bên kia và thiệt hại vật chất thực tế của mình;

ngược lại nếu bên vi phạm không muốn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh mình không vi phạm hợp đồng hoặc nếu vi phạm hợp đồng thì không có lỗi.

Công ước Viên không quy định vấn đề lỗi trong vi phạm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bởi như phân tích ở trên, việc vi phạm hợp đồng đã bao hàm yếu tố lỗi trong đó. Và theo đó, bên vi phạm hợp đồng đương nhiên phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Công ước quy định những căn cứ được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; tại mục IV, điều 79 của Công ước quy định: Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu qủa của nó. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp: Ðược miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên, và nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ. Sự miễn trách được quy định tại điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)