Việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai có liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau trong việc ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến việc đầu tư, cũng như tổ chức quản lý các hoạt động của chợ. Vì vậy, xin đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ và các Bộ, Ngành như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi một số cơ chế quản lý, trong đó, có cơ chế, chính sách quản lý, phát triển chợ. Các nội dung cần được đổi mới bao gồm: Xác định rõ quan điểm của nhà nước về quản lý loại hình thương nghiệp chợ; Xác lập các mục tiêu, nội dung và các hình thức, phương thức quản lý nhà nước đối với hoạt động chợ; Xác định rõ cơ quan chức năng quản lý chợ và các mối quan hệ trong quản lý.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư và quản lý kinh doanh chợ nhằm hỗ trợ tài chính cho địa phương trong công tác quản lý HĐKD tại các chợ.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa đặc biệt là luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó luật về an toàn vệ sinh thực phẩm cấn được chú trọng do hiện
nay các vụ vi phạm về vệ sinh ATTP còn rất nhiều nhưng chế tài xử phạt về vấn đề này còn chưa chặt chẽ.
Thứ tư, mức vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ từ ngân sách nhà nước trung ương cho các tỉnh, nhất là các tỉnh không tự cân đối ngân sách hiện nay còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu và không thường xuyên. Đề nghị chính phủ tăng quỹ hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ và có sự phân bổ theo định kỳ hàng năm đều đặn hơn.
Thứ năm, một số kiến nghị đối với Bộ Công Thương:
Nghiên cứu và ban hành cơ chế quản lý hoạt động của chợ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Chỉ đạo các trường thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo nghiệp vụ quản lý các hoạt động kinh doanh chợ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này trên cả nước.
Xây dựng quy trình và chỉ đạo áp dụng thí điểm chuyển đổi mô hình tổ chức doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.